'Một người quy hoạch 3 vị trí, nên cán bộ luôn luôn phải đi học chứng chỉ'

26/07/2021 14:16 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc yêu cầu các bằng cấp, chứng chỉ đối với cán bộ, công chức, viên chức đang gây ra lãng phí lớn.

Sáng 26.7, Quốc hội thảo luận về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trong năm 2020.  
Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, một lãng phí rất lớn hiện nay là lãng phí trong việc sử dụng con người, cán bộ.
“Tôi nghe rất nhiều đơn vị, nhiều cơ quan đánh giá chỉ được 50% số cán bộ, nhân viên của các đơn vị đó thực sự làm việc có hiệu quả, còn lại chưa phải là những người làm việc có hiệu quả”, ông Cường nói.
Trong vấn đề cán bộ, ông Cường cho rằng, hiện lãng phí đang xảy ra trong việc các cán bộ, công chức, viên chức phải học các chứng chỉ để sẵn sàng cho việc bổ nhiệm.
“Chúng ta biết rằng một vị trí quy hoạch tối đa đến 4 người, 1 người lại quy hoạch tối đa là 3 vị trí. Như vậy, người cán bộ phải luôn luôn đi học các chứng chỉ để sẵn đấy, chuẩn bị sẵn cho mình để chuẩn bị cho việc bổ nhiệm”, ông Cường nói, và cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ông đã chất vấn nguyên Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, và ông Tân cũng thừa nhận việc này.
Cùng nhận xét vấn đề bằng cấp, chứng chỉ đang gây ra lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn chứng chỉ, bằng cấp không hợp lý gây ra việc đua nhau đi học, nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ đi học, vì thấy người bên cạnh đi học, người trong cơ quan đi học, thì mình đi học.
“Những ngoại ngữ không cần thiết cũng học. Tôi là cán bộ khoa học, tôi cảm thấy ngoại ngữ hết sức cần thiết. Mình có ngoại ngữ để làm việc, chứ không phải học ngoại ngữ để làm cho bằng cấp đẹp lên, hình ảnh của mình đẹp lên”, ông Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị cân nhắc trong vấn đề quy định về tiêu chuẩn bằng cấp. Ông Thành dẫn ví dụ về việc chuẩn hóa giáo viên mầm non với yêu cầu phải có bằng đại học, và đặt vấn đề: “Có nhất thiết tất cả đều phải chuẩn hóa đại học không, trong khi rất nhiều vùng sâu, vùng xa điều kiện giáo viên rất khó khăn, có những giáo viên cùng một lúc đứng lớp 3, 4 nhóm tuổi, làm sao có thể làm được điều đó?”.
Theo đại biểu này, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ là cần thiết, nhưng phải có quy định phù hợp với từng nhóm đối tượng và có lộ trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.