Những năm qua, VN đã thực hiện một số chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, để biến các công ty đổi mới sáng tạo trở thành những kỳ lân, VN cần sớm có một chiến lược hiệu quả về một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nhìn lại quá khứ, để trở thành "cái rốn" công nghệ, thung lũng Silicon (bang California, Mỹ) và vùng lân cận đã trải qua cả một chương trình hành động bài bản tạo ra một hệ sinh thái toàn diện cho các công ty khởi nghiệp. Từ đó, khu vực này đã làm bệ phóng cho hàng loạt công ty khởi nghiệp mà giờ đây đang dẫn đầu thế giới chip bán dẫn như NVIDIA, Intel, AMD... hay những tượng đài công nghệ như Apple, Meta, Synopsys...
Khởi đầu là Khu công nghiệp Stanford (sau này là Công viên nghiên cứu Stanford) vào thập niên 1951 với những phòng thí nghiệm bán dẫn để tạo việc làm cho sinh viên Đại học Stanford mới ra trường, Thung lũng Silicon dần hội tụ của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào đầu thập niên 1970 đã giúp tạo ra các khoản đầu tư thúc đẩy sự phát triển của nhiều công ty khởi nghiệp. Kèm theo đó là sự hiện diện và mở rộng của hệ thống ngân hàng, mạng lưới luật sư và công ty luật… để hỗ trợ toàn diện các công ty khởi nghiệp tại đây. Kết quả thì như chúng ta đã thấy, hàng loạt công ty khởi nghiệp từ Thung lũng Silicon nay đã dẫn đầu thế giới, đóng góp quan trọng cho nước Mỹ giữ vững vị thế dẫn đầu công nghệ toàn cầu.
Trong một lần tham quan vườn ươm khởi nghiệp của Viện công nghệ Georgia (TP.Atlanta, bang Georgia, Mỹ), người viết cũng được chứng kiến một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện từ công nghệ, tư vấn về pháp lý để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, rồi tư vấn miễn phí về tiếp thị, tài chính…
Hay gần hơn là Trung Quốc. Trong vài thập niên qua, những chương trình hỗ trợ toàn diện cho khởi nghiệp, song hành cùng chiến lược phát triển đột phá về khoa học công nghệ, Trung Quốc đã có hàng loạt kỳ lân về công nghệ, đổi mới sáng tạo như: Tencent, DJI, Xiaomi, Bytedance...
Từ những bài học như vậy, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tạo ra tác động tương hỗ mạnh mẽ cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước, đồng thời khai thác hiệu quả kinh tế của các bước tiến về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chính vì thế, đã đến lúc cần hoàn thiện một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp toàn diện không chỉ hướng đến những doanh nghiệp thành công, vươn mình ra thế giới mà còn hình thành nền tảng phát triển lâu dài về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bình luận (0)