Trong sách Một pháp có giới thiệu sơ lược về tác giả Joseph goldstein. Theo đó, ông là người đồng sáng lập và là giáo viên thường trú tại Hiệp Hội Thiền Minh Quán (Insight Meditation Society) ở Barre, Massachusetts. Ông đã học và thực hành thiền từ năm 1967 với sự hướng dẫn của nhiều bậc thầy lỗi lạc tại Ấn Độ, Miến Điện, Tây Tạng.
Tại buổi ra mắt sách này, anh Việt Hoàng, là một trong hai người đã chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Việt cũng đã có sự chia sẻ về cơ duyên để đưa tác phẩm này đến gần với độc giả Việt Nam: "Vào 22 năm trước, lúc bấy giờ tôi mới tìm hiểu về phật giáo, tu học và tâm linh. May mắn được đọc hai tác phẩm của tác giả Joseph Goldstein là 30 ngày thiền quán và Kinh nghiệm thiền quán, tôi cảm thấy rất xúc động khi được truyền tải bằng ngôn ngữ rất gần gũi và thiết thực với đời sống con người hiện đại và có mong ước một ngày nào chuyển ngữ được những tác phẩm của tác giả này", dịch giả Việt Hoàng tâm sự.
Đến năm 2010, khi hệ thống thông tin, mạng lưới internet ở Việt Nam đã bắt đầu phát triển, dịch giả Việt Hoàng được đi ra nước ngoài làm việc và học tập. Anh đã bỏ công tìm hiểu về tác giả Joseph Goldstein và được biết tác giả có viết nhiều tác phẩm khác nhưng chưa được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Và trong đó có một cuốn mà khi vừa đọc tựa đề anh Hoàng đã vô cùng xúc động, đó chính là cuốn sách mà hôm nay được dịch sang tiếng Việt ra mắt bạn đọc, cuốn Một pháp.
Bìa tác phẩm mới |
Cũng như anh chia sẻ, tựa đề Một pháp được dịch rất xác nghĩa, đúng với nguyên tác tiếng Anh. Lúc ấy, anh rất tâm đắc vì quyển sách nói về chủ đề Phật giáo và thực hành các phương pháp tâm linh khác nhau. Việt Hoàng cũng cho biết thêm, trong vòng 10 năm, anh đã tiếp xúc với nhiều truyền thống Phật giáo và những những phương thức tu học tâm linh khác nhau.
Đến năm 2019, anh Hoàng có chuyến đi ra nước ngoài. Vô tình đến một hiệu sách cũ, khi ấy, anh thấy ấn bản Một pháp của Joseph xuất bản năm 2000. Thế là anh mua ngay cuốn sách này. Sau khi trở về Việt Nam, anh Hoàng đến gặp những người bạn làm trong lĩnh vực phát hành sách, trong đó có chị Phương Thảo là tổng giám đốc của công ty Thái Hà. Anh trao đổi với chị Thảo về ý nghĩa của quyển sách, cũng như sự phù hợp của tác phẩm đối với người Việt Nam.
Theo anh chia sẻ, người Việt Nam đã trải qua trong bối cảnh từ năm 2000 đến năm 2022 như tác giả Joseph mô tả trong cuốn sách đó là giống như Phật giáo Tây Phương cách đây hơn 60 năm. Do xã hội của họ rất cởi mở về nhiều thứ, trong đó có vấn đề tu dưỡng tâm linh, lúc đó có nhiều sự nghiên cứu đã diễn ra, có cả những phương thức đối lập.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để dung hòa và thống nhất tất cả những sự dị biệt ấy vào trong một thứ. Thì đó chính là câu chuyện của tác giả Joseph Goldstein muốn gửi gắm. Tác giả đã chia sẻ 30 năm tu học của mình với nhiều truyền thống khác nhau, cùng với những vị thầy lỗi lạc nhất của Phật giáo thời bấy giờ.
Chính vì niềm yêu kính dành cho tác giả mà anh Việt Hoàng mong muốn được dịch sang tiếng Việt để giới thiệu tới những người quan tâm đến Phật giáo về việc tu dưỡng tâm linh và phát triển con người.
Và theo đề xuất của công ty Thái Hà thì chị Hoàng Lan sẽ đồng hành cùng anh Việt Hoàng trong quá trình chuyển ngữ quyển sách sang tiếng Việt. Cho đến hôm nay, đã 3 năm qua, quyển sách đã được được dịch xong và Một pháp được Thái Hà Books và NXB Hà Nội giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam.
Bình luận (0)