Một người dân ở TP.Thủ Đức bị lừa 3,6 tỉ đồng qua điện thoại

04/04/2024 17:16 GMT+7

Nhóm lừa đảo gọi điện thoại đe dọa một người đàn ông (62 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) liên quan đến vụ án ma túy, sau đó lừa lấy 3,6 tỉ đồng.

Đe dọa bắt giam vì liên quan đến vụ án ma túy

Ngày 4.4, Công an TP.Thủ Đức cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức đang điều tra làm rõ vụ lừa đảo bằng công nghệ, chiếm đoạt 3,6 tỉ đồng. Trước đó, ngày 22.3, ông L.Đ.L (62 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) có đơn trình báo gửi Công an TP.Thủ Đức về việc bị lừa đảo qua điện thoại mất 3,6 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Một người dân ở TP.Thủ Đức bị lừa 3,6 tỉ đồng qua điện thoại- Ảnh 1.

Giả danh công an lừa đảo người dân qua điện thoại

CHỤP MÀN HÌNH

Theo ông L., sáng 22.3, ông đang ở nhà thì có số điện thoại 0947.654.7xx gọi điện và tự xưng là Công an TP.Thủ Đức thông báo với ông có giấy triệu tập của TAND TP.Đà Nẵng vì có liên quan đến vụ án ma túy. Sau đó, người này kết nối máy cho ông L. với Công an TP.Đà Nẵng để làm việc.

Một người dân ở TP.Thủ Đức bị lừa 3,6 tỉ đồng qua điện thoại- Ảnh 2.

Công an liên tục cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo nói trên, nhưng nhiều người dân vẫn bị sập bẫy

CHỤP MÀN HÌNH

Tiếp đó, người tự xưng là Công an TP.Đà Nẵng thông báo, số tài khoản ngân hàng ACB của ông có liên quan đến vụ án ma túy mà cơ quan này đang điều tra, yêu cầu kết nối Zalo để làm việc. Qua cuộc gọi video, ông L. được một người đàn ông mặc sắc phục công an, yêu cầu tải ứng dụng line trên Google Play để theo dõi danh sách truy nã, lệnh bắt tạm giam.

Tin lời, ông L. tải ứng dụng theo hướng dẫn, đăng nhập thì thấy chính xác tên mình kèm số điện thoại, địa chỉ nhà, trong danh sách "tội phạm truy nã". Trong ngày 22.3, ông L. được kết nối Zalo và làm việc rất nhiều người mặc sắc phục công an tự xưng là Công an TP.Đà Nẵng, Bộ Công an để được hướng dẫn giúp đỡ, giải oan.

Đến cuối giờ chiều 22.3, ông L. đã thực hiện tất toán 5 sổ tiết kiệm của ông và mẹ ông (tổng số tiền 3,6 tỉ đồng) theo hướng dẫn của nhóm "công an" để xác minh. Cuối cùng, ông L. đã bị lừa đảo mất 3,6 tỉ đồng.

Tuân thủ "8 không" để tránh bị lừa đảo

Để tránh xảy ra những vụ việc tương tự, Công an TP.TThủ Đức vừa có khuyến cáo đến người dân nâng cao cảnh giác các thủ đoạn mạo danh, lừa đảo qua mạng. Trong đó, người dân luôn ghi nhớ, tuân thủ "8 không" để tránh bị lừa đảo.

1. Không có nhà mạng nào gọi điện thông báo khóa sim, nợ cước.

2. Không có việc nhẹ lương cao (ngồi nhà làm cộng tác viên lương 500.000 đồng/ngày).

3. Không có kiến thức thì không tham gia vào đầu tư tài chính online.

4. Không có người thân, bạn bè, người yêu… gửi quà cho bạn qua Hải quan mà yêu cầu phải chuyển lệ phí.

5. Không có cơ quan Nhà nước nào làm việc qua điện thoại (Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án có liên hệ với người dân qua điện thoại để làm việc, thì người dân yêu cầu gửi giấy mời và trực tiếp đến làm việc).

6. Không tự ý chuyển khoản nếu không biết người đó là ai (con cháu học ở trường bị tai nạn thì nhà trường sẽ lo trước, không tự ý chuyển khoản cho người lạ).

7. Không có thần dược trị bách bệnh (người dân tuyệt đối không nghe lời thần dược để tham gia hội thảo… để tránh bị lừa đảo).

8. Không tham lam (trước khi chuyển khoản hãy biết rõ người cần chuyển, đừng mơ hồ bỏ ra số tiền nhỏ để thu về số tiền lớn để tránh bị lừa đảo).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.