Chia tay trong vinh quang
Trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, tôi có dịp gặp lại cựu danh thủ lẫy lừng một thời Võ Thành Sơn. Người đàn ông này đã 75 tuổi nhưng dáng vẫn còn rất nhanh nhẹn, bước chân khỏe khoắn.
Không đợi tôi hỏi, ông Sơn nói ngay: "Anh tập tennis buổi sáng, cũng thường ra chơi bóng với anh em, cố gắng đi lại nhiều để không tăng cân và cơ thể được vận động, nên cũng may mắn đến giờ vẫn còn giữ được sức khỏe tốt". Nhìn ông, những ai mê bóng đá nước nhà những năm trước và sau 1975 không thể không nhớ ngay đến những mỹ từ mà báo chí thời đó hoặc anh em trong giới gọi hay phong tặng cho ông. Nào là "vua vòng cấm địa", "chuyên gia xử lý không gian hẹp", "tuyệt kỹ điệu nghệ hãm ngực ghi bàn", "bậc thầy về ngả bàn đèn".
Tôi hỏi: "Anh nghĩ thế nào khi tài ghi bàn của anh đã trở thành thương hiệu không lẫn lộn vào đâu được?". Ông Võ Thành Sơn bộc bạch: "Thực sự tất cả cũng nhờ năng khiếu bẩm sinh và mình chịu khó khổ luyện. Hồi đó làm gì có trường lớp chỉn chu như bây giờ. Cầu thủ đá bằng bản năng của mình thôi. Tôi cũng may là hay quan sát những cú ghi bàn của một số danh thủ hàng đầu thế giới qua sách vở rồi tự tập cho mình. Tập cả chân phải lẫn chân trái và luôn chọn vị trí tốt, che chắn hậu vệ ập vào tranh chấp và thật nhanh hãm bóng đưa từ biên vào đúng tầm chân của mình và cứ thế nghiêng người bắn vào khung thành. Cứ thế tập đi tập lại mãi thành thói quen nên những cú ra chân giống như ngả bàn đèn và nhờ ghi bàn đều đặn nên được mọi người yêu mến". Khi được hỏi về bao nhiêu bàn thắng đã ghi bằng tuyệt kỹ này thì ông Sơn nói: "Tôi không nhớ nổi, chắc là nhiều không đếm hết".
Hồi tưởng lại gần nửa thế kỷ trước, ông Sơn nhấn mạnh: "Lúc đó cầu thủ giỏi như bông hoa đua nở. Nhiều cầu thủ hay lắm, tranh chấp một vị trí trong đội hình không phải là chuyện dễ dàng, nhất là tiền đạo, ngoài chức năng quan trọng là ghi bàn còn phải là điểm tựa mạnh mẽ trong lối chơi của toàn đội. Thời đó tôi hợp với Quan Đức Vĩnh nhất, nhưng Cù Sinh, Tư Lê, Ngôn, Xinh hay Tư béo đều là những cái tên nặng ký. Ai cũng có những độc chiêu mà cứ mỗi lần ra sân là luôn phát huy ở mức tốt nhất. Chúng tôi thi đua với nhau một cách lành mạnh, cạnh tranh để tiến bộ. Anh em luôn háo hức cống hiến ở mức tốt nhất và luôn tự nhủ với mình đã là cầu thủ thì phục vụ khán giả, đem lại niềm vui sau mỗi trận cho người xem chính là yếu tố tiên quyết để đứng vững lâu dài. Tôi cũng có hạnh phúc là đến 34 tuổi mới giã từ sự nghiệp và càng vui hơn khi được Thành đoàn TP.HCM tổ chức trận cầu tri ân và giã từ sân cỏ vào tháng 4.1982".
Hai mắt ông Sơn như cay cay khi nhắc lại ngày đặc biệt đó. "Bấy giờ tôi được khán giả rất yêu mến vì sau chiến tích quật ngã CLB Quân đội 2-1 trên sân Tây Ninh chật cứng khán giả và giành huy chương đồng giải vô địch quốc gia năm 1981-1982, rời sân tôi được mọi người tung hô, chúc mừng, xin chữ ký. Tôi vui và xúc động lắm vì đời cầu thủ đó là khoảnh khắc thật khó quên. Càng ý nghĩa hơn khi trận đó tôi đang cạnh tranh giải vua phá lưới với Cao Cường khi cùng 13 bàn thắng thì tôi đã ghi cú đúp sau 2 đường chuyền của Tâm Huế (ba Lê Huỳnh Đức) và Khánh Hùng. Khán giả quá hạnh phúc, các cấp có trách nhiệm cũng khen ngợi rất nhiều và khi tôi cho biết đó là một trong những trận cuối cùng của tôi thì các anh chị ở Thành đoàn thời đó đã chung tay vào để tổ chức trận đấu từ giã sân cỏ ở sân Tao Đàn, đúng vào dịp sau ngày sinh nhật 20.4 của tôi vài ngày".
Tôi nhớ lại tôi cũng đã có mặt ở trận cầu hào hứng đó, phải chen chúc mới có được tấm vé vào sân khi khán giả tràn ngập trong sân và đứng đông nghịt cả ngoài đường Huyền Trân Công Chúa (TP.HCM). Đó cũng là trận cầu lịch sử của danh thủ Võ Thành Sơn vì đến thời điểm đó ông là cầu thủ phía nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh và chia tay trong vinh quang.
