“Kính chào bà tiến sĩ De Rossi”.
Tôi vừa bước ra thang máy thì một trong các cô thư ký đã mang đến tách cà phê đầu tiên trong ngày. Tôi nói đầu tiên vì sau đó hãy còn nhiều tách nữa, không biết là bao nhiêu.
|
Một cô thư ký khác vội chạy đến giúp tôi cởi chiếc áo choàng, còn tôi, bó mình trong chiếc tailleur cực kỳ sang trọng, đi vòng qua phía sau vị trí điều hành, đặt chiếc cặp da có đựng notebook lên bàn làm việc.
Biết bao kẻ muốn được mó tay vào chiếc máy tính cá nhân này! Chỉ cần nhấn vài nút bấm là tất cả những áp phe quan trọng của các công ty lớn, những chuyển dịch hàng triệu đô la trên sàn chứng khoán sẽ tuần tự hiện lên bằng các mã số, để đảm bảo an toàn.
Một cú nhấp chuột... thế là tất cả những kế hoạch chi tiết và toàn bộ hồ sơ tuyệt mật của Công ty Intracodex sẽ nằm gọn trong tay tôi. Định bật máy và liếc mắt vào công việc, nhưng mùi cà phê thơm phức đang kích động khứu giác làm tôi dừng lại.
Cầm tách cà phê nóng, tôi bước đến cạnh bức tường và nhìn xuống dòng đời từ tầng thứ 23! Ở trên đây không bao giờ nghe thấy tiếng ồn đô thị và dường như trong không gian luôn có một lớp sương mù nên quang cảnh trông có vẻ lãng đãng, giống như nhìn từ một giấc mơ.
Rồi trong lúc áp môi lên tách cà phê, tôi bất chợt nhìn thấy bóng mình phản chiếu lên tấm kính.
Tôi đang đứng đối diện với tòa nhà bằng kính. Mái tóc đen và dài, chiếc tailleur trang nhã bó sát người, như thể người thợ may khéo léo ướm xấp vải vào thân mình trước khi đo cắt. Đôi chân khỏe và dài, còn được kéo dài thêm với đôi giày son cao gót. Chuyên nghiệp, quyền hành và nữ tính. Tất cả những vũ khí tối cần cho thế giới này. Thế giới của tôi.
Nhưng nét xanh xao tái nhợt trên khuôn mặt dường như tương phản với đường viền bằng son đỏ trên môi. Hai bờ môi thẳng nếp, mỏng manh mà sắc bén như một lưỡi lam, lạnh lùng như cái nhìn khinh mạn khi tôi quắc mắt. Bỗng dưng tôi không thể nhấm tiếp mùi vị cà phê. Hình như lúc này nó có vị chát của a xít.
Phản chiếu trên tấm kính, tôi nhìn thấy sau lưng mình ba cô thư ký tay cầm xấp hồ sơ đang chờ tôi ký. Cả ba căng thẳng đi qua đi lại sau lưng tôi, hồi hộp chờ tôi quay mặt để trình bày công việc, báo cáo những cú điện thoại, nhắc nhở các cuộc hẹn và chờ tôi ra lệnh... nhưng tôi không thể tách đôi mắt đang nhìn bóng mình trên kính. Tôi không còn nhận ra mình nữa... sao mà tôi có thể biến thành một con người khô cứng và lạnh lùng đến thế?
Mười năm trôi qua như một ánh chớp... và bất thình lình tôi cảm thấy chúng đè nặng lên vai, một con mụ già cáu gắt. A! Đúng rồi, đây chính là cái tôi đang nhìn thấy trên kính, một mụ đàn bà khô khốc, khó tính và cáu kỉnh.
Tất cả bắt đầu như một phản ứng.
“Con sẽ không bao giờ giống mẹ!”, tôi nghe vọng lại tiếng mình hét vào mặt mẹ. Bà yếu đuối, vâng lời, cam chịu, thụ động và chấp nhận mọi thứ... không bao giờ dám phản ứng, ngay cả những lúc ba tôi đối xử với bà bằng bạo lực, trước khi ruồng bỏ. Thế mà bà vẫn nhẫn nhục và chịu đựng. Rồi, không thèm nói một lời, ông lặng lẽ bỏ đi, bỏ lại bà một thân một mình với nhiều món nợ, gồm cả giấy cầm cố căn nhà.
