Một thời để nhớ

03/12/2019 08:00 GMT+7

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi theo gia đình đến lập nghiệp tại vùng kinh tế mới Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Rời xa ánh đèn thành phố và đặt chân lên vùng đất mới, tôi thật bỡ ngỡ với quang cảnh nơi đây: một vùng đất hoang sơ lỗ chỗ những hố bom. Khi hoàng hôn buông xuống, cảnh vật càng đìu hiu.
Xóm tôi ở nhà cửa còn rất thưa thớt, con đường trước nhà chỉ là đường đất do mọi người đi lại lâu dần thành lối mòn. Nhưng điều đáng quý ở đây là người dân rất đoàn kết, hòa đồng và tương trợ, giúp đỡ nhau, người lên ở trước thì cùng góp sức làm nhà cho người đến sau ở. Những ngôi nhà tranh tre, vách đất được mọc dần lên làm cho xóm nhỏ đỡ hiu quạnh và ấm áp tình người. Lúc đầu, mọi người phải đi xa cả cây số để lấy nước từ sông về dùng, về sau thì bốn nhà góp công lại đào một cái giếng để dùng chung.
Hồi đó, vùng này chưa có điện nên buổi chiều gia đình tôi phải ăn cơm sớm, rồi tối đến thì co chân lên chiếc giường tre, mắc mùng và đi ngủ sớm. Nhưng giấc ngủ đến khá nhanh sau một ngày học tập và lao động vất vả.
Tôi yêu lắm cảnh bình minh nơi thôn dã. Mỗi sáng, khi mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên qua cửa sổ, tôi liền thức dậy. Bữa sáng của chúng tôi chỉ là vài củ khoai luộc hoặc chén cơm nguội cũng đủ lót dạ để tôi đến trường.Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm với một buổi đi học còn một buổi về nhà phụ giúp bố mẹ từ công việc đồng áng đến việc nhà.
Kỷ niệm thời thơ ấu của tôi là những buổi trưa hè, chúng tôi ầm vang cả xóm với những trò chơi của bọn trẻ con thời ấy: năm mười, nhảy lò cò, nhảy dây, tạt lon...Hay những buổi trưa vắt vẻo trên cánh võng, hưởng luồng gió mát từ thiên nhiên, tôi miên man với những ước mơ, dự định về tương lai, cảm nhận hạnh phúc được sống trong một vùng quê yên ả, thanh bình. Rồi có những buổi chiều, anh em tôi hì hụi cắt những cuốn vở cũ thi nhau làm diều và đợi có gió lên thì rủ nhau ra đồng cùng thả. Những đêm Trung thu, bọn trẻ cả xóm rủ nhau rước đèn bằng chính những chiếc đèn tự tạo như: đèn ngôi sao, đèn xe đẩy (được làm từ hai lon sữa bò)... Tiếng gà gáy trưa, tiếng máy cày vỡ đất khi vào vụ… cũng trở thành ký ức khó quên trong tôi khi nhớ về những mùa hè thuở ấy.

Du khách tham quan Địa Đạo Củ Chi

Ảnh: Gia Khiêm

Thời niên thiếu của tôi đã trải qua giai đoạn khó khăn của đất nước, gạo không đủ để ăn, cả nhà ăn độn khoai, củ thay cơm. Tuy cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng bố mẹ vẫn cố gắng để chúng tôi không bỏ học. Anh em chúng tôi một buổi đến trường, còn một buổi phụ giúp công việc nhà từ đi chăn bò, cắt cỏ đến trồng khoai, đậu, mè... Nhờ biết tiết kiệm và chăm chỉ làm lụng nên gia đình tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Tôi nhớ nhất là những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt mà cả gia đình tôi đã thấm trên đồng trong những mùa hè đã góp phần cho mảnh đất thêm xanh; giúp chúng tôi hiểu được giá trị của lao động, cố gắng học hành để có được tương lai tốt đẹp. Anh em tôi biết ơn bố mẹ vì đã giáo dục qua lao động giúp chúng tôi trưởng thành. Bố mẹ tôi tuy ít học nhưng luôn dạy chúng tôi phải sống trung thực, biết lễ nghĩa, biết phải trái, “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Những tháng ngày cùng dãi nắng dầm mưa trên đồng đã giúp anh em tôi thương yêu, gắn bó và chia sẻ ngọt bùi với nhau để vượt qua những gian khổ ngày ấy.

Trồng dưa lưới ở Củ Chi

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thời gian thấm thoát trôi qua, chúng tôi giờ đã nên người. Quê tôi cũng đã có nhiều đổi thay. Những mái tranh xưa chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những ngôi nhà tôn hoặc ngói đỏ mọc lên. Đường sá được mở rộng và trải nhựa thẳng tắp thay cho những con đường đất lầy lội xưa kia. Trường học được xây dựng kiên cố, khang trang, đầy đủ tiện nghi hơn trước, mạng lưới điện được phủ khắp các thôn xóm… Kinh tế của người dân trong xã đã có những phát triển: công nhân cạo mủ cao su, công ty giống cây trồng, xí nghiệp chăn nuôi…
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhiều loại cây trồng được phát triển có quy mô trên địa bàn xã như: cây ăn trái, hoa lan, cây kiểng, nấm, rau an toàn…
Mỗi dịp đến hè, con tôi lại háo hức khi được mẹ đưa đi thăm những di tích, cảnh đẹp của quê hương. Tôi thường tự hào khi kể cho con nghe về một thời gian khổ nhưng hào hùng mà anh em tôi từng trải qua trên miền đất đã gắn bó với chúng tôi từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.