Một phần mềm Việt được cấp sở hữu trí tuệ cho 2 công ty?

21/07/2023 14:09 GMT+7

Không cùng tên phần mềm nhưng hiện nhà phát triển của chương trình quản lý khách sạn DiHOTEL tố doanh nghiệp khác đánh cắp bản quyền để đăng ký sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ với Thanh Niên, Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Tâm Đạt (Công ty Tâm Đạt) được cấp bản quyền tác giả đối với phần mềm quản lý nhà hàng, khách sạn mang tên DiHOTEL từ tháng 12.2014, cùng các phiên bản khác nhau của chương trình này được phát hành những năm sau đó.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng Công ty cổ phần Dragon Technologies đã vi phạm sở hữu trí tuệ khi lấy chương trình máy tính (là tài sản của Công ty Tâm Đạt) để kinh doanh và nộp hồ sơ xin đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ VH-TT-DL).

Trong đơn khiếu nại, Công ty Tâm Đạt cho biết nhóm 3 nhân viên cũ của đơn vị đã đứng ra thành lập một doanh nghiệp mới (Công ty cổ phần Dragon Technologies) khi đang là nhân sự tại đây. Ông Phạm Quốc Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Đại diện pháp luật của Công ty Tâm Đạt khẳng định những cựu nhân viên đã sao chép và đặt tên phần mềm mới là PMSPROUD. Chương trình này được Cục Bản quyền tác giả cấp chứng nhận "Đăng ký quyền tác giả" vào ngày 20.6.2023.

Một phần mềm Việt được cấp sở hữu trí tuệ cho 2 công ty khác nhau? - Ảnh 1.

Một chương trình quản lý khách sạn nhưng được cấp sở hữu trí tuệ cho 2 công ty khác nhau?

Chụp màn hình

Đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản tới cơ quan chức năng đề nghị xem xét và ngăn chặn việc cấp sở hữu trí tuệ cho Công ty Dragon Technologies đối với chương trình PMSPROUD nhưng không thành.

Trong công văn gửi từ Cục Bản quyền tác giả (do bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó cục trưởng ký tên, đóng dấu) đến Công ty Tâm Đạt vào tháng 2.2023, cơ quan quản lý cho biết cũng nhận văn bản giải trình của Công ty Dragon Technologies khẳng định không sao chép, phân phối các sản phẩm bị cho là vi phạm bản quyền. Do đó, phía Cục yêu cầu Công ty Tâm Đạt cung cấp chứng cứ chứng minh dấu hiệu vi phạm quyền tác giả như đã nêu.

Theo đại diện Công ty Tâm Đạt, yêu cầu của bà Oanh là trái quy định của pháp luật, vì Công ty Tâm Đạt là bên đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền thì không có nghĩa vụ phải chứng minh khi có tranh chấp theo quy định tại khoản 3 điều 49 luật Sở hữu trí tuệ. Sau đó, bà Oanh tiếp tục ra các văn bản yêu cầu Công ty Tâm Đạt chứng minh, giải trình quyền sở hữu phần mềm quản lý khách sạn. Các văn bản này đã gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Công ty Tâm Đạt.

Một phần mềm Việt được cấp sở hữu trí tuệ cho 2 công ty khác nhau? - Ảnh 2.

Giao diện làm việc của phần mềm khách sạn mang tên DiHOTEL

Chụp màn hình

Đại diện Công ty Tâm Đạt cũng gửi đơn tố cáo đến Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL. Sau đó, ngày 12.6, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã có văn bản gửi Cục Bản quyền tác giả đề nghị: Rà soát hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với Công ty Dragon để giải quyết dứt điểm (cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận) trước ngày 20.6.2023, tránh tình trạng đơn thư phản ánh, khiếu nại kéo dài; xem xét, giải quyết lần đầu theo thẩm quyền đơn khiếu nại số 1005/2023/CV-TĐ ngày 10.5.2023 của Công ty Tâm Đạt bảo đảm đúng quy định của luật Khiếu nại.

Văn bản cũng truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL chỉ đạo Cục Bản quyền tác giả chấn chỉnh công tác giải quyết thủ tục hành chính tại Cục theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định mới tại Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm giám định, thông tin và chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan thuộc Cục trong việc tư vấn giúp Cục trưởng khi phát sinh tình huống cần xác định có trùng lắp, sao chép nội dung giữa các tác phẩm có đăng ký quyền tác giả.

Một phần mềm Việt được cấp sở hữu trí tuệ cho 2 công ty khác nhau? - Ảnh 3.

Các chức năng của phần mềm DiHOTEL và PMSPROUD khá giống nhau

Chụp màn hình

Theo đại diện Công ty Tâm Đạt, doanh nghiệp này đã có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư sáng tạo các chương trình phần mềm máy tính. Trong quá trình hoạt động, công ty tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và đồng thời tiến hành các thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho các chương trình máy tính là các phần mềm.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết trong trường hợp cùng một phần mềm nhưng cơ quan có thẩm quyền lại cấp giấy phép sở hữu trí tuệ cho hai doanh nghiệp khác nhau thì đơn vị được cấp quyền tác giả trước có quyền đề nghị cơ quan chuyên môn quản lý có thẩm quyền về quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận cấp cho doanh nghiệp sau đối với cùng phần mềm đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.