Những người chăm sóc tử thi
Anh S. cầu mong con quạ bất ngờ bay đến và kêu lên vài tiếng, ấy sẽ không báo hiệu điềm xấu gì. Nhưng có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khuya hôm đó một bệnh nhân nam ở khoa Săn sóc đặc biệt đã mất vì nhập viện quá trễ. Người này tên T., chừng 30 tuổi. Mặc dù nhiều lần bệnh viện đã liên lạc nhưng người thân của T. không có mặt. 7 giờ sáng hôm sau họ mới đến. Vợ T. là cô giáo cùng đứa con trai 5 tuổi kêu khóc thảm thiết. “Không nhìn ra nó nữa! Ngày trước nó cao to, đẹp trai như diễn viên điện ảnh...” - nhiều người thân của T. kinh ngạc thốt lên. Do bị liệt cứng, hai chân của T. gồ lên sát nắp quan tài. Tay trái co quắp. Còn đôi mắt, dù bao nhiêu người cố vuốt, vẫn mở thao láo như hai dấu chấm hỏi đem sang tận thế giới bên kia. Không kèn không trống, đám tang diễn ra chưa đầy 30 phút trước khi xe chở chiếc hòm chạy nhanh về hướng TP.HCM để thiêu xác.
Lúc này, chỉ còn lại một mình anh Đinh Ngọc Trung, 30 tuổi - nhân viên khâm liệm tử thi và trông coi nhà tang lễ của Bệnh viện Nhân Ái. Anh Trung cho biết, anh làm công việc này đã hơn 2 năm nay. Mỗi khi có bệnh nhân tử vong, anh chuyển xác ra nhà tang lễ. Anh tắm rửa, mặc áo tang cho tử thi rồi đưa vào hộc lạnh, chờ thân nhân họ lên khâm liệm và đem đi thiêu. Hai năm 2008 và 2009, anh Trung đã chăm sóc cho tổng cộng 250 bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tử vong tại Bệnh viện Nhân Ái. Trong đó có 9 người không thân nhân nên được bệnh viện lo thiêu xác và thờ cúng tại nhà lưu cốt. “Trưởng phòng nhà xác” Đinh Ngọc Trung kể: “Trước đây, bệnh viện chưa được trang bị hộc lạnh, tôi cứ đốt nhang liên tục và mắc võng bên ngoài nằm chờ thân nhân của họ lên. Có khi một đêm đến 4 người “đi”...”.
Ngoài anh Trung, còn có hai tình nguyện viên tắm rửa xác. Đó là bệnh nhân tên V. và C. - khoa Săn sóc đặc biệt. Cả hai từng trong cơn thập tử nhất sinh, song đã hồi phục được. V. cho biết, anh là con của một trung tá công an tại TP.HCM. V. bị nhiễm HIV khi lén xăm mình trong trại cai nghiện. Còn C. là một người vô gia cư. C. bị lây nhiễm vì quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm. Vượt qua thời kỳ tuyệt vọng, cả C. lẫn V. đều tình nguyện chăm sóc (đút ăn, vệ sinh thân thể...) cho những bệnh nhân liệt giường và làm nhiều việc không tên khác trong khoa. Những đêm có người chết gần như là "đêm trắng" của họ.
Trước đây, tôi thấy mắc cười với câu khẩu hiệu “Không thử dù chỉ một lần”. Đến khi trả giá bằng chính cuộc đời mình, tôi thấy câu nói đó quá đúng!.
|
|
Một bệnh nhân tên Đạt |
V. chia sẻ: “Nói thật, chứng kiến nhiều cái chết, trong đó có đứa bạn cùng phòng mất đúng 12 giờ đêm, tôi cũng thấy sợ khi nghĩ đến... ngày của mình. Nhưng tôi đã xác định, hễ còn sống được ngày nào thì cứ hết lòng giúp người khác, bù lại quãng thời gian dài hoang phí”.
Ký ức buồn...
