Một trường ĐH tốt vẫn hơn một ĐH không xứng tầm

08/12/2022 06:05 GMT+7

Theo các chuyên gia, nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành, việc chuyển trường ĐH thành ĐH không chỉ là thay đổi tên gọi, mà là hành trình phấn đấu của những trường muốn trở thành cơ sở đào tạo đa lĩnh vực.

Thoát tình trạng trường ĐH đơn ngành, nhỏ lẻ

Theo TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục VN, quy định về trường ĐH và ĐH trong luật Giáo dục ĐH hiện hành (thường được gọi là luật số 34/2018 do hợp nhất luật Giáo dục ĐH ban hành năm 2012 và sửa đổi năm 2018) không quá khác biệt, nhưng đọc kỹ sẽ thấy ĐH được thiết kế cho những cơ sở đào tạo ĐH có quy mô tương đối lớn, đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực. Chẳng hạn, với yêu cầu để trở thành ĐH, trường ĐH phải có tối thiểu 10 chương trình đào tạo tiến sĩ, là một đòi hỏi mà các trường ĐH hiện nay không dễ gì đạt được, kể cả những trường có sức hút với thí sinh, thường xuyên tuyển sinh quy mô lớn với yêu cầu đầu vào ở mức cao.

Về tác động vĩ mô, việc các trường ĐH “phấn đấu” trở thành ĐH là động lực giúp tái cấu trúc hệ thống ĐH, giúp hệ thống ổn định hơn, hướng đến ĐH được trao quyền nhiều hơn. “Cho đến nay, chúng ta đang có một hệ thống gồm rất nhiều trường ĐH, nhưng phổ biến lĩnh vực đào tạo của các trường vẫn hẹp, không nhiều trường đào tạo đa lĩnh vực. Việc đặt ra yêu cầu để được gọi là ĐH như luật đang là một bước giúp các trường ĐH dần dần phấn đấu đa dạng hóa về trình độ lẫn lĩnh vực đào tạo, để đạt được tính độc lập cao hơn trong hoạt động chuyên môn. Như vậy ta sẽ thoát được tình trạng có nhiều trường ĐH đơn ngành, trường ĐH nhỏ. Ngay như với một trường rất hot là Trường ĐH Ngoại thương, vì diện đào tạo hiện rất hẹp, nên không được gọi là ĐH”, TS Phương bình luận.

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội

MAI CHI

Hai loại điều kiện để hình thành ĐH

Trước một số ý kiến cho rằng thực chất quy định về chuyển trường ĐH thành ĐH trong luật Giáo dục ĐH hiện hành là để thiết lập một mặt bằng chuẩn mực mới về hệ thống giáo dục ĐH, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long, bày tỏ sự đồng tình và cho rằng cách nhìn nhận này đúng không chỉ với chuẩn mô hình “đại học”. Trong bối cảnh hướng đến tự chủ ĐH thì các điều kiện bảo đảm chất lượng tối thiểu sẽ được pháp luật hóa, trở thành công cụ quản lý chất lượng để định hướng cho các cơ sở giáo dục đề ra mục tiêu, chiến lược phát triển... phù hợp với sứ mệnh của mình. Điều này cũng giúp nhà nước có căn cứ ra quyết định, kiểm tra, thanh tra quá trình hoạt động...

Nếu việc chuyển đổi này chỉ có mục tiêu lấy danh hình thức, không phải là kết quả của quá trình phát triển thực chất, chưa đủ tầm để có thể thay đổi về chất trong hoạt động và về năng lực quản trị, quản lý, năng lực tự chủ... thì sẽ giống như chui vào một cái áo quá khổ.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long

Trước khi có luật 34/2018, các ĐH đều được hình thành bằng con đường/biện pháp hành chính. Như từ khi thực hiện luật 34/2018 thì các ĐH tự chủ lựa chọn con đường phát triển theo những tiêu chuẩn - định hướng đã được quy định. Theo đó, có 2 loại điều kiện để hình thành ĐH là: chuyển trường ĐH thành ĐH theo cách mà ĐH Bách khoa Hà Nội vừa thực hiện; các trường ĐH đang hoạt động tự nguyện liên kết thành ĐH.

Phải là sự chuyển hóa thực chất

Theo GS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, điều kiện tiên quyết để trở thành ĐH là phải đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực. Nếu những trường ĐH không phải đa lĩnh vực thì không cần thiết phải thành ĐH, vì dẫu có thành ĐH thì cũng không giải quyết được vấn đề gì khác so với việc vẫn là trường ĐH. Nếu trường ĐH phát triển mạnh, thành đa lĩnh vực, mà vẫn chỉ là rất nhiều khoa trong một trường thì sẽ gò bó về mặt chuyên môn, về tổ chức. Tất cả các khoa với rất nhiều lĩnh vực buộc lòng phải tuân thủ một quy định chung, trong khi những quy định chung đó có thể phù hợp với lĩnh vực này nhưng không phù hợp với lĩnh vực kia, thì sự phát triển sẽ bị kìm hãm. Đó là lý do cần phải thành lập các trường con, mỗi trường được tạo nên từ nhiều khoa cùng đào tạo trong một lĩnh vực. Các trường đó ở trong một ĐH là để thống nhất thực hiện sứ mệnh, đường hướng phát triển chung.

