Một kỳ thi quốc gia: Các chuyên gia không chọn phương án nào

24/08/2014 03:00 GMT+7

Không ít ý kiến kiên quyết phản đối và không chọn phương án nào trong 3 phương án một kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.

Không ít ý kiến kiên quyết phản đối và không chọn phương án nào trong 3 phương án một kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.

Một kỳ thi quốc gia: Các chuyên gia không chọn phương án nào
Nhiều ý kiến chưa đồng tình với việc tổ chức một kỳ thi quốc gia dự kiến thực hiện vào năm 2015 mà vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng có điều chỉnh hợp lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đó là điều diễn ra trong cuộc hội thảo khoa học về chủ trương một kỳ thi quốc gia THPT của Bộ GD-ĐT do Hội Khoa học - tâm lý - giáo dục VN tổ chức sáng qua 23.8 tại Hà Nội.

Đề nghị vẫn 2 kỳ thi nhưng có điều chỉnh

Ông Nguyễn Đức Thạc, Hội Khoa học - tâm lý - giáo dục Hà Nội, là một trong những người phản ứng gay gắt với chủ trương gộp 2 kỳ thi. “Các vị đang làm ngược và biến học sinh, giáo viên thành nạn nhân của thay đổi. Nếu không cẩn thận thì việc gộp một kỳ thi sẽ là “cuộc chiến với cối xay gió” khi mà chúng ta “dồn toa” hết vào một kỳ thi mà không giải quyết cả hệ thống ngay từ đầu” - ông Thạc nói. Ông Thạc đề nghị: “Trước mắt cứ tiến hành thi như năm 2014 và điều chỉnh những bất cập chứ không nên thay đổi theo hướng một kỳ thi”.

 

Bất cứ thay đổi gì hãy nghĩ đến đối tượng chịu tác động đầu tiên là học sinh và đặt mình vào đó

Nhà giáo Hoàng Liên Hải
(Hội Khoa học - tâm lý - giáo dục Hà Nội)

Là người đã nhiều năm gắn bó với giáo dục phổ thông, nhà giáo Hoàng Liên Hải, Hội Khoa học - tâm lý - giáo dục Hà Nội, tha thiết: “Bất cứ thay đổi gì hãy nghĩ đến đối tượng chịu tác động đầu tiên là học sinh và đặt mình vào đó”. Phải xem nếu tổ chức một kỳ thi như vậy thì học sinh của chúng ta được lợi gì. Ở đây chỉ có một cái lợi rất hình thức, đó là học sinh chỉ phải thi một kỳ thi. Tuy nhiên, khi gộp 2 kỳ thi vào một, tức là phải nhảy qua 2 “cái rào” cùng một lúc thì học sinh bủn rủn chân tay.

Đồng quan điểm, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, đề nghị phải lấy quyền lợi của học sinh làm chính, sự đồng thuận của dân làm trọng, chứ không thể bất chấp nguyện vọng của dân được. Nếu chỉ bàn đổi mới thi cử thế nào có lợi cho công tác quản lý là không được. “Thay đổi như vậy là làm khổ học sinh lắm, năm nay vừa thay đổi thế này, năm sau lại thay đổi thế khác” - GS Dong nói. Đồng thời, GS Dong đề nghị nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng nhẹ nhàng, không tốn kém, học sinh thi ngay tại lớp học của mình, thầy giáo của mình coi thi. Còn kỳ thi ĐH phải hết sức tôn trọng tính tự chủ của các trường ĐH, cho họ được tuyển sinh theo nhu cầu.

GS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nêu dẫn chứng từ kết quả chênh lệch rõ rệt giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH các năm gần đây của các môn thi để chỉ ra rằng 2 kỳ thi có những khác biệt rất lớn. “Gộp 2 kỳ thi với 2 mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Giả sử nếu có thí sinh làm tốt phần đề để tuyển sinh ĐH nhưng lại không đạt ở phần đề thi để xét tốt nghiệp THPT thì sao?” - ông Toản nêu tình huống. Vì thế, GS Toản đề nghị nên giữ 2 kỳ thi nhưng để cho các địa phương tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách nhẹ nhàng còn thi ĐH nên giao về các trường.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Viện Khoa học giáo dục VN, cũng cho rằng trong giai đoạn trước mắt nên duy trì kỳ thi như đã làm trong năm 2014 để có thời gian chuẩn bị cho một kỳ thi có tính hệ thống hơn.

Không đồng tình với việc tổ chức 1 kỳ thi với 2 mục đích khác nhau, TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) còn cho rằng nếu tổ chức một kỳ thi chung mà nhiều trường ĐH vẫn khẳng định chắc chắn sẽ có tổ chức thêm một kỳ thi nữa để tuyển sinh thì mục đích giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm tốt kém cho xã hội là không đạt được.

“Sẽ hết sức thận trọng”

Tại hội thảo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ có bộ phận cập nhật thường xuyên và báo cáo 2 lần/ngày những ý kiến góp ý cho các phương án tổ chức 1 kỳ thi. “Từ ngày công bố các phương án thi đến nay đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ của chúng tôi” - ông Trinh nói.

Ông Trinh thừa nhận nếu Bộ đã tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia mà các trường ĐH vẫn đồng loạt tổ chức thi riêng để tuyển sinh thì kỳ thi đó chưa hoàn thành sứ mạng của mình. “Bộ cũng đang yêu cầu các địa phương thu nhận góp ý của cả giáo viên và học sinh, phụ huynh… Thay đổi thi cử tác động đến 1 triệu thí sinh là tác động đến 1 triệu gia đình do vậy chúng tôi chắc chắn sẽ phải hết sức thận trọng”.

Trước thực tế này, GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học - tâm lý - giáo dục VN, nhận định: “Tôi cho rằng việc công bố cuối cùng về kỳ thi này sẽ là quyết định khó khăn nhất của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong thời gian tới với một nền giáo dục như hiện nay. Tôi có cảm giác cơ sở khoa học trong các phương án của Bộ GD-ĐT chưa sáng tỏ nên sức thuyết phục kém”. GS Kiều nói thêm: “Tôi cho rằng đừng nghiêm trọng hóa các kỳ thi. Đổi mới hay giữ ổn định, dù làm gì thì làm vẫn phải đảm bảo độ chính xác, tin cậy của các kỳ thi. Đánh giá đúng cái mà kỳ thi muốn đánh giá”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.