Chiều 15.6, phiên bản khác của ca khúc nhạc Hoa lời Việt Độ ta không độ nàng do thượng tọa Thích Nhật Từ đặt lời mới với tiếng hát của Quách Tuấn Du đã ra mắt khán giả, với tên gọi Đời ta từ nay không lụy sầu. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần nhưng Độ ta không độ nàng lại có 10 phiên bản khác nhau. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử nhạc Việt.
Vì có nhiều tranh cãi quanh ca khúc này nên mới đây, thượng tọa Thích Nhật Từ đã viết lại lời mới cho bài hát. Cùng với đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ còn livestream chia sẻ quan điểm của mình: "Tôi dịch ca khúc Độ ta không độ nàng sát với nguyên văn để độc giả có thể thấy bản nguyên tác tiếng Trung không ngôn tình da diết, bi quan, bế tắc như phiên bản Việt do Tuyên Chính viết lời, có thể tạo ra nhiều tác hại đối với giới trẻ Việt Nam".
|
Dưới góc độ người xuất gia, Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định ông không tán đồng cả với bài nguyên tác tiếng Trung lẫn bản phóng tác tiếng Việt Độ ta không độ nàng. "Bởi vì tác phẩm này tạo hình ảnh quá tiêu cực, quá sai lầm, quá ảm đạm, quá bi quan, chán chường và tuyệt vọng của người tu sĩ đã lỡ rơi vào cõi yêu đương không lối thoát, đến độ phải giết một người mà anh ấy thù hằn bằng một lưỡi kiếm. Chuyện này rõ ràng là không có thật, chỉ là chuyện hư cấu nhưng cũng để lại tác hại ghê gớm với những cái hiểu sai lệch về các tu sĩ, về cuộc đời, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ khi họ gặp phải những dang dở trong tình duyên. Hành vi hận tình trả thù của vị tu sĩ hư cấu là phạm pháp. Việc phổ biến lời ca bạo lực, phạm pháp là “vẽ đường cho hươu chạy”. Rất nhiều chàng trai, cô gái mới lớn thất tình nếu bị cuốn vào lời ca sẽ trở thành bản sao của lời ca đó và bắt chước lối ứng xử bạo lực”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
Ca khúc Đời ta từ nay không lụy sầu được Quách Tuấn Du thể hiện sau hai ngày ra mắt đạt hơn 120.000 lượt xem trên YouTube. Quách Tuấn Du cũng có những chia sẻ khi thu ca khúc này: “Duyên lành thay sư phụ Thượng tọa Thích Nhật Từ đã cùng vào phòng thu của em trai Cao Luân Vũ thực hiện nhanh lời bài hát 99% ngôn ngữ Phật pháp trên nền nhạc "Độ". Với mong muốn mang rộng hơn, nhanh hơn những ngôn ngữ mà dường như người chưa từng am hiểu về Phật pháp sẽ thấy lạ lẫm. Từ bài này làm quen ngôn từ Phật pháp dần dần trong đời sống hiện nay của chúng ta, nhất là đối với người trẻ rất dễ bị cám dỗ bụi trần”.
So với lời Việt phiên bản đầu tiên, lời của Thượng tọa Thích Nhật Từ hoàn toàn khác, nó không còn xoay quanh tình yêu thông thường mà nó mang ý nghĩa và phù hợp với Phật pháp. “Phật dạy nhân sinh tu đức, giải phóng sân, hận khỏi lòng. Nghiệp lực bao năm vì đâu? Bám víu, đam mê khổ sầu. Đường trần muôn kiếp bám vào, bồ đề không thể nở hoa, dòng đời còn trôi vạn nẻo, bỉ ngạn trào dâng khó qua. Hồng trần một khi vương vấn, chấp vướng nhân, ngã, khổ sầu. Hỏi rằng lang thang vì đâu, đắm đuối không thể quay đầu? Mộng tình tan theo gió thổi, đời người như bóng bèo trôi. Đời ta, từ nay không lụy sầu...”, một phần nội dung của bài hát Đời ta từ nay không lụy sầu được Thượng tọa Thích Nhật Từ viết.
