Một lịch sử hôn nhân - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên

“Tôi sẽ đưa bà vào truyện”, ba tôi nói. Và mẹ tôi im.

Chuyện này không phải xảy ra lần đầu, mà nhiều lần lắm rồi. “Tôi sẽ đưa bà vào truyện” trở thành một câu thần chú khi những cuộc tranh luận mấp mé trên bờ vực xung đột, mà kẻ bị dồn vào chân tường là người đàn ông trong gia đình. Vũ khí cuối cùng ông ấy có thể sử dụng, là nó. Một thứ vũ khí ngôn từ thật bí hiểm, như một lời nguyền độc làm lung lay nhân tâm kẻ cuồng tín.
Ừ, thì mẹ tôi luôn tỏ ra biết điều khi câu nói ấy buông ra. Dù đối thủ của bà có vài lần dùng đến câu thần chú ấy hơi sớm, khi kịch tính chưa đến hồi cao trào và diễn tiến của cuộc đối đáp còn cần đến một vài khúc quanh, vài cạm bẫy trong logic, vài cú ngắt nhéo đẩy âm lượng tăng dần cùng với vài màn trình diễn ngôn ngữ cơ thể nhẹ thì di chuyển tới lui, mạnh hơn, là chém tay đập bàn và chén đĩa nảy lên rồi thi nhau rơi tự do xuống sàn nhà. Vỡ và không vỡ (thật ngược đời, tác nhân tạo nên sự rơi vỡ và không vỡ ấy, không phải là đại diện của phái mạnh).
Vài lần như thế, lời thần chú được phát ra không giống với quy luật xung động tâm lý cần đến. Nó khiến mẹ tôi thất vọng thấy rõ. Bà lặng im, nhưng ấm ức. Bà đứng nhìn ông trân trối như kẻ đã thầm cam kết luật chơi sẽ theo nhau đến cuối một hành trình, ấy vậy mà giữa chừng đã buông bỏ, tìm một cái kết, như một tên lính đào ngũ khi trận chiến vừa mới khơi mào.
Chơi vậy sao được. Bà cười nhếch mép và cánh tay sắp chém xuống mặt bàn bỗng dừng lại giữa khoảng không. Bà để cho nó buông lơi trong hụt hẫng. Khuôn mặt lóe lên cái cười cụt hứng, kèm theo tiếng thở dài. Một nỗi cay đắng dâng trong đáy mắt, theo tôi hiểu là vậy. Bà đứng nhìn đối thủ đi lủi thủi vào bóng tối. Nếu không là bóng tối thì cũng là một chỗ khuất và hẹp trong căn nhà. Và nữa, nếu cuộc cãi vã đang xảy ra dưới một bóng cây thì ba tôi sẽ ngồi xuống phía cái cây đổ bóng để nhìn ra chỗ không có con người. Đối diện bụi rậm, bờ vực, bức tường hay cột điện, thậm chí là một cái chuồng bò hôi hám sẽ làm cho ông an lòng hơn là đối diện sinh vật gay gắt trong cõi đời mà ông ngó thấy, sau khi đã dùng hết mọi chiêu thức để đối kháng.
Nhưng đối kháng, đó là cách mà cuộc hôn nhân này cần đến, để tồn tại. Từ khi tôi có trí khôn, tôi đã hiểu ra rằng, nếu không có đối kháng, cuộc sống của gia đình tôi sẽ chênh chao, mất phương hướng và tan vỡ như một cơ thể bị ung thư tàn phá ngấm ngầm. Tôi đã cố tình khơi gợi câu chuyện ngày ba mẹ yêu nhau, để xem lịch sử đối kháng bắt nguồn từ đâu, và cụ thể, ở thời gian nào, điều gì làm nên cái động lực đặc biệt ấy trong đời sống hôn nhân. Nhưng không sao lần dò ra manh mối. Những tình tiết về đời sống tình cảm của hai người nếu không nhạt nhòa thì cũng mờ câm mù đục. Ví dụ, mẹ tôi sẽ kể tới chuyện, “Khi đó tao đi qua cây cầu, thấy ổng đứng phía bãi cỏ bên dưới, ổng nói cái gì đó khá vô duyên” và mẹ vội vàng đưa ra kết luận cho tình huống đó, “Ngày đó đúng là nhảm nhí hết chỗ nói”. Hay mềm mại hơn, là chi tiết ngày cưới, mẹ sẽ nói: “Ổng mặc cái áo vest mượn của thằng bạn nặng hơn ổng 10 kg. Mày nghĩ sao mà lựa thằng đó để mượn áo mặc chứ? Chẳng thà đừng mặc áo vest còn hơn mặc cái áo đó vào, ngó như con quạ”; và kết luận là đây, “Vậy mà cũng mặc chụp hình. Nhìn mấy cái hình là đủ biết ngày đó nhảm nhí”. Mọi ký ức đã được phủ lên bởi những khung sườn của định kiến, chẳng cho thấy một manh mối nào có bề lãng mạn. Dẫu vậy thì tôi vẫn tin rằng, lãng mạn là thứ khởi đầu cho đa số những cuộc tình, dù là lãng mạn nhảm nhí.
Ba dẫu có nghe thấy những hồi ức ấy thì ông cũng chẳng buồn nói gì. Ông ngồi cười cười, mắt vẫn nhìn vào chỗ bóng râm nào đó không có con người. Không hẳn đồng tình, không hẳn phản bác. Đồng tình hay phản bác cũng chẳng để làm gì khi mà chuyện đâu đã vào đó và việc còn lại không phải là quay về xét đoán quá khứ mà phải sống và chiến đấu cho hiện tại. Ông cũng không dễ gì mở miệng nói về ngày hôm qua để tôi có thể lần ra những manh mối cần thiết cho một lịch sử hôn nhân đầy kịch tính.
