Một số đồng tiền ở Đông Nam Á ngày càng mất giá so với USD

Một số đồng tiền ở Đông Nam Á ngày càng mất giá so với USD

17/10/2023 08:59 GMT+7

Một số đồng tiền ở Đông Nam Á đang giao dịch ở mức thấp nhất trong năm so với đồng USD. Diễn biến này khiến các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực đang lo lắng về tác động kinh tế của việc tiền mất giá.

Một số đồng tiền ở Đông Nam Á đang giao dịch ở mức thấp nhất trong năm so với USD đang tăng giá. Trong đó, đồng ringgit của Malaysia và đồng baht của Thái Lan giảm mạnh nhất. Diễn biến này khiến các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực đang lo lắng về tác động kinh tế của việc tiền mất giá.

Theo báo Nikkei, tiền rẻ hơn khiến chi phí nhập khẩu cao hơn, các nhà xuất khẩu thì hưởng lợi. Nhưng tiền rẻ trong thời gian dài có nguy cơ khiến dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế.

Chuyên gia tại công ty đầu tư Saxo Markets thuộc ngân hàng Saxo của Đan Mạch cho biết sự kết hợp của đồng USD tăng giá, nền kinh tế Trung Quốc yếu đi và giá dầu tăng cao đang rất nguy hiểm đối với hầu hết các nền kinh tế ở Đông Nam Á.

Đồng ringgit và đồng baht là hai đồng giảm mạnh nhất so với đồng USD trong năm nay ở Đông Nam Á, lần lượt giảm 6,9% và 4,4% tính đến ngày 13.10. Tiền Đồng của Việt Nam giảm 3,4%, trong khi đồng rupiah của Indonesia và đồng đô la Singapore giảm nhẹ lần lượt 2,1% và 0,7% so với đồng bạc xanh.

Việc các đồng tiền mất giá trên diện rộng xuất phát từ tăng trưởng kinh tế của Mỹ, làm tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD tăng giá. Các diễn biến ở Mỹ khiến một số nhà đầu tư kết luận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài để chống lạm phát.

Lãi suất cao hơn ở Mỹ sẽ hút tiền về nước này, do các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Do đó, dòng vốn sẽ chảy ra khỏi Đông Nam Á và làm suy yếu các đồng tiền trong khu vực.

Ở Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài bán ra đồng baht do thiếu niềm tin vào nền kinh tế và lo ngại về vấn đề tài chính, nhất là về kế hoạch phát tiền kỹ thuật số gây tranh cãi của chính phủ. Kế hoạch này ước tính tạo ra 15 tỉ USD nợ công mới.

Đồng baht của Thái Lan do đó không chỉ yếu đi mà còn biến động mạnh, khiến các nhà xuất khẩu cũng khó tận dụng được việc mất giá. Ủy ban Thường vụ hỗn hợp Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan đã kêu gọi chính phủ nước này cố gắng ổn định đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Với Việt Nam, chúng ta có tỉ lệ xuất nhập khẩu trong GDP cao chỉ sau Singapore trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng tiền rẻ khiến chi phí của nhà nhập khẩu cao hơn, do đó gây tổn hại đến nước có cơ cấu xuất nhập khẩu như Việt Nam. Lý do vì giai đoạn cuối năm sắp tới là thời điểm tăng cường hàng nhập khẩu.

Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên ở châu Á cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 3 với hy vọng “gỡ bỏ khó khăn cho nền kinh tế”. Theo Nikkei, Việt Nam muốn khuyến khích hoạt động cho vay kinh doanh, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu suy giảm.

Tuy nhiên, ngành năng lượng của Việt Nam đang gặp khó khăn do tỉ giá đối hoái cao và có khả năng người tiêu dùng sẽ gánh những chi phí này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.