Và chỉ vài ngày sau đó, mẹ con tôi phải dọn đi.
Và thế là tôi không thể sống giống mẹ mình. Tôi không cần trái tim. Tôi không còn tình cảm. Chỉ lao đầu vào việc học, làm mọi thứ để tích lũy kinh nghiệm, giẫm đạp lên mọi thứ và mọi người. Tôi là mẫu người đàn bà của sự nghiệp, hay đúng hơn là một gã đàn ông trong thân xác một con đàn bà. Bởi vì tôi không còn giới tính, không có tình yêu; dĩ nhiên tôi vẫn có đàn ông, nhưng họ chỉ là những công cụ để tôi sử dụng rồi quên ngay, vì họ không cho tôi được gì mà tôi cũng chẳng để lại cho họ chút gì.
Cho đến lúc ấy tôi chưa bao giờ dừng lại để nhìn thấy mình đã trở thành người như thế nào. Chắc rồi... tôi đang đứng trên đỉnh cao của danh vọng, vị trí cao ngất mà mọi người thèm muốn nhưng đó thực ra là thứ danh vọng gì? Bao nhiêu người đang cho rằng tôi đang thành đạt.
Đúng rồi, mà “đạt” được gì? Đã bốn mươi tuổi mà tôi không có một mái gia đình, không có một đứa con, chẳng có một ai đó thỉnh thoảng hỏi tôi có khỏe không và quan tâm đến việc tôi có vui vì những công việc của mình không. Không ai cả. Gia đình, thậm chí một người bạn.
Chậm rãi, tôi xoay lưng lại, thật khó nhọc rời hình ảnh của mình trên kiếng. Bàn tay tôi run rẩy khi đặt tách cà phê lên bàn. Bỗng dưng tôi cảm thấy như có một cơn nôn mửa đang trồi lên từ phía dưới.
Tôi đã không muốn sống như mẹ mình, nhẫn nhục, cam chịu... nhưng vì thế mà tôi đã trở thành một bản sao của ba tôi. Tôi hận ông! Thế nhưng bây giờ tôi thấy mình giống ổng, tôi đã cư xử với mọi người giống ổng, có khi còn tệ hơn.
Đối với tôi không còn ai cả, không một người nào, chẳng chút tình cảm... và tiền bạc thực ra chỉ là một phương tiện để tiếp tục giẫm đạp lên người khác.
Lạnh lùng và minh mẫn, tôi mạnh mẽ bước đến chiếc ghế bành bọc da và chễm chệ thả người lên đó, trong lúc ba đôi mắt đang hồi hộp nhìn tôi từ phía bên kia bàn giấy.
“Mấy cô nhìn cái gì? Đặt mọi thứ lên bàn đi. Một lát nữa tôi sẽ gọi!”.
Tôi nói to, làm cả bọn giật mình.
Ngay lúc đó tôi cũng chẳng nhớ tên của bọn họ là gì. Tôi chỉ muốn ngồi lại, một mình. Tôi mệt mỏi lắm rồi! Trong lúc ấp đầu vào giữa hai tay, bàn tay áp chặt vào mắt để khỏi phải nhìn thấy sự thật đang phản chiếu từ khung kính. Hàng ngàn khuôn mặt, tất cả đều là những góc cạnh của chính mình. Tất cả để cuối cùng chỉ còn lại một mình. Cô độc. Cô độc trong công việc. Cô độc giữa đám đông. Hoàn toàn cô độc. Cố tình cô độc. Rồi, như bất thình lình, cơn nôn mửa vụt biến thành cơn giận dữ, và bằng tất cả sức mạnh, tôi cầm lấy chiếc tách cà phê, ném thẳng vào mặt kính.
Vô ích!
Mặt kính chỉ hơi rạn một chút chứ chẳng hề hấn gì. Đó chỉ là hành động vô ích nhằm giải thoát cơn giận. Thôi, đủ rồi! Tôi thấy mình ngạt thở. Tôi không thể nào tiếp tục ngồi đây.
Phủ vội chiếc áo khoác lên người, tôi cầm chiếc túi xách rồi chạy ào ra thang máy.
