Gia đình tôi sống ở miền núi, mảnh đất Tây Bắc hiền hòa, không khí mát mẻ nên trước đây chuyện tiết kiệm điện nghe vẫn còn lạ lẫm. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây quê hương cũng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
Hè 2024 được dự đoán là giai đoạn cực kỳ căng thẳng với những đợt nắng nóng diện rộng. Tình trạng hạn hán, cạn kiệt nguồn nước ở các dòng sông là điều chắc chắn xảy ra. Kéo theo đó là nguy cơ thiếu điện, cắt điện luân phiên sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt cũng như sản xuất…
Để có thể hình thành được thói quen tốt cho từng thành viên của gia đình mẹ đã tự nguyện làm tuyên truyền viên không nhận lương của ngành điện lực bởi như mẹ nói: Tiết kiệm điện lợi ích đầu tiên chính là gia đình mình, thứ hai là cho ngành điện lực và thứ ba cho môi trường và lớn hơn cả là vì đất nước.
Nhà tôi có 4 thành viên, lúc vừa xây nhà xong bố đã chủ định lắp điều hòa ở các phòng. Thế nhưng mẹ đã ngăn cản và để tránh lạm dụng máy điều hòa mẹ đã cùng bố đi đến thống nhất lắp 2 cái ở hai phòng ngủ của bố mẹ và hai chị em tôi. Riêng phòng khách vì nhà tôi thiết kế nhiều cửa sổ tạo sự thoáng mát cho ngôi nhà bố mẹ đã lắp quạt trần. Vậy là đã tiết kiệm được khoản tiền mua máy lạnh lại còn có khả năng tiết kiệm điện.
Điều hòa nhà tôi sử dụng nhiều hơn là vào mùa hè, tuy nhiên với phương châm "tiết kiệm" của mẹ nên phần đa cả nhà chỉ sử dụng điều hòa những ngày nhiệt độ tăng cao lúc ngủ trưa, tối đến trước giờ đi ngủ 30 phút và bố đã dạy hai chị em cách hẹn giờ điều hòa lúc ngủ để máy tự tắt. Tối tối, cả nhà sinh hoạt nơi phòng khách xem ti vi các phòng ngủ mẹ luôn mở cửa sổ lấy gió tự nhiên để làm mát phòng. Điều này cũng làm giảm đáng kể nhiệt độ phòng nên điều hòa không phải làm việc nhiều.
Tôi nhớ bố tôi bảo: Đèn Led có khả năng tiết kiệm điện tới 75% so với bóng đèn thông thường nên tất cả các bóng đèn trong nhà tôi được bố ưu tiên dùng loại bóng này. Riêng phòng tắm, nhà vệ sinh vì không sử dụng nhiều bố lắp bóng đèn Led công suất 5W là phù hợp.
Bài học: "Không để thiết bị điện ở chế độ chờ"mẹ" giảng" hàng ngày cho hai chị em đã được chúng tôi lĩnh hội và thuộc làu, cũng bởi lẽ đó mà ti vi sau khi hai chị em xem xong thì phích cắm ti vi, phích cắm sạc điện thoại, phích cắm quạt nơi phòng bếp cũng đã được cả nhà tôi thực hiện là rút ra khỏi ổ để không bị tiêu hao điện âm thầm.
Với tủ lạnh mẹ không quên nhắc nhở em út: "Con mở tủ ít thôi, tốn điện, hại tủ". Út ban đầu hay quên lời mẹ, nhưng sau em đã nhớ và việc từ bỏ thói quen xấu ấy đã được em nghiêm túc thực hiện và còn được mẹ khen "thành viên nhí gương mẫu". Mẹ hay dùng hộp nhựa và hộp inox trữ thức ăn và làm lạnh thức ăn cũng nhanh hơn. Và một điều quan trọng nữa trong tiết kiệm điện nơi tủ lạnh là không bao giờ gia đình tôi cho đồ ăn còn nóng vào tủ.
Cũng bởi muốn cơm vừa chín tới ăn ngon miệng hơn nên nhà tôi thường nấu cơm điện trước giờ ăn khoảng 30 – 40 phút vừa không phải duy trì nồi cơm giữ ấm lâu mà lại có cơm ngon, bớt tốn điện. Máy giặt nhà tôi chưa bao giờ quá tải bởi mẹ luôn cài chế độ giặt nước lạnh, giặt đúng khối lượng quần áo, chế độ vắt phù hợp và quan trọng nếu quần áo quá bẩn mẹ thường vò tay trước khi giặt, sau một thời gian sử dụng mẹ thường vệ sinh máy và phương châm của mẹ: "Vệ sinh máy giúp quần áo sạch hơn, tăng độ bền và an toàn".
Quần áo trắng nhà tôi ưu tiên giặt tay cũng phần nào giảm gánh nặng cho máy giặt. Trong nhà, bố còn là người thường xuyên kiểm tra cũng như vệ sinh các thiết bị điện để tăng độ bền, tránh hỏng hóc và không hao phí điện năng vô ích. Nhà tôi có lắp cả thiết bị năng lượng để sử dụng nước nóng sinh hoạt, chính vì lẽ đó mà chiếc bình nóng lạnh nơi nhà tắm gần như rất nhàn bởi nó được coi là thiết bị dự phòng của cả nhà…
Vậy là, sau một thời gian thực hành tiết kiệm điện giờ cả nhà bốn người trong gia đình tôi ai ai cũng đều có thói quen tiết kiệm điện. Bố tôi thỉnh thoảng hay trêu mẹ: "Một người vui, ba người khỏe" cũng bởi người thanh toán tiền điện của cả nhà là mẹ. Nếu thấy mẹ không nhăn nhó mỗi khi đi nộp tiền điện về là ba bố con tôi đều biết phương châm "Tiết kiệm điện là thân thiện với ví tiền" của mẹ đã có đạt được kết quả hơn cả mong đợi.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: [email protected] hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)