Một phụ nữ Úc chiến đấu bệnh ung thư khát khao tìm cha mẹ ở Việt Nam

20/09/2016 15:00 GMT+7

Hãng tin ABC (của Úc) ngày 20.9 đăng tải câu chuyện của một phụ nữ người Úc gốc Việt đang bị bệnh ung thư, đã thất lạc cha mẹ từ năm 1975 ở Sài Gòn, đang mong mỏi từng ngày tìm được cha mẹ mình ở Việt Nam.

Chị Chantal Doecke là một trong số 3.000 đứa trẻ đã được mang lên chuyến bay sơ tán khỏi Sài Gòn trong Chiến dịch Operation Babylift vào tháng 4.1975.
Nhiều đứa trẻ được đặt trong hộp giấy trên chuyến bay Chiến dịch Operation Babylift để đưa sang các nước Mỹ, Canada và Pháp. Riêng chị Doecke đã được một gia đình ở Adelaide, Úc, nhận nuôi, và chị sống ở đó cho đến nay.
Chị Doecke, nay đã 41 tuổi và có 4 người con, đang cố gắng tìm kiếm gia đình ruột thịt, những người mà chị chưa bao giờ gặp và đang cố gắng liên hệ với Việt Nam, đất nước nơi chị chưa bao giờ lớn lên ở đó.
Trong nhiều năm qua, chị luôn cố gắng tìm kiếm cha mẹ ruột và họ hàng của mình.
Người phụ nữ Việt bị ung thư ở Úc khát khao tìm được người thân 1
Hình ảnh chị Chantal Doecke thời điểm năm 1975, khi được gia đình người Úc nhận nuôi Ảnh chụp màn hình Abc.net.au
Thế nhưng, hiện tại, chị đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư buồng trứng vừa được phát hiện vào đầu năm nay. Và cũng vì thế việc tìm kiếm người thân ruột thịt càng trở nên cấp bách và ý nghĩa hơn đối với chị. Mới tuần trước, chị Doecke đã được gặp mặt một người họ hàng ruột lần đầu tiên trong đời tại TP.HCM.
Thông qua việc xét nghiệm DNA, chị được gặp anh Thai Tho, một người anh em họ tại một khách sạn tại TP.HCM.
Chị kể rằng: “Thực sự khó để mô tả cảm giác của tôi lúc đó, khi cậu ấy đến. Nhưng cậu ấy có một nụ cười tuyệt vời nhất và chúng tôi đã ôm nhau. Cậu ấy ngồi kế bên tôi sau đó và tôi cố gắng nhìn vào khuôn mặt cậu ấy. Bạn biết không, chúng tôi thật sự có đôi mắt giống nhau”.
Anh Thai Tho cũng là một người Việt được nhận làm con nuôi và đang tìm kiếm cha mẹ ruột thông qua xét nghiệm DNA.
Người phụ nữ Việt bị ung thư ở Úc khát khao tìm được người thân 2
Chị Doecke gặp người anh em họ Thai Tho, cũng là một người được nhận làm con nuôi đang tìm cha mẹ ruột ở Việt Nam Ảnh chụp màn hình Abc.net.au
Chị Doecke cuối cùng đã phải nhờ đến việc xét nghiệm DNA để tìm người thân vào năm ngoái và nhận được 12 trường hợp tương đồng trong vòng 3 tháng. Và Thai Tho là trường hợp cho kết quả thân cận với chị nhất.

Khi tôi bay đến Sài Gòn, tôi đã khóc và tự nói với mình rằng: Về nhà rồi, tôi đã về nhà rồi. Mẹ của tôi ở nơi đây? Mẹ đâu đó ở đây thôi.

Chị Doecke

Chị nói rằng chị rất vui khi đã gặp anh Thai Tho và chị ước rằng: “Nếu tôi có nhiều thời gian hơn cùng với cậu ấy và hiện giờ tôi ước tôi có thể sống lâu hơn bên cậu ấy”.
Hiện nay chị đã nhờ đến dịch vụ điều tra để giúp chị tìm kiếm cha mẹ ruột.
Chị kể kể Hãng tin ABC rằng: “Khi tôi bay đến Sài Gòn, tôi đã khóc và tự nói với mình rằng: Về nhà rồi, tôi đã về nhà rồi”. Chị tự hỏi: “Mẹ của tôi ở nơi đây? Mẹ đâu đó ở đây thôi”.
Chị Doecke chia sẻ cảm giác khi tìm kiếm người thân tại TP.HCM rằng: “Đó là cảm giác lạ lùng khi đi bộ xung quanh nơi đất nước mình được sinh ra và nhìn vào khuôn mặt từng người lướt qua mình. Có thể nhiều người họ hàng đang ở đây hoặc người phụ nữ vừa bán chiếc khăn cho tôi có thể là dì của tôi. Hay thậm chí, bà ấy có thể là mẹ tôi”.
Chị Doecke nói rằng nếu chị có thể vượt qua được căn bệnh ung thư của mình, chị hy vọng một ngày nào đó được sống ở Việt Nam.
“Bạn biết đó, nếu tôi khỏe lại, tôi sẽ sống ở đó (Việt Nam) một ngày nào đó, đó là nơi tôi cần được ở đó”, chị ước ao.
Chiến dịch Operation Babylift là gì?
Theo trang adoptvietnam.org (Mỹ), chuyên đưa tin về việc nhận con nuôi ở Việt Nam, vào ngày 3.4.1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford thông báo chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu sơ tán trẻ mồ côi khỏi Sài Gòn bằng máy bay vận tải quân sự C-5A Galaxy.
Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên mang số hiệu 68-0218 đã bị nổ chỉ 12 phút sau khi cất cánh và đã rơi xuống một cánh đồng lúa gần sân bay Tân Sân Nhất, khiến 153 trên tổng số 328 người trên máy bay thiệt mạng.
Trang adoptvietnam.org cho biết để chở càng nhiều trẻ càng tốt, những đứa bé mới chập chững biết đi hoặc lớn hơn được cài dây an toàn vào hàng ghế nhôm đặt dọc thân máy bay. Còn những đứa nhỏ hơn được đặt trong các hộp vuông, mỗi hộp chứa từ 2 đến 3 bé. Có một sợi dây dài dằn lên dãy hộp này để cố định chúng.
Có nhiều số liệu thống kê khác nhau về số trẻ em bị đưa ra khỏi Việt Nam vào thời điểm đó, nhưng theo adoptvietnam, ít nhất 2.000 đứa bé đã được chở sang Mỹ và khoảng 1.300 đứa khác sang Canada, châu Âu và Úc.
Chiến dịch này gây tranh cãi vì không phải toàn bộ các đứa bé bị đưa ra khỏi Việt Nam là trẻ mồ côi.
H.Uy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.