Covid-19 bùng phát đúng sau dịp tết 2020, là thời gian các vở diễn mới ra mắt được vài suất, chưa kịp thu hồi chút vốn liếng nào thì đành đóng cửa tạm ngưng. Nghệ sĩ lẫn ông bà bầu sống được nhờ mùa khô, đặc biệt tập trung mùa tết, chứ 6 tháng mưa coi như cầm chừng hoặc bù lỗ. Vậy mà mùa tết và mùa xuân đẹp trời đã trôi qua trong tiếc rẻ. Ông bà bầu vẫn phải hỗ trợ một phần lương cho công nhân, hậu đài dù không thu được đồng nào. Nghe “bà bầu” Mỹ Uyên, Ái Như kể mà xót cả ruột nhưng nể họ vì tình yêu nghề quá lớn, cố gắng chiến đấu tới cùng. NSƯT Mỹ Uyên cầm cố nhà cửa còn đạo diễn Ái Như móc tiền túi của gia đình nhưng chồng con của chị đều đồng cảm và hỗ trợ.
Diễn viên thì bươn chải từ bán hàng online cho tới chạy show đóng phim. Phim quay từng phân cảnh, ít người, không bị cấm, nên cầm cự được trong mùa dịch. Lại quý ca sĩ Bích Thủy, con gái cố nghệ sĩ Bắc Sơn, đã tổ chức tặng gạo và quà cho nghệ sĩ lẫn công nhân hậu đài khó khăn trong mùa dịch để đủ sức chờ đợi ngày sáng đèn trở lại.
Khoảng tháng 5, dịch tạm lắng xuống, sân khấu đồng loạt mở cửa, khán giả đến ủng hộ nhưng vẫn còn chút e dè nên số lượng chỉ vừa phải. Dù sao như thế vẫn đủ cho nghệ sĩ hồi sinh và bớt nhớ nghề. Nghệ sĩ Chánh Trực nói: “Ở nhà hoài, nhớ sàn diễn muốn khùng luôn. Giờ diễn không hẳn vì thu nhập nữa, mà còn vì lòng nhớ đó”. NSƯT Thành Hội cũng nói: “Qua mùa dịch một số anh em mới thấm thía tình yêu sân khấu, khi trở lại họ làm việc nhiệt tình hơn”.
Tháng 7 lại có dịch ở Đà Nẵng, mọi thứ trở về dè dặt nhưng từ tháng 9 trở đi thì hàng loạt sân khấu đã ra mắt vở mới tưng bừng. Hoàng Thái Thanh có Bàn tay của trời; IDECAF có Cậu đồng và Người lạ, người thương, rồi người dưng; Thế Giới Trẻ có Ngược gió; 5B có Bồ công anh, Công lý như mặt trời, kịch thiếu nhi và vở Chạy...
Các sân khấu đã vùng vẫy rất mạnh để tự thoát khỏi đóng băng, đem lại sinh khí sau mùa dịch ảm đạm. Vở mới dựng đầu năm vẫn có thể đem ra diễn được nhưng nói theo đạo diễn Ái Như: “Mình phải tiếp tục có vở mới xốc lại tinh thần anh em và thu hút khán giả”. Nghệ sĩ Quốc Thảo nói: “Ngoài việc dựng vở bán vé, chúng tôi còn phải duy trì các lớp đào tạo học viên, vì vậy phải dựng vở cho các em diễn. Sân khấu không thể tắt đèn quá lâu, cứ cố gắng làm mới để cùng nhau giữ vững tinh thần”.
Thật sự, giữ được tinh thần kiên định như thế để trải qua hết mấy đợt dịch trong 365 ngày quả không đơn giản chút nào. Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn tâm sự: “Khán giả đi xem mà đeo khẩu trang, nghiêm túc đến mức làm nghệ sĩ chúng tôi cảm động. Vậy không thể phụ lòng khán giả, phải có tác phẩm mới, coi như đáp lại mối tình tri âm ấy”.
Bình luận (0)