Đây là một công trình trong chuỗi nghiên cứu bảo tồn và khai thác giá trị to lớn của bộ phận di sản văn học Nam bộ trước 1954. Bộ phận này, do hoàn cảnh chiến tranh liên tục, tình hình phức tạp của đất nước, cho đến nay vẫn còn là những “mảnh vụn”, những “lớp sương mù”, chưa được sưu tập, tìm hiểu và đánh giá một cách đầy đủ, công bằng và khách quan. Chưa kể đến sự thất thoát, mai một của văn bản qua hàng thế kỷ vô tình bị lãng quên...
Trên thực tế, do môi trường lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội đặc thù của nơi tiếp xúc đầu tiên với văn hóa phương Tây, văn học Nam bộ có vai trò đặc biệt mang tính tiên phong khai mở trong giao lưu và tiếp nhận các trào lưu tư tưởng triết học, văn học, góp phần đưa văn học VN vào tiến trình hiện đại hóa từ cuối thế kỷ 19 - đầu 20.
Công trình được chia thành 2 phần chính. Phần một: Diện mạo nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam bộ trước 1954 được tái hiện chi tiết qua từng chặng đường lịch sử. Bố cục đi theo những mốc sự kiện lớn của dân tộc, các phương pháp vận dụng khá linh hoạt. Nổi bật hơn là phương pháp thực chứng, đi từ văn bản cụ thể để đưa ra nhận định từng giai đoạn nên tính khoa học và độ tin cậy cao. Phần hai gồm 27 chân dung tiêu biểu trong giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam bộ, được giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời hoạt động, quan điểm xã hội và nghệ thuật, sự nghiệp văn học như Nguyễn Duy Cần, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Phan Khôi, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Ca Văn Thỉnh, Đông Hồ, Thiếu Sơn, Kiều Thanh Quế, Tam Ích, Lưu Quý Kỳ, Triều Sơn, Thẩm Thệ Hà...
Bình luận (0)