Một ứng viên được đề nghị xét công nhận giáo sư diện ‘trường hợp đặc biệt’

24/10/2019 15:53 GMT+7

Phó giáo sư Phạm Đức Chính, người vừa được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019, là ứng viên duy nhất được đề nghị xét giáo sư diện ‘trường hợp đặc biệt” trong số 441 ứng viên mà 26 ngành/liên ngành đã thông qua.

Hôm nay, 24.10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được 26 hội đồng giáo sư ngành/liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019 (có 2 ngành chưa được công bố là khoa học an ninh và khoa học quân sự).
Theo đó, tổng số ứng viên giáo sư và phó giáo sư của 26 ngành/liên ngành là 441 người, trong đó 83 ứng viên giáo sư (chiếm tỉ lệ 19%, một tỉ lệ cao chưa từng có). Hầu hết các ứng viên đều đạt các tiêu chuẩn “cứng” mà Thủ tướng đã quy định ở Quyết định 37 ban hành hồi tháng 8.2018.
Chỉ duy nhất một trường hợp được xét theo diện “trường hợp đặc biệt”, đó là phó giáo sư Phạm Đức Chính, ứng viên của Hội đồng Giáo sư ngành Cơ học.
Theo giải thích của Hội đồng Giáo sư ngành Cơ học, sở dĩ phó giáo sư Phạm Đức Chính được đưa vào diện đặc biệt là bởi ông không đạt điều kiện tại khoản 5, điều 5 của Quyết định 37 (chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư). Tuy nhiên, phó giáo sư Chính lại là người vừa được giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 (một giải thưởng uy tín của Bộ Khoa học - Công nghệ), có số lượng lớn bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, với tổng điểm công trình khoa học rất cao.
Được biết, từ nhiều năm trước đây, trong quá trình góp ý nhằm điều chỉnh các quy định các tiêu chuẩn để được công nhận đạt giáo sư, phó giáo sư, rất nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối quy định “không giống ai” ở ta là bắt ứng viên phó giáo sư, giáo sư viết sách. Làn sóng phản đối này lên đến đỉnh điểm sau sự kiện PGS Nguyễn Xuân Hùng, một nhà khoa học trẻ xuất sắc, cũng là ứng viên của Hội đồng Giáo sư ngành Cơ học đợt xét năm 2016, đã bị “trượt” giáo sư, do thiếu điểm viết sách.
GS Ngô Bảo Châu, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, cũng đã nhận định “lấy tiêu chuẩn viết sách để xét giáo sư thì chỉ có ở Việt Nam!”. Theo GS Châu, đây là một quy định tương đối cổ hủ, lạc hậu, theo quan niệm giáo sư của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, không phải là quan niệm hiện nay.
Quyết định 37 được giới khoa học trong nước đánh giá là đã thể hiện quan điểm tiến bộ rất nhiều so với trước đây, chẳng hạn như không đặt yêu cầu viết sách như một tiêu chuẩn cứng với ứng viên phó giáo sư. Tuy nhiên, với ứng viên giáo sư, Quyết định 37 vẫn yêu cầu ứng viên phải chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo.

Có 4 ngành không có ứng viên giáo sư

Trên trang chính thức của Hội đồng Giáo sư Nhà nước hiện đã có 26 hội đồng giáo sư ngành/liên ngành công bố danh sách ứng viên đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019. Có 2 ngành hiện chưa công bố là khoa học an ninh và khoa học quân sự.
Tổng số ứng viên của 26 ngành là 441 người, trong đó có 83 ứng viên giáo sư. Do quy định mới đề cao tiêu chuẩn công bố công trình khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín mà số lượng ứng viên các ngành/liên ngành tăng hoặc giảm đột ngột so với các đợt xét trước đây. Tăng chủ yếu ở các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật; giảm chủ yếu ở các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Có 4 hội đồng không đề xuất ứng viên giáo sư nào, gồm: giao thông vận tải, giáo dục học, luật học, và ngôn ngữ học. Rất nhiều ngành khác tuy cũng có ứng viên giáo sư nhưng chỉ 1 - 2 người. Ngành có ít ứng viên nhất là tâm lý học (1 ứng viên giáo sư, 1 ứng viên phó giáo sư). Ngành ngôn ngữ học có 3 ứng viên phó giáo sư...
Ngành/liên ngành có nhiều ứng viên nhất là liên ngành hóa - công nghệ thực phẩm: có 7 ứng viên giáo sư, 45 ứng viên phó giáo sư. Tiếp theo là ngành vật lý, với 12 ứng viên giáo sư (đây cũng là ngành có đông ứng viên giáo sư nhất), 31 ứng viên phó giáo sư.
Các ngành có nhiều ứng viên gồm: ngành y có 10 ứng viên giáo sư, 29 ứng viên phó giáo sư; ngành kinh tế có 5 ứng viên giáo sư, 25 ứng viên phó giáo sư; ngành sinh học có 8 ứng viên giáo sư, 20 ứng viên phó giáo sư; ngành toán có 5 ứng viên giáo sư, 21 ứng viên phó giáo sư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.