Một năm tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Ấn Độ

Một năm tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Ấn Độ

27/12/2023 09:40 GMT+7

Ấn Ðộ đã trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ bảy thế giới. Giá trị vốn hóa đạt gần 4.000 tỉ USD, tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2020.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ấn Độ có hai sàn giao dịch lớn: Sàn giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ, gọi tắt là NSE và BSE, sàn giao dịch lâu đời nhất châu Á, trước đây gọi là Sàn giao dịch chứng khoán Bombay.

Một năm tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Ấn Độ- Ảnh 1.

Sàn giao dịch lâu đời nhất châu Á, trước đây gọi là Sàn giao dịch chứng khoán Bombay.

REUTERS

Vào cuối tháng 11 vừa qua, tổng giá trị vốn hoá thị trường của các cổ phiếu niêm yết tại Sàn NSE đạt gần 4.000 tỉ USD, nhiều hơn so với mức vốn hoá 3.900 tỉ USD của Sở giao dịch Chứng khoán Hồng Kông HKEX. Điều này có nghĩa là Ấn Độ đã vượt qua Hồng Kông để trở thành thị trường chứng khoán có giá trị vốn hoá lớn thứ 7 trên thế giới.

Sensex - chỉ số chuẩn của sàn BSE, đã tăng hơn 16% trong năm nay, trong khi chỉ số Nifty 50 đã tăng hơn 17%.

Thị trường Ấn Độ cũng chứng kiến sự bùng nổ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, còn gọi là IPO. Theo báo cáo của Ernst & Young, cả nước đã có 150 vụ IPO trong 9 tháng đầu năm 2023, trong khi Hong Kong có 42 vụ.

Tuy nhiên, đài CNN đánh giá bất chấp sự phát triển lạc quan của nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tránh Ấn Độ trong nửa đầu năm 2024, khi nước này chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào tháng 4 và tháng 5.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng trong ngắn hạn, tình hình bất ổn liên quan đến bầu cử và môi trường vĩ mô toàn cầu khắc nghiệt sẽ khiến dòng vốn nước ngoài vào Ấn Độ yếu đi trong 3-6 tháng tới. Dòng vốn nước ngoài sẽ tăng lên khi tình hình bất ổn liên quan đến bầu cử giảm dần.

Những người theo dõi thị trường đang hy vọng rằng Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi sẽ giành chiến thắng, qua đó tiếp tục đảm bảo ổn định chính trị.

Dù vậy, không phải nhà kinh tế nào cũng lạc quan về triển vọng của Ấn Độ và một số người cho rằng đà suy thoái đang đến gần.

Hồi đầu tháng này, chuyên gia Alexandra Hermann từ công ty tư vấn Oxford Economics nhận định rằng thị trường lao động gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu vào năm tới. Để duy trì niềm tin của nhà đầu tư, chính phủ sẽ cần phải thận trọng về tài chính.

Các nhà phê bình cũng cho rằng đà tăng trưởng hiện tại của thị trường chứng khoán không phải là thước đo đáng tin cậy nhất để đánh giá nền kinh tế Ấn Độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.