Một năm đổi mới chương trình giáo dục, SGK: Dồn lực năm đầu nên lo đường dài

19/08/2021 08:00 GMT+7

Chuẩn bị vào năm học mới, nhìn lại năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nhiều địa phương cho biết đã dành những gì tốt nhất cho năm đầu tiên, nhưng vẫn hiện hữu nỗi lo đường dài.

Trong những khó khăn mà đồng loạt các địa phương chỉ ra khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, khó nhất vẫn là về đội ngũ giáo viên (GV) vừa lo thiếu, vừa lo chưa đạt yêu cầu mới.

Đã dồn lực cho lớp 1 đầu tiên

Các địa phương khi nhìn lại năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới bắt đầu với lớp 1 đều có điểm chung: dù khó, dù thiếu cả về phòng học lẫn GV thì vẫn dồn lực để dành những gì tốt nhất cho lớp 1. Kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm học đối với 2 môn toán và tiếng Việt của học sinh (HS) lớp 1 cho thấy hầu hết HS ở các địa phương đều đạt mức hoàn thành tốt và hoàn thành chiếm tỷ lệ cao, tăng so với năm học 2019 - 2020.
Phần lớn các tỉnh hiện nay, biên chế GV đều thấp hơn so với nhu cầu thực tế, thấp hơn so với quy định tối thiểu của Bộ GD-ĐT. Do vậy, dồn lực cho một số năm đầu đổi mới sẽ dẫn tới những khối lớp và cấp học khác sẽ phải thiếu hụt
 
Theo Sở GD-ĐT Hải Dương, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song cũng chính từ đó, nhiều trường đã biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để thay đổi, đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách dạy và cách học.
Tỉnh Bạc Liêu xác định bố trí GV dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 là rất quan trọng, vì đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn chọn cử GV có nhiều kinh nghiệm nhất, có khả năng tốt nhất đáp ứng chương trình, SGK mới, và kết quả tập huấn bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được đánh giá đạt yêu cầu để dạy lớp 1. Do vậy, dù toàn tỉnh thiếu nhiều GV, nhưng với lớp 1, cơ bản đảm bảo định mức GV thực hiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình (toàn tỉnh có 14.489/14.640 HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày ở năm học 2020 - 2021, tỷ lệ 98,96%).
UBND tỉnh Bắc Kạn thì cho hay gặp một số khó khăn khi có nhiều điểm trường mà phải bảo đảm cho tất cả HS đều được đến lớp (toàn tỉnh có 487 điểm trường lẻ)... Ngoài ra, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục được giao hằng năm không đủ theo định mức quy định của Bộ GD-ĐT, trong khi vẫn phải thực hiện tinh giản 10% biên chế, nên đã ảnh hưởng lớn đến số lượng biên chế của ngành giáo dục. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện chương trình mới, các trường học trong tỉnh đã phải thực hiện hợp đồng thời vụ với 263 GV; huy động một số GV thực hiện giảng dạy tại các trường trên cùng một địa bàn; tại những điểm trường lẻ cách xa điểm trường chính, đường đi lại khó khăn, 1 GV phải thực hiện giảng dạy lớp ghép với nhiều khối lớp khác nhau. Bên cạnh đó, do thiếu GV nên các trường tiểu học mới dồn lực cho lớp 1 mà chưa đảm bảo để dạy 2 buổi/ngày ở các khối lớp 2, 3, 4, 5.