Bàn tay run rẩy, tôi nhấn nút đi xuống, im lặng chờ xuống mặt đất, luồn lách giữa dòng người vô danh mà chưa bao giờ tôi muốn thân quen. Ra ngoài thôi, hít chút không khí giữa đất trời mở rộng.
Ánh nắng ngoài đường làm tôi lóa mắt. Một tay che mắt, còn tay kia nắm chặt bâu áo khoác để che cơn gió lạnh vừa ập đến lúc bước ra khỏi cửa. Cho đến lúc đó, đối với tôi chưa bao giờ có nắng, có mưa, có ánh đỏ hoàng hôn hay tiếng cười, giọng khóc.
Máy bay, điện thoại di động, bàn giấy, máy tính... tất cả khô khan, vô cảm. Tôi luôn luôn chạy đua với thời gian mà chẳng biết mình đi đâu, ngược lại, hình như chỉ để rời xa thêm cái cuộc đời mà tôi muốn có mà chỉ lúc này tôi mới biết là mình đã đánh mất. Tôi đã sinh ra mà chưa từng sống và lúc này mới đau đớn nhận ra là cả cuộc đời mình trống rỗng, vô ích.
Thiếu chút nữa là tôi bị một chiếc xe hơi đụng phải. Tôi ngơ ngác không biết mình đang làm gì và cứ băng qua đường mà không nhận biết. Nhưng không phải phản xạ đã giúp tôi tránh được tai nạn... mà có một bàn tay vừa nắm cánh tay tôi, giật mạnh. Tôi xoay người theo bản năng để nhìn xem đó là ai.
Một đôi mắt màu hạt dẻ là cái đầu tiên mà tôi nhìn thấy. Nhưng nó không xa lạ với tôi. Đó là đôi mắt của một trong ba cô thư ký...
Sao lại có thể như vậy được?
“Tôi đây, Lidia đây mà, thưa bà tiến sĩ. Bà theo tôi... chúng ta đến chỗ kia ngồi một lát nhé!”.
Như đứa bé, tôi để cô gái kéo mình đến một chiếc băng dài, tâm trạng gần như vui thích vì có một ai đó để ý và quan tâm đến mình.
“Đây rồi, bà đã đỡ chưa? Có chút nắng nữa. Sau mấy ngày mưa mặt trời sẽ sưởi ấm chúng ta”. Có lẽ tôi chẳng nghe cô ấy nói gì, nhưng tôi bắt đầu thấy mình bình tĩnh lại, giọng nói của cô gái làm tôi an tâm.
Cô ta tiếp tục mà dường như tôi không hiểu hết những gì cô ta nói. Điều bất ngờ là những giọt nước mắt bỗng dưng lăn dài xuống má, chảy xuống cằm và tôi phải dùng bàn tay để lau. Lidia vội lấy khăn giấy và nhẹ nhàng chặm nước mắt cho tôi. “Bà cứ để tôi lau cho, còn mấy vết đen nằm dưới mắt nữa kìa!”. Lâu lắm rồi chẳng còn ai để ý và chăm sóc tôi. “Bây giờ đỡ rồi đấy. Đi! Chúng ta phải về lại văn phòng...”.
Tôi vùng vẫy, cố gỡ bàn tay của cô gái đang nắm chặt lấy cánh tay mình.
Cô ta giữ lại trong khi tôi cố vùng ra để trốn chạy, thật xa cái tòa tháp mạ vàng lâu nay cứ làm mình ngộp thở.
“Mình đi lên nhé... Còn bao nhiêu việc phải làm. Bao nhiêu hồ sơ đang chờ bà ký... Bà chưa thể bỏ đi được đâu...”.
Bàn tay thép của cô gái như đang siết chặt hơn. Lidia kéo tôi, và từng bước chúng tôi bước vào cửa tháp, bên trong những bức tường bằng kính và tôi như không còn sinh lực, cứ để mặc cho cô ta kéo mình vào bên trong nhà ngục.
Saigon, 10.2013
Truyện ngắn của Elena Pucillo Truong
(Nguyên tác: Un istante di liberta’)
Bản dịch của Trương Văn Dân
Bình luận (0)