Một món quà - Truyện ngắn của Thảo Nguyên (Bình Dương)

Thảo Nguyên
(Bình Dương)
01/10/2023 09:30 GMT+7

1.Khi bà gạt chân chống xe, những tia nắng đầu ngày đang nhảy nhót xuyên qua từng chùm hoa đỏ lộc vừng trên sân miếu.

Ân đã ngồi đó, dựa lưng vô gốc cây từ bao giờ. Bữa nay con bé mặc áo xanh xám quá khổ, tóc bết bụi lẫn mồ hôi, và vẫn đi mỗi bên chân một kiểu dép. Thấy bà, nó ngước mắt chớp chớp mấy lần. Bà lẳng lặng ngồi xuống, chìa ổ bánh mì thịt nướng nóng giòn mới mua chỗ tiệm Ba Thương. Con bé lại ngó chằm chằm, lần này không phải bà mà là gói giấy thơm nồng trước mũi. Biết nên nói gì đó, rất nên, nhưng nhất thời bà không nghĩ ra câu chữ nào vừa vặn với con bé. Suốt ba tuần nay, Ân luôn là đứa trẻ tới miếu sớm nhất, chăm chú theo dõi nhất, và cũng lặng lẽ nhất. Chưa ai nghe được giọng con bé. "Đây là một món quà, dành cho cháu", cuối cùng bà lên tiếng sau vài phút lưỡng lự. Không hy vọng Ân sẽ vui mừng chộp lấy ngấu nghiến ổ bánh mì dù chắc chắn nó đang đói, bà quyết định chờ.

Một món quà - Truyện ngắn của Thảo Nguyên (Bình Dương) - Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Mùa này lộc vừng trổ hoa, từng chuỗi dài đỏ rực nổi bật trên nền trời hè xanh thẵm. Cây như chỉ dấu cho người đi đường. Loanh quanh khu này, hễ ai tới hỏi nhà kia, tiệm nọ, thể nào cũng sẽ nghe hướng dẫn na ná nhau, thấy cái cây to tổ chảng trước cổng miếu kia không, từ đó quẹo phải, hay rẽ trái, đi thẳng chừng ba trăm mét, kiểu vậy. Bà tiếc sao sau nhiều năm về hưu mới biết địa chỉ này. Năm đầu tiên, thực lòng bà hẫng hụt, cảm giác như ở cái đoạn lưng chừng, chưa đáp xuống hẳn mà nếu lên thì lên phương nào mới đúng, như mình đã rời ra bên ngoài guồng quay thế giới trong khi hãy còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Bà từng nghĩ, giá tuổi hưu tăng, với phụ nữ, thực tế chuyện đã được đem ra bàn nhiều tại nghị trường từ thời bà còn đương chức. 

Hòa Bình, con trai bà, luôn phản đối, trong mỗi bữa cơm gia đình, thằng bé cứ càm ràm bà ham việc quá, nghỉ ngơi thôi, cả một đời ruổi rong rồi. Ừ, cả một đời chân đi không mỏi, giá đừng có chiến tranh, chắc bà đã theo học mỹ thuật rồi trở thành cô giáo cũng nên. Rốt cuộc, vì vợ chồng Hòa Bình nài nỉ quá, bà gạt hết bòng bong suy tư qua một bên để dành thời gian vui thú cỏ cây vườn nhà và tham quan đó đây cùng con cháu. Nhưng chỉ được hơn một năm nói cười rổn rảng, bà lại quay về với tâm thế trống vắng cũ, mỗi bình minh lên lại ngồi im lìm trước hiên nhà.