GS Cường cũng cho rằng quy định ĐH phải có ít nhất 3 trường con là phù hợp, vì đó là biểu hiện của “đa lĩnh vực”. Mỗi trường là một lĩnh vực chuyên môn trong đào tạo, nghiên cứu. Trường sẽ có nhiều khoa, mỗi khoa là một ngành/nhóm ngành trong lĩnh vực đó. Nhóm các khoa lại trong một trường, trong cùng một lĩnh vực chuyên môn, thì các khoa sẽ hoạt động chung trong cùng hệ thống về học thuật, việc phát triển chuyên môn sẽ theo những quan điểm, những định hướng thống nhất.

Chuyển trường ĐH thành ĐH là cách mà ĐH Bách khoa Hà Nội đã thực hiện

mai chi

Việc một trường ĐH phát triển lên, từ nhu cầu nội tại mà hình thành nhiều trường con, rồi thành ĐH là hướng đi bền vững hơn là tập hợp các cá thể trường ĐH riêng lẻ để thành một ĐH lớn.

TS Phương cũng nêu ý kiến: “Tránh phép cộng cơ học như đã có với 5 ĐH có trước ĐH Bách khoa Hà Nội, là những ĐH 2 cấp (ĐH “mẹ” và ĐH “con”), do hệ quả của lịch sử để lại. Mô hình này có nhiều vấn đề, các nhà chuyên môn đã khuyến cáo đó là mô hình không hợp lý, nó giống như liên hiệp hợp tác xã ĐH. Nếu xây dựng ĐH mới theo mô hình như ĐH Bách khoa Hà Nội đang làm thì mới giúp hoàn thiện hệ thống”.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định: “Không phải tất cả trường ĐH đều phải có xu hướng chuyển thành ĐH mới tốt. Nếu việc chuyển đổi này chỉ có mục tiêu lấy danh hình thức, không phải là kết quả của quá trình phát triển thực chất, chưa đủ tầm để có thể thay đổi về chất trong hoạt động và về năng lực quản trị, quản lý, năng lực tự chủ... thì sẽ giống như chui vào một cái áo quá khổ. Nó sẽ vướng víu và có thể tạo ra lực cản đối với các hoạt động và chắc chắn không bao giờ mang lại hiệu quả thực tế. Nếu vậy, cứ là một trường ĐH tốt sẽ tốt hơn là trở thành một ĐH không xứng tầm”.

Sẽ có nhiều trường ĐH thành ĐH ?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng để một trường ĐH phát triển thành ĐH không phải dễ. Luật số 34/2018 ban hành đã được 4 năm, nhưng đến nay mới có ĐH Bách khoa Hà Nội là ĐH đầu tiên được phát triển từ trường ĐH theo luật này.

Có thể trong thời gian tới sẽ có những trường ĐH khác được đầu tư phát triển thành ĐH nếu họ đã đào tạo, nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực; trong đó có ít nhất 3 lĩnh vực thế mạnh, có lực lượng và quy mô tương đối lớn; có năng lực tự chủ và quản trị, quản lý hiệu quả... Hoặc cũng có thể có từ 3 trường ĐH cùng một cơ quan quản lý hoặc cùng một nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) cùng liên kết thành ĐH... nhưng số lượng chắc chắn không thể nhiều, vì thời gian chuẩn bị không thể ngắn. “Việc chuyển trường ĐH thành ĐH không đơn giản là việc chuyển tên cơ sở giáo dục ĐH mà là chuyển mô hình hoạt động, phạm vi hoạt động, khẳng định năng lực tự chủ, năng lực gánh vác những sứ mệnh lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh rộng hơn… Nếu theo đúng định hướng của luật 34/2018 thì việc trường ĐH chuyển thành ĐH trước hết là mục tiêu khẳng định vị thế của mình trong hệ thống, khẳng định năng lực tự chủ và để được hưởng quyền tự chủ cao hơn mà pháp luật quy định cho ĐH như tự chủ mở ngành, liên kết quốc tế và các hoạt động khác...”, TS Phụng nhận định.

Cũng theo TS Phụng, việc trường ĐH chuyển/liên kết thành ĐH thường để cộng các nguồn lực về nhân lực, về cơ sở vật chất, về đối tác hợp tác, về thế mạnh của mỗi lĩnh vực/mỗi trường... để phát triển, tăng sức cạnh tranh trong nước và quốc tế... Qua đó, các ĐH cũng có cơ hội nhận những nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu liên ngành để phát triển mang tầm khu vực, quốc tế; có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước... Nghĩa là, có thể có cơ hội cao trong nhiều hoạt động và trong việc nhận được những chính sách đầu tư phát triển tương xứng với năng lực của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.