Một tỉnh ở miền Đông tiên phong đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch

08/01/2024 15:24 GMT+7

Sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác gần 2 tuần trước, ngày 8.1.2024, Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã chính thức khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên.

Một tỉnh ở miền Đông tiên phong đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch- Ảnh 1.

Các lãnh đạo tham dự lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hợp tác giữa hai đơn vị trong lĩnh vực giáo dục và công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn. Trong đó, Sun Edu là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo quốc tế trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn, với định hướng xây dựng mô hình đào tạo tiên tiến, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, ứng dụng công nghệ hiện đại với đội ngũ chuyên gia hàng đầu có nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn sâu.

Chương trình được tổ chức tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu CNC TP.HCM cùng lãnh đạo các sở, ngành, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Khóa đào tạo này kéo dài 2 tháng, dành cho các giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một, do các chuyên gia của Sun Edu và các tập đoàn công nghệ vi mạch trực tiếp giảng dạy. Trong quá trình học, các giảng viên sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và các giảng viên tham gia được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của các tập đoàn lớn như Synopsys, Cadence, từ đó có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này.

Điểm nổi bật của chương trình này là việc giảng viên được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch và nội dung giảng dạy tập trung vào những kiến thức thực tiễn thực sự hữu ích cho việc đào tạo lại cho các học viên, sinh viên, đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học và vượt qua kỳ kiểm tra chất lượng một cách kỹ lưỡng, các học viên có thể bắt tay vào làm ngay tại các công ty thiết kế vi mạch và đây cũng là điều các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới mong muốn khi tuyển dụng. Ngoài ra giúp cho các học viên là giảng viên, nhà quản trị nắm bắt được những kiến thức cơ bản quản trị và điều hành tại đơn vị của mình.

TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết trong thời gian ngắn sắp tới, trường sẽ phối hợp cùng Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu, các trường đại học, các sở ngành liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin - Truyền thông… và các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh để khai giảng thêm các lớp đào tạo thiết kế vi mạch. Việc này nhằm xây dựng nguồn lực cần thiết cho việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế của tỉnh và tiến tới hình thành Trung tâm đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn của khu vực miền Đông Nam bộ.

Một tỉnh ở miền Đông tiên phong đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch- Ảnh 2.

Nghi thức khai giảng khóa đào tạo

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Bình Dương đã và đang tích cực chuẩn bị, tập trung phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao trong ngành là rất quan trọng, cần được thực hiện nhanh và toàn diện từ nghiên cứu cơ bản, đến đội ngũ quản lý, giảng dạy và đào tạo và thực hành, liên kết sâu rộng với nguồn lực hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế.

Công nghệ vi mạch bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, ngành kinh tế có quy mô hàng tỉ đô này hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, trong khi nhu cầu nguồn nhân lực tăng vọt trong thời gian gần đây. Do đó, để hiện thực hóa thành công chiến lược bán dẫn thì yếu tố quyết định chính là nguồn nhân lực. Vì thế, đòi hỏi vai trò của các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Thủ Dầu Một - đơn vị đang tiên phong triển khai đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn của tỉnh - phải bắt đầu bằng việc tổ chức, xây dựng và đào tạo lại đội ngũ giảng dạy, bảo đảm cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu, sát với thực tiễn doanh nghiệp và thị trường, đồng thời phải có nền tảng và linh hoạt điều chỉnh để sẵn sàng thích ứng với sự biến đổi ngành nghề một cách nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.