Bận đó, bà tình cờ hạnh ngộ Hà Lam trong chuyến hành trình thăm lại chiến trường xưa R. Cô y tá xứ Quảng năm nào nay tóc đã bạc y như bà, mà nét cười hồn hậu chứa chan niềm yêu đời rộng mở thì vẫn nguyên đó, như mới hôm qua, hai chị em hãy còn ở R., Hà Lam đang lui cui sát trùng vết thương trên chân bà trong hầm bệnh xá, xuýt xoa: "Chu choa ơi, hên kinh, ảnh cõng về trễ xí là nhiễm trùng, không chừng phải cưa giò". Người đồng chí chẳng quản hiểm nguy cõng thương về căn cứ ấy sau này là chồng bà, là ba của Hòa Bình. Bà trách và chờ ông mãi, người đâu thất hứa, đã hẹn sẽ gặp lại nhau dưới tán lộc vừng dẫn lên cứ, hẹn ngày con chào đời sẽ đặt tên nó là Hòa Bình bất kể trai, gái như ước nguyện đất nước liền một mối, vậy mà chưa kịp thấy mặt con đã đi. Bà biết chớ, rằng ông sẽ không về nữa đâu, rằng ông đã nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường Xuân Lộc, ngay cánh cửa hòa bình rồi. Tìm chồng mỏi mòn suốt từ tuổi trẻ cho đến ngày đầu bạc mà hài cốt ông chưa thể về nhà, nên bà vẫn cứ trách, và cứ chờ. Nghe Hà Lam kể đang cùng một nhóm cựu chiến binh đi tìm hài cốt đồng đội từ nam ra bắc, bà ngỏ ý, "Chị đi với". Sau hành trình, bà "trách" chồng nhiều hơn chút, và cũng vui thêm chút, vì có những người đồng chí đã kịp đoàn tụ bên tình thân.

"Phải của má cháu gửi?", là giọng trẻ con, hơi rụt rè, mà trong, kéo giật bà ra khỏi dòng nhớ miên man. Thoáng một dòng điện chạy dọc sống lưng, bà không kịp nghĩ kỹ, chỉ chắc phải chớp lấy cơ hội này, biết đâu con bé sẽ mở lòng, "Đúng rồi". Vài giây đông đặc, bà ngỡ ngàng trước sai lầm vừa mắc phải. Con bé thở hắt ra, nước mắt bắt đầu lăn dài trên gò má nhỏ xíu. "Bà nói dối", Ân đứng phắt dậy đi thẳng tới chiếc ghế nhỏ cạnh giá vẽ. Tiếng nấc của con bé dội sâu vào tim bà, đó là đứa trẻ đầu tiên, một người đầu tiên phán quyết bà "nói dối". Và, bà không có lời nào bào chữa, vì nó đúng.

2.

Lớp học nhỏ trong lòng miếu mới khai giảng hồi đầu hè, có nhiều tiết, vẽ tranh, làm thiệp, kết hoa giấy, cuối tuần có tiết nặn tò he do một bác thương binh hướng dẫn. Miễn phí. Học trò đa phần là các cháu sống trong những dãy nhà trọ quanh đây. Bà đã không biết gì cho tới khi ông bạn già họa sĩ quen từ nhóm Hà Lam phụ trách tiết vẽ bị đột quỵ não. Tỉnh dậy trong phòng cấp cứu, ông líu ríu hoài mấy từ mà bà phải căng tai tập trung lắm mới hiểu, rằng ông lo sắp nhỏ buồn. Tới miếu chỉ với ý định thay thế một thời gian cho bạn già yên tâm phục hồi, bà không ngờ mình bị hút vào đây, ngay từ đầu đường đã thấy màu đỏ hoa lộc vừng buông xõa, hay còn tại bữa đó đã chạm mắt Ân. Con bé ngồi thu lu dưới gốc cây, hễ nghe tiếng bước chân là ngước lên tròn xoe, như thể đang chờ đợi một gương mặt, một tiếng gọi, một nụ cười, một vòng tay ấm choàng ôm.

Sau câu "Bà nói dối", Ân tiếp tục lặng thinh, không rờ tới ổ bánh mì. Mấy ngày sau bà mới nhận ra, ánh mắt chằm chằm buổi sớm mai kia là một chỉ dấu, như cây lộc vừng cổ thụ trên sân miếu, rằng con bé đang cần được giúp. Đúng là Ân đói bụng, có điều dòng chữ Bánh mì Ba Thương ngoài lớp giấy gói mới thực sự khiến nó sáng rực hy vọng chớ không phải chính ổ bánh mì. Suốt buổi sáng, bà lén ngó Ân chăm chú nghiền ngẫm phối màu bột cho những bức tranh chủ đề tự do. Cảm giác có lỗi, cảm giác thiếu sót đâu đó cứ dày lên choáng hết đầu óc bà. Sau rốt, bà hít một hơi sâu, thận trọng dắt xe theo Ân dọc đường về.

