Một trang đời - Truyện ngắn của Ái Duy

17/11/2024 09:00 GMT+7

Ông 64 tuổi, còn nhật ký hành quân là của chàng trai tuổi mười tám đôi mươi, khoảng cách gần nửa thế kỷ biết nói thêm gì nữa đây....

Một trang đời - Truyện ngắn của Ái Duy- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Trong buổi cà phê sách với những câu hỏi kiểu, vì sao đến giờ này sau gần nửa thế kỷ ông mới chịu cho in cuốn hồi ký về những gì trải qua xuyên suốt sự kiện lịch sử quan trọng, ông nghĩ sao khi đột nhiên mình từ một cựu chiến binh lại trở thành một nhà văn nổi tiếng hay có ai là người chấp bút giấu mặt, gia đình và đồng đội có hỗ trợ tài chính in ấn không… ông đều cười trừ hoặc ậm ừ cho qua. Ông không còn ở cái tuổi phải lý giải cặn kẽ cho từng hành vi ý thích của mình, không phải băn khoăn e ngại dư luận, không cần vay mượn cảm xúc. 18 tuổi vừa tốt nghiệp cấp ba, giấy báo đậu đại học chưa về là đi nghĩa vụ quân sự, nửa năm sau thành quân tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế, nằm gai nếm mật suốt bốn năm liền trên đất bạn cho đến khi ra quân mới về nước. Có ranh giới tử sinh nào xa lạ nữa đâu. Cuốn sách mới xuất bản là tập hợp những trang ghi chép hằng ngày của ông từ khi là một tân binh, nói cách khác, nó là nhật ký hành quân ở chiến trường K. Trên tấm băng rôn duy nhất của buổi cà phê sách hôm nay cũng chỉ chạy hàng chữ Người lính viết về người lính, Nhật ký hành quân, tác giả Thân Tâm Thái.

Ông 64 tuổi, còn nhật ký hành quân là của chàng trai tuổi mười tám đôi mươi, khoảng cách gần nửa thế kỷ biết nói thêm gì nữa đây.

- Đây là tác phẩm đấu tiên của ông sao, nếu thành công ông có dự định viết thêm không?

- Tôi không phải là nhà văn, những gì muốn nói, cần nói, có lẽ tôi đã diễn đạt hết trong cuốn sách này rồi.

- Dạ cho hỏi, tất cả những sự kiện diễn ra trong tác phẩm này đều là sự thật cả sao?

- Chính xác là như vậy.

- Kể cả thời gian, địa điểm, tên nhân vật…? Những chuyện này xảy ra hơn 40 năm rồi mà ông vẫn tin vào trí nhớ của mình?

- Tôi có thói quen ghi chép hằng ngày từ khi vào lính, đi tới đâu là ghi lại địa điểm, ngày tháng, chuyện gặp trên đường… Soi đèn viết mỗi đêm, khi dừng quân, khi thoát chết sau trận đánh, khi đói lả… cứ vậy mà ghi lại.

- Nghĩa là ông vẫn giữ những cuốn sổ tay ghi chép ngày xưa ấy?

- Phải.

Ông gật đầu và hướng mắt về người phụ trách tổ chức buổi ra mắt sách cũng là đồng đội vào sinh ra tử ngày xưa. Người này loay hoay mở máy chuyển hình ảnh vào màn hình lớn. Nhiều tiếng ồ thán phục và xúc động nổi lên. Đó là bản chụp của các trang nhật ký được viết tay bằng bút bi trên giấy vở học trò nhàu nhò, nhem nhuốc và cũ mốc. Dễ dàng nhận ra thủ bút và văn phong của chính tác giả, dưới những đoản văn ấy đều ghi rõ ngày giờ và địa điểm, đồn trại, đất đai, bản làng, sông hồ… Xen kẽ là các bức hình ký họa cũng bằng bút bi vô cùng sống động miêu tả đời lính trên đất khách, phong cảnh trên đường hành quân, bàng bạc tình yêu và nỗi nhớ quê mẹ.

Có thể nói buổi ra mắt sách từ giây phút này đã thổi bùng cảm xúc của người tham dự. Cuốn sách vốn được bạn bè xúi in, chỉ vẽ cho từng khâu từng công đoạn, để có 500 cuốn tự phát hành luôn phí tổn không hề nhỏ. Cà phê sách cũng do bạn bè đứng ra lo liệu giùm được một phòng nho nhỏ ấm áp. Có giá bìa nhưng giờ phút thăng hoa này khó nói chuyện, tác giả cắm cúi ký tặng, người đứng chờ vòng trong vòng ngoài. Đa phần là người quen nhưng cũng có người hoàn toàn chưa gặp mặt. Vài kẻ ngại ngần.

