Khen thưởng là biện pháp thiết thực khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Sáng 28.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến thảo luận dự án luật Thi đua khen thưởng sửa đổi.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, góp ý, các tiêu chuẩn đối với huân chương Lao động các hạng đã bao quát được cơ bản các trường hợp như lập thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, có phát minh, sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội…
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa |
gia hân |
“Đó là những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm hay, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”, bà Hoa phân tích.Tuy nhiên, theo đại biểu Hoa, dự thảo luật chưa có quy định nào đề cập đến những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Dẫn chứng nhiều tấm gương đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với quyết sách “khoán hộ” năm 1966, nữ Anh hùng Lao động Ba Thi với kỳ tích “cởi trói” cho hạt gạo hay cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đường dây 500 KV, bà Hoa cho rằng, đó là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.
Theo bà Hoa, Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã yêu cầu biểu dương, khen thưởng xứng đáng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao, vì lợi ích chung. Do đó, chủ trương này cần phải được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật.
“Nhất là trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu “chùng xuống”, không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm”, bà Hoa nói và phân tích, có nhiều biện pháp để “khuyến khích” cán bộ dám nghĩ, dám làm, song khen thưởng là biện pháp thiết thực và tích cực.
Từ đó, bà Hoa đề nghị Quốc hội bổ sung nội dung này vào luật.
Không quá "cứng" với huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang
Trong khi đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, đồng tình với việc bổ sung đối tượng khen thưởng huân chương Lao động các hạng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bộ, ban, ngành, tỉnh cho đối tượng là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, cho cá, nhân tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, công tác xã hội và từ thiện nhân đạo.
Ông Sơn đánh giá việc quan tâm nhiều hơn đến khen thưởng cho đối tượng lao động trực tiếp sẽ góp phần động viên, khích lệ kịp thời về cả tinh thần và vật chất đối với những cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực để cá nhân cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, thì đề nghị không quy định tiêu chuẩn quá cứng với danh hiệu “huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” mới được bổ sung vào dự thảo luật.
Bà Lan dẫn chứng, nhiều trường hợp tham gia thanh niên xung phong chưa đủ thời gian quy định như dự thảo luật (1 năm đối với liệt sĩ, 2 năm với trường hợp khác - phóng viên) như chị Trần Thị Rạm, một trong 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, sẽ không được truy tặng danh hiệu Thanh niên xung phong vẻ vang.
“Nhiều trường hợp khác cũng tương tự. Theo tôi, không nên quy định quá cứng mà nên linh hoạt về thời gian tham gia thanh niên xung phong, về các điều kiện công nhận, tặng, truy tặng huy hiệu, huy chương Thanh niên xung phong. Có thể có quy định riêng cho những trường hợp đặc biệt, có sự đóng góp, cống hiến, thành tích lớn”, đại biểu Lan đề xuất.
Bình luận (0)