Một ngày, khi đã đủ trưởng thành như một chàng trai thực thụ. Khi ấy tôi đã hôn bạn gái bằng môi. Tôi ngồi trước sân, bên chiếc phin cà phê chậm rơi từng giọt đen vào lòng ly thủy tinh, chiếc ghế đối diện là ba, tay chống cằm nhìn lơ đãng ra vườn buổi sáng. Tôi nói, “Cuộc tình của con đang cần đến một giải pháp tháo gỡ. Rằng nếu để lâu như vậy thì không ổn chút nào”. Ba tôi thở dài và rít một hơi thuốc. Khói thuốc thở ra phân vân nhập nhòa bay và lan ra, tan rất chậm trong không gian đông đặc bởi hơi nước của cơn mưa đêm. Rồi tôi nghe một câu, trầm đục, cũng ngắn ngủi như đúc kết có tính phổ quát cao, “Đàn bà, mệt lắm con”. Tôi đánh cà phê sủi bọt trong lòng ly. Câu nói đó làm cho tôi cảm thấy lời khuyên về một con đường rút lui trong mối quan hệ tình cảm hơn là những giải pháp cải thiện.
“Thì ai chẳng biết đàn bà là mệt, quá mệt luôn đó chứ, nhưng con cần một giải pháp”, tôi nói và cho cả ly cà phê vào cổ họng. Vị đắng loang phủ kín khoang miệng. Ba tôi vẫn chậm rãi nâng ly cà phê của mình và uống chậm. Hơi khói từ ly cà phê hòa trong khói thuốc.
Giữa lúc đó, mẹ tôi đột xuất tiến vào câu chuyện. Một mũi tên được bắn ra hướng đến pho tượng bất động ở góc sân, “Có bao giờ ổng có giải pháp nào đâu mà con hỏi. Mày hỏi vậy là ép ổng quá, không chừng ổng dọa đưa vào truyện”. Ba tôi như sực tỉnh cơn mê. Thiệt tình là cũng đã lâu, chừng một tháng rồi, ông chưa dùng đến câu thần chú này một cách bừa bãi. Nay chính đối thủ lại khơi gợi và mai mỉa cái năng lực của ông khi mọi sự chưa có gì là gay cấn.
“Tôi sẽ đưa hai mẹ con bà vào truyện”, ba tôi nói và nhổm dậy chuẩn bị đi vào nhà bếp. “Hơi sớm đó ông ơi”, mẹ tôi nói. “Đến nói chuyện để biết phải trái mà ông cũng lười biếng nữa. Ông già quá rồi”, mẹ bồi thêm. Mặc, ba vẫn bước đi vào gian bếp, hai tay buông thõng xuống, lưng gù rũ, như con vượn buồn đi vào lòng hang sâu. Tôi nói với mẹ: “Thôi mẹ đừng ép ba. Ba không muốn chơi tiếp thì thôi”. “Chơi gì mà chơi. Ổng làm thiệt đó. Ổng đi vào nhà ngồi viết truyện không chừng đó nghe chưa”.
Một vài lần, tôi định nói với mẹ rằng, nếu đi vào truyện thì có sao. Truyện của ba viết có được ai đọc đâu. Ngày trước, khi còn sung sức, ba viết hàng trăm bản thảo trong vở, gửi hết báo chí đến nhà xuất bản đều bị người ta từ chối in, huống chi bây giờ, ba có viết chắc cũng chỉ có ba đọc lại nó mà thôi. Nhưng nói điều đó để làm gì. Mẹ thừa biết. Chắc là mẹ cần một cái cớ nào đó, để làm cao điểm đối trọng, để biết lùi lại một cách tự nhiên. Mỗi người đều cần một giới hạn nào đó trong tinh thần, để biết lùi lại và đôi khi sợ hãi chính mình. Con lắc của chiếc đồng hồ trên tường kia còn có giới hạn biên độ dao động, huống chi con người.
Ba tôi đi vào nhà bếp.
Và buổi sáng trời đổ mưa.
Cơn mưa đó ở lại mãi cùng dáng hình khắc khổ của ông trong bộ pijama màu mỡ gà, như một con vượn, tay buông thõng, lưng gù như đeo một khối tích nặng ở cổ, chân nhấp từng bước một và chuồi vào bóng tối gian bếp. Khoảng sân nhà ẩm ướt và mùi cà phê vẫn quyện trong khói thuốc. Gốc cây ngoài hiên vẫn không có bóng dáng một con người nào.
Mẹ tôi, rất nhiều năm sau vẫn ngồi nhìn khoảng tối và nghĩ rằng đối thủ của mình đi vào đó rồi vòng qua ngách phòng khách để đến ngồi nơi chiếc bàn bên ô cửa sổ nhỏ xíu, ánh sáng chỉ lọt vào đủ soi một trang giấy và sẽ viết một cái truyện, trong đó có bà là nhân vật chính.
Nhưng đó là lần cuối cùng chúng tôi nghe câu thần chú. Mẹ tôi lại nói, “Ổng bỏ cuộc hơi sớm”. Và tôi thấy trong chớp sáng của bóng nắng xuyên qua bóng cây ngoài hiên, giọt nước mắt di chuyển khó nhọc vì sự tiết chế của ý chí trên khóe mắt bà.
Sau này câu nói ấy lặp lại nhiều lần, cùng kiểu nước mắt đó. Rồi bà ngồi yên như con lắc đồng hồ đã kiệt sức khi không còn một động lực nào để dao động, trên chiếc ghế đẩu xiêu vẹo, dưới gốc cây đã có bóng dáng một con người.
Bóng tối đã nuốt ba tôi vào trong nó mãi mãi, cùng câu thần chú chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.