Toàn tập có 54 bài thơ được thể hiện qua ngôn ngữ hết sức dung dị như chính bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Là người con của quê hương Cái Nước (Cà Mau), ông đã đi qua hầu hết các chiến trường ác liệt của miền Tây Nam bộ. Sau ngày thống nhất đất nước trở lại thăm vùng căn cứ cũ ông không khỏi bồi hồi: Về thăm căn cứ Long Bình/ Rưng rưng lòng đất thắm tình nước non (Tìm lại dấu chân xưa); hay Chiến trường xưa gởi lại phần xương thịt/ Vun bón vườn xuân thắm sắc màu (Nhớ mãi ơn Người).
Thỉnh thoảng trong tập thơ người đọc bắt gặp những ghi chú: “Chia buồn với người bạn gái khi nghe tin mẹ và anh cùng hy sinh trong một trận càn của địch”, “Kỷ niệm lần bị giặc biệt kích bao vây ở Cái Nước Biển” và “Kỷ niệm trận chiến đấu bị thương gãy tay trái ở Lộ Vòng Cung tháng 8 năm 1968”... nó không hời hợt như đánh dấu một ngày một tháng nào đó, mà ẩn sau những con chữ là sự khắc nghiệt của chiến tranh, sự ác liệt của bom đạn cùng biết bao sự hy sinh mất mát của đồng đội cũng như chính bản thân người làm thơ.
Đa phần thơ ông viết về chiến tranh, trong đó bài Mộ em thơm ngát hương tràm có những câu thật xúc động: “Nhổ cỏ U Minh” giặc cướp mất em rồi/ Chỉ còn lại dấu chân trên nẻo đường lá đỏ/ Chỉ còn lại môi em nụ cười rạng rỡ/ In vào lòng người chiến sĩ giải phóng quân.
Sự lãng mạn của một người lính cận kề với sự sống chết xem ra cũng nồng nàn, cũng da diết: Anh muốn thu gom hết nắng vàng/ Gởi em bên ấy ấm tình thương/ Ươm hoa hồng thắm niềm nhung nhớ/ Cho bản tình ca đậm sắc hương (Nắng ấm cho em).
Một mảng đề tài khác trong thơ ông là tình yêu quê hương đất nước cũng tìm được sự đồng cảm. Bởi ai mà không thương nhớ bến nước con đò, không khắc khoải tiếng ầu ơ của mẹ, tiếng gió đồng lay động ngày thơ, tiếng chao chác của con chim khách ngoài hè… Đọc thơ ông làm người ta nhớ lại: Từng ngọn rau, tấc đất của quê hương/ Cũng in đậm nghĩa tình nuôi tôi lớn (Ký ức tuổi thơ).
Xen kẽ trong những vần thơ hồi ức chiến tranh hào hùng, tình yêu nam nữ nồng nàn hay nỗi nhớ quê hương man mác. Người lính già làm thơ Nguyễn Minh Trung còn cho ta thấy sự lạc quan, tin tưởng vào vận hội mới của dân tộc, hòa mình vào niềm vui chung trong sự đi lên của đất nước.
Không lên gân câu chữ hay triết lý sâu xa, thơ ông cứ chầm chậm dâng lên chạm vào tâm hồn người đọc.
Nguyễn Trung Nguyên
Bình luận (0)