Bảo vệ chặn bà ngoài cổng. Đó là một chung cư cao cấp, phải có thẻ cư dân mới vô được. Ông làm căng, hỏi dồn dập, chị là ai, sao đi theo con nhà người ta, có mục đích gì? Thêm vài phút, ông đe, bộ tình bắt cóc trẻ con hả, lảng vảng đây tôi báo cảnh sát. Bà thở dài nhỏ nhẹ, này anh, đừng vội quy kết, phán xét ai khi mình chưa tỏ tường sự việc. Tới đó thì giật mình, chính bà đã tỏ tường gì đâu. Đứa trẻ nằm ngoài danh sách lớp hè, không biết con cháu nhà ai mà khiến lòng bà lấn cấn. Ngay như cái tên, cũng bởi con bé nắn nót viết trên góc phải tập giấy vẽ, Trần Lê Phương Ân, bà mới hay.

Trong khoảnh khắc bà bối rối, bảo vệ chợt dịu lại khi nghe cậu em bác sĩ ở đâu thình lình chạy qua gọi một từ "thẩm phán". Ông rối rít xin lỗi, giải thích vấn đề an ninh rất hệ trọng, quy định của chung cư nghiêm ngặt vô cùng, mong chị thẩm phán thông cảm, sai một li đi đứt công việc nuôi cả nhà năm người, gì thì gì, phải có bảo lãnh mới để chị vô được. Bà cười hiền, khoát tay trấn an người bảo vệ, nói đừng gọi thẩm phán chi, tôi về hưu lâu rồi, chỉ là đang dạy vẽ chỗ miếu Lộc Vừng, thấy đứa trẻ không có người lớn đưa đón đâm lo, đi theo coi tình hình sao thôi. Bảo vệ bỗng à lên, hóa ra con bé qua miếu, hèn chi, tôi từng bấm chuông hỏi dò người lớn trong nhà, tại vì độ rầy con bé hay ra ngoài một mình quá, sáng nào cũng đi, lầm lũi thấy thương. Họ trả lời nó lớn rồi, đã được cho phép. Đành rằng nghỉ hè, nhưng cái cảnh này coi bộ có gì đó sai sai nên tôi lại lên, bữa đó bị nạt cho một trận té ngửa, họ biểu đừng xía vô chuyện nhà người khác, muốn mất việc hay gì, vậy là tôi im.

3.

Họ là ai?

Tôi đâu biết, chỉ nghe giọng phụ nữ qua loa chuông cửa, không phải má con bé, là mẹ kế hay giúp việc mới thì tôi chịu. Ba má nó ly hôn, đâu như sáu tháng trước. Chị biết đó, chuyện nhà người ta, mình có nghe gì, thấy gì cũng chỉ râu ria bề nổi thôi. Tôi kể đây theo cảm nhận cá nhân. Cổ rất được, ý tôi là má con bé. Cổ làm kỹ sư đội bảo dưỡng máy bay trong phi trường, bận rộn luôn luôn mà lúc nào gương mặt trông cũng rạng rỡ. Thỉnh thoảng, cổ giúi cho anh em bảo vệ tụi tôi mỗi người một ly cà phê, ổ bánh mì thịt nướng Ba Thương ngon hết sảy, biểu nhớ giữ sức khỏe đặng bảo vệ chung cư mình lâu thiệt lâu nghen mấy chú, mấy anh ơi, nghe thôi đã mát lòng mát dạ. Cổ mua chỗ đó rất thường, bánh mì, bánh bao cũng có, phần gửi mấy khu phố tặng lại cho người nghèo, phần để trước cổng miếu Lộc Vừng, ai cần thì lấy ăn.

