Một phụ nữ trở về sau 7 năm mất tích

24/09/2016 12:29 GMT+7

Chị Phạm Thị Ngọc (trú tại xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vừa trở về nhà sau 7 năm mất tích, do bị lừa bán sang Trung Quốc.

Trở về nhà bố mẹ đẻ ở thôn Phú Lộc (xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), sau 7 năm mất tích, chị Ngọc trông già hơn tuổi rất nhiều. Mới 33 tuổi nhưng chị Ngọc với dáng vẻ khắc khổ, tiều tụy, lọm khọm trông như cụ già.
Trong câu chuyện với chúng tôi tại nhà riêng, bố mẹ chị Ngọc kể lại những năm tháng khổ đau khi con gái mất tích và hành trình vất vả đi tìm người thân.
Ông Phạm Văn Ngọ (62 tuổi, bố chị Hoa) kể: tháng 10.2009, chị Ngọc đi làm thuê cho người đàn ông tên Trọng ở xã Thiệu Giao (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Một tuần sau, ông Ngọ gọi điện thoại cho con gái hỏi thăm nhưng không liên lạc được. Ông Ngọ sau đó tìm đến địa điểm con gái làm việc thì nhận được câu trả lời chị Ngọc đã bỏ đi làm ở nhà khác.
VIDEO: Tâm sự của người phụ nữ tưởng mất tích 7 năm trở về
“Tôi hỏi những người làm việc với cháu thì họ nói con tôi đến làm cho một chị tên Thanh gần đó. Đến gặp chị Thanh thì chị này cho biết con tôi ở lại gia đình 3 ngày rồi xin về nhà lúc sáng sớm”, ông Ngọ nói.
Vợ chồng ông Phạm Văn Ngọ vỡ òa hạnh phúc khi nhận tin con gái trở về Ảnh Phạm Đức
Nhiều ngày tìm kiếm con gái trong vô vọng, ông Ngọ viết đơn trình báo việc con gái mất tích tới Công an xã Thiệu Tiến và Công an huyện Thiệu Hóa. Ông Ngọ và vợ là bà Lê Thị Lộc (60 tuổi) khóc cạn nước mắt suốt những năm tháng rong ruổi trên những nẻo đường tìm con. Sau 7 năm sống trong tuyệt vọng, họ bất ngờ nhận được tin con gái trở về lúc nửa đêm, trong niềm vui vỡ òa.
Khoảng 23 giờ 30 ngày 12.7, đại diện Công an xã Thiệu Tiến đến gia đình ông Ngọ báo tin chị Ngọc đang được Công an phường Cát Bi (thành phố Hải Phòng) tạm giữ, chờ người thân ra xác minh và làm thủ tục nhận con.
“Khi ra đến trụ sở Công an phường Cát Bi, con gái nhìn thấy tôi thì òa khóc gọi lớn: “Bố ơi!. Con nhớ bố”. Hai bố con sau đó ôm nhau khóc nức nở", ông Ngọ kể.
Bị lừa bán sang Trung Quốc
Trong căn nhà của bố mẹ, chị Ngọc rùng mình kể cho chúng tôi nghe về hành trình bị lừa bán cho một người đàn ông Trung Quốc và cuộc sống đau đớn nơi xứ người.
Chị Ngọc kể: sau khi xuống làm thủy lợi thuê cho ông Trọng 3 ngày thì được 1 người phụ nữ tên Thanh (ở cùng xã với ông Trọng) rủ về nhà ở và làm việc. Ba ngày sau, chồng chị Thanh tên là Hiếu chở chị đi lúc 3 giờ sáng.
“Ông Hiếu chở em đi lúc rạng sáng, em hỏi đưa đi đâu nhưng ông này không nói. Em chỉ nhớ là ông đưa đến 1 nhà nuôi rất nhiều lợn. Tối hôm sau em bị đưa lên xe khách màu đỏ đỏ xanh xanh rồi đưa qua cửa khẩu và bị nhốt tại 1 nhà nghỉ gần đó”, chị Ngọc kể lại trong nước mắt.
