Sài Gòn những ngày nắng mưa bất chợt, mới nắng chang chang mà một cơn mưa đã đến lúc nào chẳng hay. Tôi vội chạy vào hành lang tránh mưa và bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ trông có vẻ đã ngoài thất tuần rảo bước trên hành lang, một cách nhanh nhẹn lắm…
Có lẽ hình ảnh một người phụ nữ tròm trèm 80 nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt, ánh mắt vẫn sáng và nụ cười hiền hậu đã quá quen thuộc với những lứa học trò theo học tại ngôi trường vừa bước qua tuổi 27 - Ngô Thời Nhiệm. Người phụ nữ ấy không ai khác là cô Phạm Thị Thúy Vĩnh - người sáng lập hệ thống Trường TH, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM).
Sẽ chẳng có gì để kể nếu người cô, người bà Phạm Thị Thúy Vĩnh đơn thuần là một nhà giáo dục chân chính như bao người cũng đang làm nghề "trăm năm" này. Hơn 25 năm qua, bàn chân của người phụ nữ ấy đã đi gần như khắp đất nước Việt Nam, từ vùng sâu nhất, nơi xa nhất để tìm những hạt giống tri thức về gieo vào khu vườn do chính tay mình tạo nên.
Ngồi đối diện tôi là một người phụ nữ đáng tuổi bà của tôi, nhưng tôi chưa bao giờ nhận thấy được dấu hiệu tuổi tác bởi mọi hành động, cử chỉ và lời nói đều toát lên một "nội lực" rất lớn của một nhà giáo dục tâm huyết. Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi giọng nói trầm ấm của cô.
- Những ngày đầu xây trường ở đây khó khăn lắm con, đất thì rộng mà chẳng có người. Hồi xưa, mấy thầy cô phải đẩy gạch, đẩy cát phụ khi mới xây trường. Nên nghĩ lại thấy thương lắm…, cũng hai mươi mấy năm rồi còn gì.
Câu chuyện của cô cứ cuốn tôi vào những trang hồi ức của một cô giáo khi ấy ngoài 50, mà giờ đã gần tuổi 80. Câu chuyện của cô không chỉ là làm giáo dục mà còn về hành trình rong ruổi đi tìm những "niềm tự hào". Đó chính là những cô cậu học sinh thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính do cô nhận bảo trợ.
Tôi ngồi nghe cô kể về lứa học trò đầu tiên được hưởng đặc quyền từ học bổng Vừ A Dính một cách đầy tự hào:
- Bọn trẻ đầu tiên vào đây từ ngoài đảo Lý Sơn, thương lắm, vì đứa nào cũng hiền và khờ, nhưng được một cái siêng năng và học giỏi lắm.
Tôi nhìn thấy sự tự hào hiện rõ trên gương mặt của cô kèm theo nụ cười hiền hậu. Cô kể:
- Có nhóm học sinh ở tận Tây Bắc, ngày cô với cô Hoa (cô Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính) đến thuyết phục mãi cha mẹ mới chịu cho con vào TP.HCM học. Vậy chứ ngày đưa con vào học, ông bà lại nước mắt ngắn, nước mắt dài rồi làm cho bọn nhỏ cũng đòi về không chịu học. Cô phải hứa đủ điều cha mẹ bọn nhỏ mới an tâm để con ở lại. Tụi nhỏ năm nay đã ra trường đi làm hết rồi đó con...
Cô say sưa kể cho tôi nghe những lần lên Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng rồi ra cả đảo Lý Sơn… để tìm học sinh hiếu học mà đưa về thành phố cho đi học. Cứ nghĩ một đứa, hai đứa hay chừng mười đứa thôi. Vậy mà bây giờ, cô và hệ thống trường Ngô Thời Nhiệm đã nhận bảo trợ cho vài trăm em học sinh biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa 100% chi phí học tập, sinh hoạt đến năm các em tròn 18 tuổi.
Có không ít những cô cậu học sinh được cô bảo trợ đã thành danh, thành tài như bác sĩ Đặng Văn Tốt - thủ khoa toàn khóa của ĐH Y dược Hà Nội.
Không dừng lại đó, cô dành tặng cho bác sĩ Đặng Văn Tốt học bổng 60 triệu đồng/năm cho suốt 3 năm học bác sĩ nội trú. Và trong một lần tình cờ gặp, bác sĩ Tốt đã chia sẻ thế này:
- Nếu không có cô Phạm Thị Thúy Vĩnh chắc bây giờ con đã là một anh nông dân hay một ngư dân ở ngoài đảo mất rồi…
Tận sâu trong đôi mắt của chàng bác sĩ trẻ được giấu đi bởi nụ cười giòn tan là một sự biết ơn đến tận cùng. Và tôi chợt nhận ra, nụ cười và ánh mắt rất quen - nó giống như nụ cười và ánh mắt mà tôi từng gặp ở cô Phạm Thị Thúy Vĩnh.
Cơn mưa vừa ngớt, cũng là lúc tôi chia tay cô. Cánh cửa phòng vừa mở, những tia nắng xuyên qua những giọt nước còn đọng lại trên phiến lá ánh nên sắc màu tươi mát. Tôi bước đi mà như còn nghe bên tai lời cô nói:
- Không biết còn sức đến lúc nào nhưng hễ còn làm giáo dục là cô vẫn sẽ đi, luôn muốn tạo cơ hội cho những đứa trẻ có ước mơ, hoài bão nhưng lại không có điều kiện biến thành hiện thực.
(*) Đời mãi xanh, lời thơ: Lê Quang Khanh, phổ nhạc: Ân Tâm
Bình luận (0)