“Thiếu trước hụt sau” về đội ngũ

Phần lớn các tỉnh hiện nay, biên chế GV đều thấp hơn so với nhu cầu thực tế, thấp hơn so với quy định tối thiểu của Bộ GD-ĐT. Do vậy, dồn lực cho một số năm đầu đổi mới sẽ dẫn tới những khối lớp và cấp học khác sẽ phải thiếu hụt.
Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, hầu hết GV phải dạy tăng giờ so với quy định, trong khi kinh phí để chi trả cho dạy thừa giờ còn gặp khó khăn. Đa phần các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh chỉ đảm bảo 1 GV/1 lớp, rất khó khăn cho nhà trường khi có GV nghỉ ốm, nghỉ thai sản…
“Ở một số trường, hiệu trưởng, hiệu phó phải dạy thay GV nhiều giờ, cá biệt cán bộ quản lý, GV dạy các môn chuyên còn phải chủ nhiệm lớp. GV dạy ngoại ngữ còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng được số tiết theo nhu cầu học tiếng Anh của HS và theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới”, báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh này nêu thực tế.
Sở GD-ĐT Hải Dương còn chỉ ra rằng, chế độ lương, phụ cấp thấp (nhất là với GV dạy hợp đồng, GV mới ra trường), cộng với trong 2 năm vừa qua phải nghỉ dạy nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một bộ phận GV có tâm lý chán nản, một số thầy cô giáo đã xin chuyển ngành, hoặc bỏ việc đi làm công việc khác, nên tình trạng thiếu GV đã thiếu lại càng thiếu.
Sở GD-ĐT Nghệ An nêu thực tế: mặc dù tỉnh đã phân bổ tỷ lệ GV tiểu học đạt 1,4 GV/lớp, nhưng do tổng chỉ tiêu biên chế trong toàn tỉnh của sự nghiệp giáo dục không được Chính phủ tăng, do đó, để tăng tỷ lệ GV tiểu học buộc phải giảm tỷ lệ GV THCS từ 1,9 xuống còn 1,8. Các trường ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, không thể tổ chức dạy học đủ 32 tiết/tuần do không đủ GV. HS miền núi tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi khi chỉ được học ít số tiết hơn HS các huyện miền xuôi.
Thống kê của Sở GD-ĐT Bạc Liêu cũng cho thấy, để đảm bảo tỷ lệ GV theo quy định thực hiện chương trình, SGK mới, tỉnh này còn thiếu 692 GV các cấp học phổ thông. Với tiểu học, quy định hiện nay tối thiểu để dạy 2 buổi/ngày là 1,5 GV/lớp thì Bạc Liêu mới đạt 1,32. Ngoài ra, môn tiếng Anh và tin học cấp tiểu học (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc từ lớp 3) trên địa bàn tỉnh còn thiếu hàng trăm GV. Không chỉ thiếu GV, đội ngũ GV cốt cán của tỉnh cũng thiếu, thậm chí ở một số môn (nhất là các môn mới, môn ghép, các hoạt động giáo dục) không có GV cốt cán.

Cần đủ giáo viên cho môn học mới, yêu cầu mới

Đổi mới giáo dục phổ thông theo lộ trình từ lớp 1 - 12 sẽ là một chặng đường dài nên sự đầu tư cho các điều kiện đổi mới cũng cần phải theo đường dài chứ không thể “ăn đong” từng năm học.
Ngành GD-ĐT các địa phương đều chia sẻ chỉ có thể cố gắng dồn lực cho một vài năm đầu trong điều kiện hiện có, để đủ sức theo được đường xa thì cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài về cơ sở vật chất và đội ngũ.
Các sở GD-ĐT đều đề xuất cần bổ sung các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; không thực hiện cắt giảm biên chế các đơn vị sự nghiệp ngành GD-ĐT, vì đặc thù của GD-ĐT là quy định số lượng người làm việc theo số lớp và số tiết dạy/tuần, nếu tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ để đảm bảo nhiệm vụ dạy học. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành văn bản sửa đổi định mức GV/lớp theo hướng tăng so với quy định hiện nay.

Đề nghị chính sách để ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên

Chương trình giáo dục phổ thông có những môn học mới lần đầu trở thành môn bắt buộc nên ngành GD-ĐT các địa phương đề nghị cần có chính sách để ưu tiên biên chế để tuyển dụng GV cho các môn học mới ở các cấp học (nhất là môn tiếng Anh, tin học cấp tiểu học; môn khoa học tự nhiên cấp THCS, môn âm nhạc, mỹ thuật cấp THPT). Ngoài ra cần linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ GV hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước thì cần ưu tiên đảm bảo đủ số lượng GV theo định mức quy định đối với mỗi cấp học; điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu, có thể bố trí 1 GV dạy ở 2 trường trên cùng địa bàn (đối với những GV dạy môn học mà chưa đủ tiết tiêu chuẩn theo quy định ở 1 trường), hợp đồng lao động hoặc thỉnh giảng GV dạy môn học mà nhà trường còn thiếu.
Lãnh đạo các Sở GD-ĐT như Hà Nội, Hải Dương... đều cho rằng trên thực tế, để đảm bảo đủ GV dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỷ lệ GV phải đạt từ 1,7 - 1,8 GV/lớp, chứ không phải chỉ 1,5 GV/lớp theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.