Nói mới nhớ, có khi nào con bé qua đó chờ má? Tôi cứ tưởng gia đình cổ là một tổ ấm hạnh phúc, đùng cái, cổ ra vô ngẩn ngơ, gọi mấy cũng chẳng ơi hỡi, rồi xảy ra một sự việc động trời. Ủa, chị biết vụ đó không, trên mạng xã hội người ta rủa sả cổ bao nhiêu là kể, họ lôi tất tần tật tông ti họ hàng cổ ra chì chiết nữa, nào là ba cổ nghiện rượu bản chất bạo lực, nào má cổ là một phụ nữ ít học, theo nghề tạp vụ. Trời đất ơi, tạp vụ thì sao đâu, người ta kiếm sống lương thiện mà. Tôi thiệt, miệng đời khó lường, với riêng mình, tôi cho là ai làm nấy chịu, đâu cứ phải con cái của người nghiện rượu thì mặc nhiên cũng nghiện. À, cái đoạn phim con bé bầm tím mình mẩy, người ta quy cho cổ, đúng là một phen náo loạn hết, tôi choáng váng, không thể nào cổ làm chuyện vậy. Hai má con quấn nhau lắm. Hồi còn má, Ân là đứa trẻ láu lỉnh, nói cười suốt, mà giờ, chị coi, cạy miệng không ra một từ. Công ty sa thải cổ rồi, ra tòa ly hôn thì bị tước quyền thăm con luôn. Đau đớn chi bằng. Chị gái cổ hay rón rén ghé đây, đem cho con bé đồ ăn, thể nào người lớn trên nhà cũng quẳng sọt rác, nhưng trách nhiệm của mình nên tôi vẫn cứ nhận và giao lại. Tôi chưa được gặp cổ kể từ ngày hai má con bị đứt lìa nhau. Hình như bên ngoại đang kháng án giành lại quyền nuôi con bé mà không luật sư nào chịu nhận, thì bởi, phán quyết tội lỗi cổ đã có trước cả tòa án rồi còn gì, với lại, chồng cổ là luật sư nổi tiếng, chắc người ta ngại dây vô. Không rõ chị tính làm gì hay có thể làm gì, tôi có số điện thoại đây, chị thử hỏi thăm coi.

Đêm đó, và nhiều đêm sau, bà không ngủ được, như dằm trong tim, càng lúc càng khó chịu. Ân ngừng ghé miếu, ba nó phát hiện sự vụ, anh ta làm um lên hằm hè xử lý cả thế giới cái tội lôi kéo con gái ra khỏi nhà. Bà bất lực trước cảnh Ân bị ba dỗ dành bứt khỏi gốc lộc vừng ra xe, dáng vẻ đó nhẹ nhàng ân cần mà sao giả tạo, người từng trải đời sóng gió ắt nhận ra. Rồi bà thấy mình xất bất mò mẩn hết khu này tới hẻm kia, có khi âm thầm quan sát má Ân từ xa, khi lúng túng cố tìm lý do cho cuộc viếng thăm đường đột, khi khác lại bặm môi tự hỏi chính mình tại sao lại làm việc này. Không có câu trả lời, hay đúng ra, lúc đó còn mơ hồ quá, cho đến thời khắc tìm được tập vẽ Ân giấu trong hộp gỗ dưới gầm tủ thờ bà mới biết chính xác việc mình cần làm. Bà đã đoán đúng, phía sau "Bà nói dối" hẳn còn điều gì nữa, ngập ngừng khó thốt nên lời, và con bé đã viết dưới từng bức vẽ, "Không phải má đánh cháu", "Bà nói dối. Má bỏ rơi cháu rồi", "Con đã chờ rất lâu, sao má không quay lại rước con".

Buổi sớm mai một ngày cuối hè, bà bước chậm rãi mà chắc chắn lên bậc thềm ngôi nhà nhỏ ngập tràn hoa lá, nhè nhẹ gõ cửa. Bên trong có người phụ nữ đã bị đánh cắp đứa con gái mà cô yêu thương hết mực. Bọn quỷ quyệt dùng đứa trẻ để thách thức, giày vò má nó, vì cô đã không chịu thỏa hiệp với chúng, những kẻ hiểu biết luật rồi lách luật tinh vi. Người phụ nữ can trường đơn độc đó chắc chắn sẽ là thân chủ đầu tiên của bà trong vai trò luật sư.

Thể lệ Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện

(Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Một món quà - Truyện ngắn của Thảo Nguyên (Bình Dương) - Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.