Trong số ít ngại ngần ấy có cô gái trẻ, có lẽ cũng chỉ chừng mười tám đôi mươi. Cô bé có dáng người đậm và chắc, đôi mắt to đen với đôi chân mày rậm, ba lô còn đeo trên lưng. Khi đã vãn hết người vây quanh tác giả rồi cô bé mới chầm chậm tiến lại gần, mắt không rời.

***

Lần đầu tiên Chanthavy có ý thức về cội nguồn của mình là vào một đêm trăng muộn cùng trải chiếu nằm ngoài sân với bà nội, khi mới lên mười. "Con giống ông nội lắm đó biết không, sống mũi này, vầng trán này…". "Ông nội con là ai?". "Ông ở xa lắm, không biết có nhớ đường tìm về không nữa". "Sao ông không nhớ, ông lớn rồi mà?". "Ờ ha, lớn rồi, xa mấy cũng phải biết đường về chớ, đường trong miệng chớ đâu, hứa rồi mà… chẳng lẽ…". "A vậy tối nào bà nội cũng treo đèn ngoài sân để ông thấy đường về phải không?". "Ờ tối trời quá mà"…

Cha cô không hề nói gì về điều này, và cũng chẳng có vẻ gì là hào hứng thậm chí còn làm mặt giận khi nghe con gái kể lại, "Nó còn nhỏ, biết gì đâu mà mẹ nói mấy chuyện đó làm gì. Quên đi". Thường thì bà nội sẽ giả lơ, hoặc vờ nhắm mắt ngủ quên và đôi bàn tay nhăn nheo siết nhẹ tay cháu gái. Có lẽ cha nghe hoài phát chán hoặc có lý do gì khác sâu xa hơn chăng. Nhiều năm sau đó, khi bà nội dần chìm trong ký ức nhiều hơn hiện tại và bắt đầu nhầm lẫn cả thế giới, còn Chanthavy cũng đã đủ lớn đủ hiểu biết để kết nối câu chuyện của ngày xưa tới nay thì cô mới nung nấu một ý định.

Cô gái bước vào tuổi 18 bằng một học bổng du học tới quốc gia mà cô nghĩ là sẽ tìm được ông nội, cha của cha mình. Cha cô vẻ không cần không quan tâm như bao lâu nay vẫn tỏ ra, nhưng cuối cùng cũng phải nhân nhượng. "Hồi còn nhỏ, mỗi lần bị trẻ con trong làng chọc ghẹo đuổi đánh vì có màu da và nét mặt không giống bọn chúng là cha lại chạy về hờn trách bà nội của con. Cha không chấp nhận được chuyện mình là đứa trẻ mang hai dòng máu. Cả làng cũng không ai trọng một phụ nữ không chồng lại có đứa con mang giống loài xa lạ". "Bà nội kể con nghe rồi, kể đi kể lại". "Cha cũng không bao giờ quên, nhưng…".

Bà mẹ trẻ thẫn thờ ôm đứa con vào lòng trong căn nhà sàn trống lổng, xoa dịu nó bằng câu chuyện cổ tích. "Con không phải là con hoang, con có cha, cha con là một người lính. Cha mẹ gặp nhau là định mệnh, nếu thời khắc đó không có cha xuất hiện kịp thời lao vào dòng nước lũ giữa rừng sâu cứu mẹ thì giờ đây cũng không có con trên đời. Lúc đó cha có vết thương trận còn chưa lành nên mẹ có cơ hội lưu ân nhân ở lại chăm sóc. Làng mình khi đó tan hoang, dân bỏ đi hết chỉ còn lại vài cái nhà sàn thưa thớt, ráng bới rau củ mà cầm cự. Rồi ít lâu sau cha vì nhiệm vụ phải đi tiếp về đơn vị mà không biết mẹ đã hoài thai con". "Mẹ nói dối, con không tin. Lúc thì kêu cò tha tới cho, lúc thì nói lượm trước chùa…". "Mẹ không dối con nữa đâu, sau này lớn lên con sẽ hiểu chuyện". "Vậy cha tên gì, ở đâu, mặt mũi sao mẹ nói đi, mẹ còn không biết tiếng của người ta mà". "Cha đây, cha ở cả trong này, con học cho giỏi đi rồi đọc tất cả cho mẹ nghe với. Mẹ không thể nhờ ai khác đọc giùm, may lỡ…".

