(TNO) Một người đàn ông sống ở miền trung nước Úc đã làm điều phi thường khi hiến máu hơn 1.000 lần trong 60 năm qua. Lượng máu ông cho đi đã cứu sống khoảng 2 triệu trẻ em, theo CNN.
Ông James Harrison có trong máu một kháng thể đặc biệt đã cứu sống hàng triệu trẻ mắc bệnh rhesus - Ảnh chụp màn hình CNN
|
Người đàn ông đó là James Harrison, năm nay 78 tuổi. "Năm 1951, tôi phải trải qua một ca phẫu thuật ở ngực để cắt bỏ 1 lá phổi, lúc ấy tôi mới tuổi 14 tuổi. Cha tôi sau đó mới kể lại những gì đã xảy ra. Tôi được cứu sống nhờ nhận được 13 lít máu từ những người xa lạ", ông James nói với CNN.
Ông quyết định sẽ hiến máu khi đủ tuổi được phép. Tuy nhiên, đóng góp của James sau đó đã vượt xa những gì ông tưởng tượng. James sở hữu một loại kháng thể đặc biệt có thể cứu sống hàng triệu đứa trẻ mắc bệnh rhesus.
Vào khoảng năm 1967 ở Úc, mỗi năm có đến hàng nghìn trẻ tử vong mà bác sĩ không biết nguyên nhân. Về sau, họ phát hiện là do bệnh rhesus gây ra. Biểu hiện của căn bệnh này là tình trạng kháng thể của người mẹ tiêu diệt các tế bào máu của thai nhi. Nhiều trường hợp sẩy thai hoặc em bé sinh ra bị tổn thương não, theo CNN.
Dù hiến máu hơn 1.000 lần nhưng ông James chưa bao giờ nhìn vào kim tiêm - Ảnh chụp màn hình CNN
|
Bác sĩ đã phát hiện máu ông James có một kháng thể đặc biệt và đã sử dụng nó tạo ra Anti-D, loại thuốc chữa bệnh rheusus. Hội chữ thập đỏ Úc ghi nhận có 2 triệu trẻ em được cứu sống nhờ Anti-D được bào chế từ máu ông James.
Hiện nay, có hơn 17% phụ nữ Úc có nguy cơ mắc rhesus. Ông James là một trong khoảng 50 người ít ỏi sở hữu kháng thể quý ở Úc.
Tuy nhiên, dù đã hiến máu hơn 1.000 lần nhưng ông James nói rằng chưa một lần nhìn vào kim tiêm. "Tôi nhìn vào trần nhà, người y tá, hoặc nói chuyện với họ chứ chưa bao giờ nhìn vào kim tiêm. Tôi không chịu được khi nhìn thấy máu và không giỏi chịu đau", ông nói.
Bình luận (0)