Đau đáu với bóng đá nước nhà
Ông Võ Thành Sơn đã định cư ở Mỹ cùng gia đình hơn 40 năm qua, dù sống xa đất nước nhưng cựu danh thủ vẫn đau đáu tấm lòng với bóng đá nước nhà. Cách đây gần chục năm, cựu tiền đạo Sở Công nghiệp đã thực hiện một nghĩa cử mà chưa ai có thể đứng ra làm được ở hải ngoại. Đó là vận động một quỹ ái hữu từ nghĩa tình của các cựu danh thủ cùng thời và bà con Việt kiều để mang tiền về, tổ chức chương trình "Cây mùa xuân" nhằm góp phần giúp đỡ các cựu cầu thủ trong nước có hoàn cảnh khó khăn, đau yếu và bệnh tật. Chương trình này đã gây sốt khi được sự hưởng ứng của đông đảo cựu cầu thủ khắp nơi và càng làm cho tên tuổi Võ Thành Sơn như sống lại thời hào hùng.
Dù vậy ông Sơn nói: "Tôi không làm điều này để đánh bóng cá nhân. Nhiều anh em đề nghị và mong muốn được chung tay góp sức cho các đồng nghiệp nên tôi được mọi người tin tưởng giao trách nhiệm để trực tiếp về trao tận tay. Bản thân tôi cũng tìm thêm những nguồn kinh phí khác bằng cả tiền mặt lẫn hiện vật để về chăm sóc cho những bạn già có chút niềm vui trong ngày tết cổ truyền. Có năm tôi gặp khó khăn cũng không muốn về Việt Nam ăn tết nhưng nghĩ đến các đồng đội cũ ở Sài Gòn còn khó khăn hơn, thế lại đi. Đợt Covid-19 vừa rồi, tôi không về được nên ở TP.HCM những người bạn như Nghệ sĩ nhân dân Việt Anh đã làm thay những công việc đó".
Uống nước nhớ nguồn, khi về nước, ngoài việc chăm sóc cho bạn bè neo đơn, ông còn dành thời gian đến viếng mộ cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Phạm Văn Rạng, hay tổ chức các giải đấu mang tên các ngôi sao một thời như một cách giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ông Sơn nói: "Nhiều người bạn, người anh đã ngã xuống, họ cần được tôn vinh vì những đóng góp hiệu quả cho bóng đá nước nhà. Tôi muốn các em cầu thủ trẻ nhớ về cội nguồn để tiếp nối truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Thế hệ trước đã khai sáng và cầu thủ bây giờ có nghĩa vụ đưa bóng đá Việt Nam bước lên một tầm cao mới".
Nói về bóng đá TP.HCM, ông Sơn cũng đau đáu: "Khi tôi còn đá, TP.HCM có lúc có đến 6 đội dự giải vô địch, giờ còn 1 đội mà cũng trầy trật vô cùng. Thực sự là theo dõi bóng đá thành phố, tôi rất đau lòng, luôn buồn bã tự hỏi không biết bao giờ mới đến ngày xưa. Tôi chỉ mong những cấp có trách nhiệm hãy cố gắng quan tâm, đồng lòng chung tay vực dậy bóng đá thành phố, phải biến nơi này thành một trung tâm hàng đầu của bóng đá cả nước, chứ không thể để lây lắt như hiện nay. Phải làm sao để những người yêu mến bóng đá lấy lại niềm tự hào và lòng tin như thế hệ trước của chúng tôi. Hy vọng sau mùa bóng này sẽ có nhiều thay đổi".
Ông Võ Thành Sơn không muốn nhận xét nhiều về thế hệ bóng đá Việt Nam hiện tại mà chỉ nói ngắn gọn: "Cầu thủ thời nay được đào tạo bài bản, kỹ thuật và lối đá cũng khác chúng tôi nhiều nên mỗi thời một đặc điểm khác nhau. Nhưng cái mà tôi thấy thiếu nhất là ít có những cầu thủ có phẩm chất đặc biệt, những tài ghi bàn hay dẫn bóng với những nét riêng có đủ tạo đột biến. Các em cần phải cố gắng tập những cú ra chân độc cho mình, những pha xử lý tinh tế hơn. Có vậy mới góp phần giải quyết được trận đấu và tạo nên cảm xúc to lớn cho người xem".
Chia tay ông ở Santa Ana sau một giờ hàn huyên, thoáng chốc lại nghe ông nhắc đến cháu ngoại và niềm vui được đón cháu tan học mỗi ngày. Lại nghe ông nhắn nhủ với người con trai là Võ Thành Long đang ở Houston rồi nhận những cú phone mời ông ra xem các trận bóng đá để góp ý từ các đồng nghiệp đàn em. Ở tuổi 75, ông vẫn bận rộn, nhưng đó là niềm vui, là cảm xúc để ông tiếp tục đóng góp phần nào cho bóng đá và cuộc sống tuổi xế chiều.
Bình luận (0)