Một năm đại dịch ám ảnh thế giới

11/03/2021 06:51 GMT+7

Tròn một năm từ ngày WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch, người dân toàn cầu vẫn chưa thể thoát khỏi nỗi ám ảnh kẻ thù chung.

Tính đến tối qua 10.3, Covid-19 đã xuất hiện tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 118 triệu người nhiễm bệnh, trong đó 2,6 triệu người tử vong, theo số liệu từ trang Worldometer. Ngày 11.3.2020, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch với 118.000 ca nhiễm tại 114 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 90% số ca nhiễm tập trung tại 4 nước.
Hiện nay, trong khi một số nước đang nhắm đến việc đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ việc mở rộng chương trình tiêm chủng, nhiều nước khác vẫn đang chật vật trong các đợt bùng phát thứ ba, thứ tư.
Brazil ngày 9.3 ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục là 1.972, cùng 70.764 ca nhiễm mới, theo Reuters. Viện Nghiên cứu Fiocruz tại Rio de Janeiro cho biết hơn 80% số giường bệnh trong khu chăm sóc đặc biệt (ICU) tại thủ phủ của 25/27 bang đang có người điều trị. Tại 15 thành phố lớn nhất, chỉ còn lại 10% giường ICU còn trống.
Tại Pháp, số ca nhiễm mới gần đây luôn duy trì ở mức hơn 20.000 ca mỗi ngày, trong khi tổng số bệnh nhân trong ICU là gần 4.000 ca. Theo AFP, cơ quan y tế đang tạm hoãn các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp để nhường giường cho bệnh nhân Covid-19.

Số ca Covid-19 toàn cầu tăng lại sau 7 tuần: thất vọng nhưng không bất ngờ

Tại Palestine, các bệnh viện đang chịu cảnh quá tải và các khu ICU ở một số vùng thuộc Bờ Tây đang hoạt động hết công suất. Trong khi đó, giới chức Campuchia hôm qua cũng cảnh báo dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến phức tạp ở nước này.
Những diễn biến báo động xảy ra trong lúc nhiều nước lên tiếng về sự bất bình đẳng trong phân phối vắc xin toàn cầu. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala hôm qua kêu gọi hành động nhằm thúc đẩy sản xuất vắc xin tại các nước đang phát triển.
Các nhà sản xuất vắc xin dự kiến cho ra 10 tỉ liều trong năm 2021, nhưng các tổ chức liên quan cho biết việc mở rộng quy mô sản xuất đang gây cảnh thiếu hụt trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cần thiết. Điều này dẫn đến tình trạng một số nước cân nhắc hạn chế xuất khẩu, có thể ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel hôm qua cáo buộc Anh và Mỹ cấm xuất khẩu vắc xin và các nguyên vật liệu để sản xuất. Đáp lại, Anh triệu tập đại diện EU để phản đối và bác bỏ cáo buộc nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.