Bà mẹ run rẩy lần tìm trong đáy rương ra một cuốn vở cũ bọc trong hàng lớp khăn áo và giở ra đầy kính cẩn, "cha con đây". Từng trang từng trang chi chít chữ viết bút bi bằng thứ tiếng xa lạ, ngoài những cái hình vẽ nguệch ngoạc những người đang ôm súng lao về phía trước xa xa là công sự và hàng thốt nốt thì chẳng tìm ra cái chân dung nào. Trang đầu ghi Rovieng - Preah Vihear 7.1980, trang viết dở dang ghi Sambour 10.1980, họ chia tay từ đây và đứa con trai ra đời tháng 7.1981. Người cha bí mật ấy nằm trong cuốn vở viết tay này, chắc chắn có cha trong đó, con hãy tìm cha đi, mẹ muốn gặp cha, bà mẹ đặt hy vọng cuộc đời mình vào tay con trai.

Chanthavy nói, "Con biết cha thất vọng lắm sau khi đọc được hết nội dung ghi chép này vì nó không như kỳ vọng, nhưng con thì không. Cha ơi đó là nhật ký lúc trước khi ông gặp bà, dù chỉ là những ghi chép nhỏ trên đường đi, trong sinh hoạt, khi ra trận… nhưng cũng đủ để con ngưỡng vọng rồi. Người như vậy không phải là người bất trung bất nghĩa đâu cha".

"Cũng có thể ông ấy đã chết, vùi thân xác ở đâu đó. Chiến tranh mà, đâu phải ai đi cũng quay về được".

"Cho dù ông đã hy sinh thì con cũng phải tìm được ai đó xác nhận, mình còn cái tên của ông trong cuốn vở đó, cha quên rồi sao".

Người cha giấu tiếng thở dài, ông đã từng tìm cái tên ấy trong vô vọng nhưng không muốn gieo thêm nỗi chán nản cho con gái. Đằng nào ít ngày nữa nó cũng sẽ thành du học sinh ở đất Việt, thời gian sẽ ủng hộ nó.

***

Chanthavy đang dè dặt tiến lại, cô nói tiếng Việt khá rõ nhưng vẫn lộ âm sắc người nước ngoài.

- Xin lỗi ông, Thân Tâm Thái là bút danh hay tên thật của ông vậy?

Ông Thái ngước lên vẻ hơi ngạc nhiên trước câu hỏi lẫn nhân dạng người khách trẻ.

- Là tên thật, tôi không dùng bút danh.

- Ông ở Campuchia từ khi nào tới khi nào? Ông có ghé qua phum Bângkân tháng 6.1980 không?

- Tôi sang Campuchia làm nhiệm vụ từ 8.1978 và tới 1982 thì ra quân về nước luôn. Tất cả các mốc thời gian tôi đều có ghi lại cụ thể trong cuốn sách này. Phum Bângkân sao? Tôi không chắc chắn lắm, nhiều quá… Cũng có thể có, vì gọi theo phiên âm nên có thể nhầm lẫn chút. Gần nửa thế kỷ rồi nếu không ghi lại là quên ngay.

- Nhầm lẫn! Quên! Ông nói vậy mà nghe được sao. Cả nhà đi tìm ông, ai cũng tưởng ông hy sinh rồi, sao ông lại sống sờ sờ ở đây chứ - Chanthavy òa khóc - Con là… cháu nội của ông đây.

Ông Thái như người trên trời rớt xuống. Vài đồng đội của ông tiến tới hỏi han thêm, vỡ lẽ, và an ủi cô gái. Chanthavy vẫn còn bệu bạo.