|
Dù không gây sốt như các phiên bản của Khánh Phương hay Phương Thanh nhưng ca khúc mới của Quách Tuấn Du lại nhận được sự hưởng ứng của dư luận. “Đây mới thật sự là chánh pháp. Con đường giác ngộ luôn luôn rộng mở ở phía trước”, “Quá hay, đây mới là một bài hát mình mong đợi. Lời quá hay, cảm ơn thầy đã cho ra một tác phẩm hay và cho mọi người hiểu đúng về đạo Phật của chúng ta. Đây mới là chánh pháp”, “ Dân Việt hát nhạc Việt, lời Việt mới đúng. Phân rõ đen trắng và những văn hóa ngoại lai không tốt đẹp”, “Hoan hô bởi vì lời thơ thầy dịch rất hay. Ngữ nghĩa Phật giáo thầy dùng quá chuẩn”, nhiều khán giả dành lời khen và đồng tình với lời của bài hát này.
Tuy nhiên, nhiều khán giả lại cho rằng dù mang đúng tinh thần của Phập pháp nhưng ca khúc này khó có sức lan tỏa mạnh mẽ bởi Độ ta không độ nàng đã được phổ biến quá đình đám trước đó. Khán giả khác lại cho rằng lời của bài Đời ta từ này không lụy sầu sử dụng từ ngữ quá bác học, khô cứng vì thế giới trẻ sẽ khó lòng nghe và cảm nhận được. Theo khán giả thì bài hát này chỉ phù hợp để nghe ở chùa. “Bài này thì khá đúng Pháp, nhưng bài Phương Thanh hát sát bản gốc nghe thấm hơn. Tùy hỉ công đức những người bảo vệ chánh pháp”, “Lời khác mà bắt chước theo lời Tuyên Chính, phải dùng câu chữ khác mới được, lời của Hamlet Trương khác hoàn toàn vậy mới hay, không được rồi anh Du ơi”, "Bản của chị Phương Thanh dễ hiểu dễ thấm hơn. Còn bài của Quách Tuấn Du sử dụng nhiều từ không phổ biến nên thấy không thấm bằng, nhiều câu nghe không hiểu nói gì vì dùng từ ngữ Phật giáo", nhiều khán giả để lại nhận xét cho bài hát.
Trước đó, ca sĩ Phương Thanh cũng đã cover ca khúc Độ ta không độ nàng với phần ca từ hoàn toàn khác. Ca khúc này mang tên Tự nàng hãy cứu độ nàng, dịch lời theo chánh pháp của sư thầy Thích Đồng Hoàng và biên soạn Hoàng Kim nhận được hưởng ứng mạnh mẽ của người nghe.
Tuy nhiên, tranh cãi không dừng ở việc sử dụng ca từ không đúng với Pháp pháp hay nội dung và ý nghĩa ảnh hưởng đến người tu hành nữa. Nhiều khán giả bày tỏ sự thắc mắc và khó chịu khi Độ ta không độ nàng liên tục được cho ra mắt nhiều phiên bản khác nhau và "gây sốt" một cách thái quá như vậy.
"Đi đâu cũng nghe "độ độ", muốn loạn cả não. Đây cũng chỉ là một ca khúc nhạc Hoa làng nhàng so với những bản nhạc xuất sắc từ trước đến nay. Dường như mọi người đang nâng tầm ca khúc này một cách vô tình trong khi đáng lẽ ra, nó nên bị lãng quên như cách mà chính khán giả bản xứ đang làm. Nói chung chỉ là một bài hát thôi mà cứ lôi đi nói hoài. Bộ nhạc Việt hết bài hot rồi sao. Mọi người bàn chi nhiều để nó cứ sống mãi", một khán giả gay gắt lên tiếng.
Bình luận (0)