Trước khi công bố chính thức được đưa ra (tăng giá cước 3G với mức cao nhất hơn 40% từ ngày 16.10), các nhà mạng đã “chuẩn bị” cho việc này cả tháng trước, bằng hàng loạt những thông tin PR rằng, VN thuộc nhóm những nước có mức cước băng rộng di động thấp nhất thế giới, rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn tận 40 lần so với các nước châu u.
Cũng theo thông tin các doanh nghiệp công bố thì Cục Viễn thông (Bộ Thông tin -Truyền thông) xác nhận, giá cước 3G của VN chỉ bằng gần 50% của khu vực ASEAN. Thậm chí cũng chính Cục này còn đe, giá cước sẽ còn tiếp tục tăng để tiệm cận “giá thành”.
Có gì đó không bình thường trong cách giải thích này. Nó là câu cửa miệng quen thuộc của hầu hết các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ độc quyền hoặc độc quyền nhóm như điện, xăng, gas… thường nói.
Chẳng hạn trước khi thanh tra phát hiện ra EVN hạch toán cả lỗ do kinh doanh ngoài ngành vào giá điện thì doanh nghiệp này cũng thuyết phục người tiêu dùng rằng, buộc phải tăng giá điện vì đang thấp hơn giá thế giới.
Một nửa sự thật không bao giờ là sự thật. Giá điện, giá xăng, giá cước viễn thông ở VN có thể đúng là đang thấp hơn một số nước, nhưng để đánh giá một dịch vụ đắt hay rẻ nó còn phụ thuộc rất nhiều vào mức thu nhập bình quân đầu người tại mỗi quốc gia và lợi ích mà dịch vụ đó mang lại cho người dùng. Nói, giá cước băng rộng ở VN chỉ bằng 1/7 giá của Malaysia (có thể đúng), nhưng lại lờ đi rằng, thu nhập đầu người của người tiêu dùng VN chỉ bằng 1/9 dân Malaysia, thì có công bằng không?
Đã nói về giá thì không thể mù mờ, chung chung mà phải bằng con số khoa học, dựa trên những tính toán đầy đủ về chi phí, vận hành, mạng lưới phân phối, truyền tải. Mà tất cả những thông số này ở VN đều rất khác so với các nước trong khu vực, chưa nói so tận châu u. So sánh giá dịch vụ ở một quốc gia thu nhập đầu người hơn 1.500 USD như VN với một đất nước thu nhập đầu người 10.000 USD (như Malaysia chẳng hạn) để bảo là rẻ hơn thì quả là nực cười.
Điều không bình thường nữa là, cái một nửa sự thật ấy lại đang được các cơ quan quản lý nhà nước bảo hộ. Thay vì giữ vai trò “cầm cân nảy mực”, kiểm soát cơ cấu giá thành, công bố công khai, cung cấp môi trường kinh doanh minh bạch để bảo vệ người tiêu dùng, trong hầu hết các trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm mỗi nhiệm vụ là đóng dấu vào các bản đề xuất tăng giá dịch vụ của doanh nghiệp.
Chả có thị trường nào như VN, khi mà các doanh nghiệp được sinh ra và điều hành bởi chính các bộ quản lý chuyên ngành. EVN tăng giá điện hoặc Petrolimex tăng giá xăng đã có Bộ Công thương đứng ra giải thích giùm; việc tăng giá cước viễn thông cũng chả khó khăn gì để có được sự ủng hộ của Bộ Thông tin - Truyền thông.
Cạnh tranh luôn luôn tạo ra những biến đổi rất tốt đẹp. Nhưng việc 3 ông lớn viễn thông cùng dắt nhau tăng giá 3G lần thứ 2 trong năm, phải được xem là bước thụt lùi so với thành tích phá bỏ độc quyền giá cước mà chính ngành viễn thông đã đạt được hơn 10 năm trước, khi Viettel gia nhập thị trường.
An Nguyên
Bình luận (0)