'Một trăm lẻ một' lý do ngại sinh con

29/10/2021 06:04 GMT+7

Một số chuyên gia đã lý giải về mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế tại 2 vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết địa phương này là 1 trong 21 tỉnh thành có tỷ lệ phụ nữ sinh con thấp. Đặc biệt phụ nữ ở các đô thị, nơi có khu công nghiệp, có tỷ lệ sinh con thấp. “Phụ nữ ở những nơi này thường ngại sinh con. Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”, bác sĩ Khoa nói.

Đề xuất thưởng tiền khi sinh con thứ hai tại vùng có mức sinh thấp

Tây Ninh cũng là một trong những địa phương nằm trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp. Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tỷ suất sinh bình quân trong 5 năm (2015 - 2019) là 1,66 con/phụ nữ. Đặc biệt, trong những năm gần đây ở mức rất thấp như năm 2018 còn 1,46 con/phụ nữ, năm 2019 còn 1,53 con/phụ nữ. Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, một trong những nguyên nhân là do công tác truyền thông dân số chưa phù hợp, chưa nắm bắt kịp tình hình thực tế của tỉnh mà chỉ tập trung vào vận động giảm sinh, chưa chú trọng vào vận động sinh đủ 2 con. Ngoài ra, xã hội phát triển, đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực cuộc sống và công việc đã làm tình trạng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con, không muốn sinh con, hiếm muộn, độc thân… có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí; hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, thiếu chính sách đủ mạnh để người dân sinh đủ 2 con.

Ngày 28.10, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Dương Thị Ngọc Hằng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh này cũng là một trong những tỉnh thành trong cả nước có tỷ lệ sinh thấp, bình quân 1,77 con/bà mẹ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp như: áp lực cuộc sống gia đình; phụ nữ ngày nay đi làm việc nhiều hơn, khi sinh được 1 con thì không muốn sinh thêm; tâm lý sinh thêm con sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp… Hiện Bạc Liêu đang xây dựng kế hoạch, chính sách khuyến sinh để nâng tỷ lệ sinh con từ 1,77 lên 2,1 con/bà mẹ.

Cùng ngày, ông Văn Kim An, Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh An Giang, thông tin: “Thống kê tỷ suất sinh tỉnh An Giang năm 2019 của tỉnh là 1,85 con và trung bình mỗi phụ nữ sinh chưa tới 2 con… Chi cục đã có văn bản gửi lãnh đạo Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh mức sinh ở từng khu vực cụ thể chứ không áp dụng đại trà theo hướng khuyến khích người dân khu vực thành thị có mức sinh thấp nhưng gia đình có điều kiện thì sinh thêm con, vùng nông thôn kinh tế khó khăn dân đã sinh đủ con thì không khuyến khích”. Theo ông An, đối với mức hỗ trợ chỉ khoảng 2 tháng lương, tương ứng mức 6 - 8 triệu đồng/người, chưa thể khuyến khích người dân sinh con, bởi với số tiền này chỉ đủ cho người sinh thêm con nuôi con 1 - 2 tháng là hết.

Tương tự, ngày 28.10, Chi cục DS-KHHGĐ Đà Nẵng cho biết, địa phương đang điều chỉnh lộ trình nâng tỷ suất sinh con thứ 2 ở các cặp vợ chồng. Hiện Đà Nẵng ghi nhận những vùng có tổng tỷ suất sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), vùng có mức sinh thay thế (2 - 2,1 con) và vùng có tỷ suất sinh cao (2,2 con). Đà Nẵng dựa trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh từng vùng để xây dựng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng đến mục tiêu đạt mức sinh thay thế mỗi gia đình mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Bên cạnh tuyên truyền khuyến khích sinh con thứ 2 ở vùng có mức sinh thấp, địa phương cũng xây dựng, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp để có thể gia tăng tỷ suất sinh con thứ 2 ở phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.