Hơi chúi cái đầu với nhiều vết sẹo - chứng tích đâm thuê chém mướn một thời - xuống mặt bàn, “Hiền cá sấu” nhẫn nại ngồi xỏ từng hột cườm. Hiền tếu táo, “bỏ bom” khích người này người nọ kể về cuộc đời họ, còn chuyện mình thì kể “nhỏ giọt”. Nhưng câu nào Hiền nói ra cũng như rút từ gan ruột. Hiền nhận xét: “Hầu hết những người sử dụng ma túy chỉ biết tép đầu tiên, mũi đầu tiên. Còn mũi cuối thì không biết khi nào. Bởi họ không thể làm chủ được mình khi dính vào thứ ma quỷ này”. Hiền cho hay, điều ước duy nhất của anh là sau một đêm ngủ dậy, bỗng dưng được trở về... năm 12 - 13 tuổi. Vì sao? “Đó là thời được vô tư cắp sách đến trường, được cha mẹ quan tâm và bàn tay chưa gây tội ác!” - Hiền giải thích.
Anh chàng mù tên Đạt ngồi cạnh góp chuyện: “Trước đây, tôi thấy mắc cười với câu khẩu hiệu “Không thử dù chỉ một lần”. Đến khi trả giá bằng chính cuộc đời mình, tôi thấy câu nói đó quá đúng!”. Đạt nói tiếp: “Tui cũng từng mơ như anh Hiền nhưng biết chắc nó không xảy ra. Giờ tui chỉ ước đơn giản hơn là làm sao có được bộ dây đàn biếu chị H., để chị đàn cho tụi tui hát đỡ buồn”. Hóa ra, cây guitar cũ do một y sĩ tặng cho bệnh nhân, mấy tháng nay đã bị đứt dây. Biết chuyện, chúng tôi âm thầm nhờ người xuống thị xã Phước Long cách bệnh viện khoảng 30 km mua hai bộ dây đàn. Trưa hôm sau, phòng xỏ cườm đã rộn ràng tiếng đàn tiếng hát. Họ như quên hết bệnh tật và bi kịch đời mình...
Trở lại khoa Lao, chúng tôi bắt gặp một người đàn bà lam lũ, ngụ ở tỉnh Đồng Nai đang chờ gặp con ở phòng bảo vệ. Người ta gọi bà là “bà Hai hột điều” hoặc “bà Hai cạo mì”. Sở dĩ như vậy vì mấy tháng nay, bà hết hái hột điều đến xin cạo vỏ mì cho người dân địa phương. Bà ăn uống qua loa, có hôm chỉ xin mấy củ mì nấu ăn cả ngày. Vậy mà kiếm được đồng nào, bà dành hết mua thịt cá, trái cây, đều đặn mỗi chiều đem đến cho con. Bà Hai được xem là "người mẹ độc nhất vô nhị" trong bệnh viện này, vì bà có mặt ở đây suốt 5 tháng qua kể từ ngày đầu con trai bà nhập viện. Lúc đó, con bà điều trị tại khoa Săn sóc đặc biệt, bị ghẻ lở đầy mình. Hằng ngày bà tự tay đổ bô, vệ sinh cho con. “Sợ thì ban đầu tôi cũng có sợ. Nhưng mình là mẹ mà không chăm sóc con, phó mặc cho những hộ lý sao đặng?” - mắt đỏ hoe, bà bộc bạch - “Từ hồi mấy đứa con mới lên 7 - 8 tuổi, vợ chồng tôi đã dặn dò chúng đủ thứ như không được tập tành hút xách, không được uống nước người lạ đưa... Ai ngờ có một chuyện tụi tôi không lường đến thì thằng con út lại dính phải! Nó quen bồ bịch rồi bị lây HIV! Nó mới 20 tuổi...". Bà Hai cho hay, do con bà vẫn chưa dứt bệnh lao nên hai mẹ con sẽ đón Tết trong bệnh viện. “Nghe nói bệnh viện tổ chức Tết cho bệnh nhân cũng ấm áp lắm” - bà Hai nói.
