Trong khi đó, ở các nước châu Á dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là Hàn Quốc đang đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) về số ca nhiễm. Chính vì vậy, vấn đề phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam luôn đặt trong tình thế cấp bách.
Thế nhưng có một thứ đáng sợ hơn, đó là “dịch bệnh trục lợi” trên chính vùng dịch mà hàng chục triệu đồng bào và quốc gia đang đối phó. Bối cảnh khẩu trang y tế quá khan hiếm, nhiều tổ chức, cá nhân chung sức phân phát khẩu trang miễn phí để bảo vệ cộng đồng thì lại có những cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất khẩu trang cao cấp “dỏm” để lừa bán cho người tiêu dùng.
Một số công ty sản xuất khẩu trang ở TP.HCM, Bình Dương quảng cáo khẩu trang được sản xuất thành phần 100% nguyên liệu sạch, vải lọc kháng khuẩn chất lượng cao. Tuy nhiên lại bán ra thị trường hàng chục ngàn khẩu trang “dỏm” không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn sản xuất; nguyên liệu sản xuất để may khẩu trang không có nguồn gốc, xuất xứ.
Nhiều kẻ lợi dụng mùa dịch bệnh còn lừa bán thẻ đeo diệt virus - dù những thẻ này được nhập lậu và tác dụng được quảng cáo là ngăn được SARS-CoV-2 vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng. Sự lừa đảo này như một nạn “dịch” lan truyền rất nhanh ở nhiều tỉnh thành.
Nhiều nhà thuốc tự ý nâng giá khẩu trang đã bị rút giấy phép kinh doanh… Do vậy, các cơ sở sản xuất, những cá nhân lừa bán khẩu trang, thiết bị với những nguyên liệu kém chất lượng, gây nguy hại sức khỏe cho người tiêu dùng, cần thiết phải bị chế tài nặng, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành. Lợi dụng sự khan hiếm, tình cảnh khó khăn của người dân trong việc phòng chống dịch Covid-19 để trục lợi là hành vi bất nhân, cần nghiêm trị. Đó là kiểu kinh doanh vô đạo đức!
Bình luận (0)