Chị Phạm Thị Ngọc gầy ốm và già hơn tuổi rất nhiều sau 7 năm bị bán sang Trung Quốc Ảnh Phạm Đức
Chị Ngọc bị nhốt chung phòng với khoảng 7 người phụ nữ Việt Nam khác. Tại đây, chị được một người phụ nữ nói giọng miền Nam cho biết chị đã bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 100.000.000 Nhân dân tệ.
Sáng hôm sau, một người đàn ông 37 tuổi tên là Phổ Cốt Lãm và người thân của ông này đón về nhà. Chị Ngọc chỉ nhớ là mình được gia đình chồng đặt tên là Phổ Ái Liển và sống tại vùng núi Lãm Hoa thuộc huyện Quảng Tây, Trung Quốc.
Khi mới về làm dâu, chị bị chồng, chị dâu và bố mẹ chồng đánh. Nhiều lần chị dâu vu oan ăn trộm tiền nên chị Ngọc bị chồng đánh đập không thương tiếc. Nhiều đêm chị thức trắng, khóc cạn nước mắt vì nhớ nhà. Chị muốn gọi điện về báo tin cho gia đình nhưng không biết cách liên lạc.
Thời gian trôi đi, chị hòa nhập dần với cuộc sống mới, nên người chồng ít đánh đập hơn. Chị có 2 con với người đàn ông này. Một cậu con trai 6 tuổi và một cô con gái 5 tuổi.
“Vừa rồi, bị chồng đánh nhiều quá nên em lên báo công an bên đấy. Công an bảo em phải làm chứng minh nhân dân mới về được. Em cố gắng thuyết phục chồng cho về thăm nhà mãi thì nó mới đồng ý”, chị Ngọc nói và cho biết người chồng chỉ đưa chị về đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), đưa cho 200 Nhân dân tệ, rồi quát mắng: “Mày muốn theo ai thì đi, lấy ai thì lấy”.
Chị Phạm Thị Ngọc mong muốn đưa các con về quê nhà chung sống Ảnh Phạm Đức
Mong được đưa con về quê
Bị chồng bỏ lại bơ vơ và không có giấy tờ tùy thân nên chị Ngọc không thể qua cửa khẩu được. Chị ngồi bệt xuống đất rồi òa khóc trong sợ hãi. May mắn có một người đàn ông Việt Nam (chị không nhớ tên) nhìn thấy, đến hỏi thăm, rồi đưa chị "vượt biên" qua cửa khẩu bằng đường rừng và đưa tới trụ sở Công an phường Cát Bi (Hải Phòng).
Hồi mới trở về nhà, chị Ngọc nói tiếng lớ lớ nên gia đình không hiểu gì nhưng bây giờ chị đã nói tiếng Việt thành thạo. Ở bên bố mẹ và gia đình nhưng chị Ngọc thường bị kích động mạnh khi nhớ tới 2 con. Chị kể cho người thân rất ít thông tin về cuộc sống bên nhà chồng và thường cáu gắt khi có người hỏi han về chuyện này.
“Khi về tâm trí nó không ổn định, nói nhớ con, nó không còn phương hướng để làm ăn. Nó mong mỏi qua lại với con để đỡ nhớ. Gia đình giờ cũng rối lắm, nếu cho nó đi thì cũng sợ vì nó không biết địa chỉ nhà chồng. Sợ nhất là trên đường đi lại bị các đối tượng buôn bán người bắt đi”, bà Lộc thở dài.
“Giờ về nhà rồi, em chẳng dám ước mơ gì đâu, em chỉ muốn đưa 2 con về nhà thôi. Em cũng hy vọng Công an sẽ vào cuộc điều tra để bắt những người đã bán em đi”, chị Ngọc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.