Hy sinh vì người bệnh
Điều dưỡng N.S đang lúi húi cùng đồng nghiệp tiến hành thông tiểu cho một bệnh nhân nằm liệt giường. Rồi cô đem nước tiểu đi đổ. Mọi việc N.S làm có vẻ nhẹ nhàng mà chu đáo. Không biết đằng sau vẻ bình yên đó, vết thương trong lòng cô gái 28 tuổi này đã nguôi ngoai? Nhiều người cho biết, cách đây 7 tháng, N.S bị kim đâm trong lúc truyền dịch cho bệnh nhân AIDS. Qua điều trị dự phòng phơi nhiễm, rất may kết quả xét nghiệm sau cùng âm tính với HIV. Tuy nhiên, cô buộc phải bỏ cái thai - đứa con đầu lòng của mình. Trước đó, N.S cũng bị lây lao và đã điều trị xong. N.S nói giản dị: “Bệnh nhân vùng vằng khiến cho tôi bị kim đâm cũng tỏ ra hối hận. Tôi nghĩ họ không cố ý, chỉ vì bệnh tật nên bức bối... Nhờ ban giám đốc và đặc biệt là ông xã tôi đã quan tâm động viên, tôi mới vượt qua cú sốc lớn đó”. Được biết, chồng N.S vốn công tác ở TP.HCM. Chia sẻ với vợ, anh đã bỏ việc lên Phú Văn thuê nhà. Mỗi ngày anh làm giá đậu và đi bỏ mối ở các chợ, miễn sao vợ chồng được gần nhau.
Mặc dù công việc cực nhọc, lương bình quân 2 triệu đồng/tháng (kể cả phụ cấp độc hại) nhưng đa số nhân viên ở đây không than vãn hoàn cảnh bản thân. Ngược lại, họ dành hết tâm sức lo cho người bệnh. Bếp trưởng trẻ Đinh Thị Kiều Trang trăn trở: "Mỗi bệnh nhân chỉ được cấp 12 ngàn đồng/ngày, bao gồm cả gạo, thức ăn, gia vị, gas... Do đó, bệnh viện thường phải đi xin gạo và tranh thủ nuôi thêm gia cầm, gia súc".
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long - Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, hiện bệnh viện này có hơn 100 nhân viên, cán bộ chuyên môn ngành y. Trong đó, chỉ 6 bác sĩ nhưng đã có ít nhất 3 người phải kiêm nhiệm quản lý; 10 dược trung (không có trình độ đại học); 9 sơ (gồm 2 thiện nguyện viên và 7 người được ký hợp đồng)... Ông Long cho biết, không ít bệnh nhân đang nghiện ma túy nên bệnh viện phải kết hợp giữa cắt cơn và điều trị HIV/AIDS. Ông nhìn nhận: "Việc chăm sóc, điều trị ở đây không hề đơn giản. Có những bệnh nhân ban đầu không hợp tác, thậm chí còn rượt đuổi, hành hung nhân viên y tế và bảo vệ. Chúng tôi còn phát hiện một vài gia đình tiếp tay với bệnh nhân, tuồn ma túy vào bệnh viện bằng những hình thức rất tinh vi...". Được biết, từ năm 2006 đến nay, bệnh viện này có 8 nhân viên bị nhiễm lao (nay đã điều trị dứt bệnh) và 14 ca phơi nhiễm HIV (sau đó test lại đều âm tính). Bệnh viện đã và đang thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ, nhân viên giữa các khoa, từ 3 - 6 tháng/lần. Ông Long nói: “Nhiều bác sĩ đến đây nộp hồ sơ rồi... đi không trở lại. Chúng tôi đã chủ động đăng ký tuyển dụng ở nhiều trường. Thế nhưng, ngay tại những nơi đào tạo nguồn nhân lực cho y tế thành phố cũng không có bác sĩ trẻ nào chịu lên đây”.
Vị giám đốc này thẳng thắn nhận xét rằng không chỉ có bệnh nhân AIDS bị kỳ thị mà ngay cả cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại đây cũng bị phân biệt đối xử từ phía gia đình và từ một số đồng nghiệp của họ.
Phóng sự của Như Lịch
Bình luận (0)