- Con search Google tên ông miết mà không thấy đâu, mãi gần đây mới có tin ngắn về buổi cà phê sách này qua một tài khoản mạng xã hội, con lập tức book vé bay từ thành phố ra đây. Vì cái tên của ông khó nhầm lẫn lắm nên con đã hy vọng. Mà con vẫn chưa dám chắc dù thoạt nhìn ông con đã thấy thân thuộc. Khi những trang viết tay của ông được chiếu lên thì con không còn nghi ngờ gì nữa, tuồng chữ ấy con nhắm mắt cũng nhận ra… Ông ơi, bao năm qua ông vẫn sống với bà nội của con, với cha con và con… là nhờ cái này…

Ông Thái và mọi người vẫn chưa hiểu kịp thì Chanthavy lấy từ trong ba lô ra cuốn vở viết tay được gói tám lớp y như ngày xưa bà nội cô giữ gìn, run run tháo mở và đưa bằng hai tay cho ông. Tất cả đều im phăng phắc.

- Đây là cuốn vở ghi chép của ông để lại cho bà nội con hồi tháng 10 năm 1980. Đúng không? Con đã đọc được hết rồi, nhờ có nó mà con biết tên ông, biết quê quán… Nó là báu vật của gia đình nay con gởi lại cho ông.

- Báu… báu… vật? - ông Thái lắp bắp đón lấy cuốn vở lật từng trang, mắt nhòa đi.

- Đúng là cuốn sổ của Thái rồi - một đồng đội của ông buột miệng.

- Châu về hiệp phố, tưởng mất mà lại còn - Ai đó nói tiếp.

Mặt ông Thái căng cứng, vẻ cố ghìm lại cảm xúc.

- Bà nội con còn khỏe không? Còn… cha… cha của con là…

- Ông đừng xúc động quá. Bà nội con mới qua đời năm ngoái. Cha con vẫn còn làm việc, vẫn mong sớm gặp lại ông.

- Tội nghiệp bà ấy quá.

- Bà bị Alzheimer những năm cuối đời, cả ngày chỉ ngồi ở bậu cửa chờ ông thôi.

- Trời. Thật… thật… là… con… ông không biết gì cả, bất ngờ quá.

- Con tên Chanthavy, bà nội đặt cho vì dường như vẻ đẹp của đêm trăng nào đó cứ sống mãi trong lòng bà, có đúng không ông?

Đêm trăng nào chẳng đẹp trong đời lính trận nếu đó là một đêm thanh bình, ông Thái thầm nghĩ. Một cuộc tình dở dang đầy bất trắc, hai mảnh vỡ số phận lạc vào nhau, khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi quá.

- Tên con cũng như người, đẹp lắm, trong sáng, dịu dàng mà mạnh mẽ.

Những người bạn sau khi có lời chúc mừng cuộc gặp gỡ kỳ diệu thì ý tứ lui ra để ông và cô bé tự nhiên hơn. Hai người bắt đầu trò chuyện cởi mở, hối hả, khóc cười xen lẫn. Cô bé phải quay lại trường ngay, họ lưu thông tin liên lạc nhau, hứa hẹn tái ngộ đoàn viên.

- Ông ơi sách này bán ở đâu để con mua nhiều nhiều tặng người thân.

- À ông quên, để ông ký tặng ngay cho con. Sách ông tự phát hành nên số lượng khiêm tốn lắm, chỉ đủ tới tay bạn bè chiến hữu thôi. Chà, chờ ông chút, hình như còn có vài cuốn ở đây thôi.

- Con tự hào về ông lắm.

Ông Thái quay vào trong, đi ra sau bàn nơi đó còn để vài cuốn sách mới. Chanthavy ở ngoài đang tò mò ngắm các bức họa bài trí trong phòng, hít hà trước mấy lẵng hoa hồng hoa lan tuyệt đẹp chúc mừng tác giả tác phẩm. Ông Thái lật nhanh đến trang 218 của mỗi cuốn sách mới và xé toạc nó không thương tiếc. Người đọc bản sách thiếu trang này có lẽ sẽ nghĩ đó là lỗi của nhà in và dễ dàng cho qua thôi. Trang đó có đoạn "...đứa tân binh thứ ba bổ sung chưa kịp biết tên đã đào ngũ, cuỗm theo tập viết tay thứ tư đang viết nửa chừng cùng với cái mũ cối cũ sờn ghi chi chít địa danh khắp chiến trường Campuchia…". Ông không cần trang này nữa, cô bé trăng rằm kia lại càng không.

Chanthavy xúc động nhận sách có dòng đề tặng và chữ ký của ông Thái, ôm cổ ông hôn trước khi chia tay, niềm hạnh phúc mà cô nhận được hôm nay quá lớn. Họ chắc chắn sẽ còn gặp lại nhau nhiều lần sau đó nữa...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.