Thông tin trên được chia sẻ trong hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về mục tiêu, chuẩn đầu ra và nội dung chương trình đào tạo trình độ ĐH diễn ra tại Trường ĐH Tài chính-Marketing sáng nay (10.5).
Giảm khối kiến thức chuyên ngành, tăng khối kiến thức cơ sở ngành
PGS-TS Phan Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết chương trình đào tạo bậc ĐH của trường dự kiến tăng 2 tín chỉ so với hiện hành, lên 122 tín chỉ. Tuy nhiên, chương trình sẽ có sự điều chỉnh nhiều trong từng khối kiến thức cụ thể của toàn chương trình.
Cụ thể, theo PGS Hằng Nga, khối kiến thức đại cương giảm từ 34 xuống còn 26 tín chỉ. Theo đó, trường cắt bỏ học phần tiếng Anh tổng quát và chỉ đào tạo tiếng Anh chuyên ngành. Đồng thời, trường cũng không đào tạo học phần toán cao cấp và tin học ứng dụng học sinh đã được học ở bậc phổ thông.
Trong khi đó, khối kiến thức cơ sở ngành, trường dự kiến tăng thêm 18 tín chỉ so với chương trình hiện hành (từ 24 lên 39 tín chỉ). Ngược lại, khối kiến thức chuyên ngành dự kiến giảm từ 24 xuống còn 15 tín chỉ. Lý giải sự điều chỉnh này, PGS Hằng Nga nói: "Theo chủ trương đào tạo để sinh viên có đủ kiến thức nền tảng tiếp cận nhiều vị trí việc làm khác nhau, trường quyết định giảm khối kiến thức chuyên ngành xuống để tăng kiến thức cơ sở ngành".
So sánh với các cơ sở đào tạo cùng khối ngành khác, PGS Hằng Nga cho biết: "Trước khi đưa ra dự kiến này, trường đã tham khảo chương trình đào tạo các trường trong và ngoài nước. Với việc điều chỉnh này, khối kiến thức đào tạo chuyên sâu chiếm 12% chương trình đào tạo Trường ĐH Tài chính-Marketing. Trong khi đó, khối kiến thức chuyên sâu tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân hiện chiếm khoảng 14%, ĐH Kinh tế TP.HCM khoảng 10%. Một số trường ĐH nước ngoài phần kiến thức chuyên ngành cũng chiếm khoảng 14-16% tổng thời lượng chương trình đào tạo. Do đó, sự thay đổi của trường có sự phù hợp với các trường trong nước và quốc tế hiện nay".
Cụ thể hơn, để đáp ứng vị trí việc làm trong điều kiện hiện nay, Trường ĐH Tài chính-Marketing dự kiến thay học phần toán cao cấp bằng toán kinh tế; thay tin học ứng dụng bằng năng lực số. Ở khối kiến thức cơ sở ngành, chương trình dự kiến thêm các học phần mới như: khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh. Đồng thời, bổ sung học phần tài chính công, hành vi khách hàng, phân tích dữ liệu kinh doanh vào phần kiến thức ngành.
Nhà tuyển dụng đề nghị trường "sửa" gì trong chương trình đào tạo?
Chia sẻ trong hội thảo, bà Hồ Lê Thu Hiền, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng BIDV Bắc Sài Gòn, cho biết đa phần sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có khả năng áp dụng ngay kiến thức chuyên ngành vào công việc. Đại diện BIDV cho biết mỗi năm đơn vị này phải tổ chức hơn 400 lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức. "Doanh nghiệp mong muốn có thể tuyển được sinh viên có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng học được làm việc ngay. Ví dụ có khả năng phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp, thuyết trình, tổ chức công việc…", bà Thu Hiền bày tỏ.
Liên quan vấn đề này, ông Chu Xuân Hoạt, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng tổ chức Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng, cho rằng mong muốn sinh viên ra trường có thể làm việc ngay rất khó, thay vào đó chỉ cần đạt mức độ nắm bắt cơ bản công việc. "Nhưng một thực tế được nhìn thấy ở sinh viên mới ra trường hiện nay là sự thiếu tự tin khi tiếp xúc với khách hàng, đặc biệt người nước ngoài do tiếng Anh chưa tốt lắm. Ngoài ra, khả năng làm việc nhóm của các em cũng còn hạn chế".
Cũng trong hội thảo, từ kinh nghiệm bản thân, một đại diện của Sở Tài chính TP.HCM, cho rằng giữa kiến thức tiếp thu trong trường ĐH so với công việc thực tế có những khác biệt. Đại diện này cho rằng, muốn sinh viên tiếp cận việc làm nhiều hơn ở khối quản lý công, chương trình đào tạo cần bổ sung kỹ năng đọc hiểu, nghiên cứu quy định pháp luật. "Trong chương trình học, sinh viên các trường ĐH hiện được học môn pháp luật đại cương. Nhưng người học vẫn cần được trang bị thêm kỹ năng này để có thể đọc hiểu chính xác, nhanh chóng khi tiếp cận một văn bản pháp luật nào", đại diện này nhấn mạnh.
Bình luận (0)