Trong bài báo này, tác giả cố gắng giải đáp câu hỏi nguồn gốc của chữ lạc và loài chim lạc qua các thư tịch cố, gốc tích từ chữ Hán, chữ Nôm và cả hình thái bên ngoài của các loài chim. Bài viết có nhiều ý kiến khác nhau từ các bạn đọc như ở phần bình luận.
Theo đánh giá của cá nhân tôi, cách giải thích này dường như khó thuyết phục, hình con chim lạc trên chiếc trồng đồng Ngọc Lũ – chiếc trống Đông Sơn cổ nhất và được khá nhiều người biết. Các nghiên cứu khảo cố cho biết trống đồng Ngọc Lũ hiện còn lưu giữ cẩn thận ở Viện Viễn Đông Bác cổ trước kia như một báu vật quốc gia, có tuổi khoảng 2.500 năm trước đây, nghĩa là với mốc thời gian đó thì chữ Hán chưa hiện diện ở nước ta, theo một số tài liệu các nhà Hán học thì chữ Hán vào Việt Nam vào khoảng cuối đời nhà Tần, vào cuối thế kỷ thứ 3 TCN, còn chữ Nôm thì trễ hơn rất nhiều, hình thành trong giai đoạn từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 12. Như vậy không thể dùng chữ nghĩa xưa để giải thích một truyền thuyết trên 2.500 năm, thập chí từ đời vua Hùng, từ Lạc Vương đến nhiều thế kỷ sau với với tên nước Lạc Việt.
|
Còn dùng các hình dạng con chim như chim diệc, chim vạc hay cò, cả theo ý tác giả có thể là hồng hoàng… cũng khó thuyết phục nếu chỉ dựa vào một số hình dạng hao hao bên ngoài để đoán.
Các giải thích còn lại, theo tôi, là phải dựa vào ngôn ngữ nói cổ xưa và một số từ xưa còn sót lại. Trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện ở vùng Ngọc Lũ, vùng hạ lưu tả ngạn sông Hồng. Hoa văn trên mặt trống rất độc đáo với những dãy nhà sàn, các hình người đội nón gắn lông thú, với các hoạt động giã gạo, nhảy múa trên thuyền, bên cạnh các con thú ở dưới và chim bay trên trời, đậu trên mái nhà và dưới ánh mặt trời. Xin lưu ý là ở Indonesia, cũng có những cái trống đồng tương tự nên có giả thuyết là người Việt và người Indonesia có quan hệ giao lưu hay di dân. Dựa vào các dấu hiệu này và tập quán sinh sống, chúng ta thấy người Việt và người Indonesia đều có thói quen sinh sống và di cư theo các vùng đất ngập nước như hồ đầm, ven sông, ven biển để dễ canh tác và đi lại. Văn minh người Việt vẫn là văn minh sông nước.
Trở lại câu hỏi nguồn gốc chim lạc, chim lạc là chim gì mà bây giờ chúng ta không tìm thấy sự hiện hữu. Nếu có dịp đến các vùng đất phía Bắc cho thấy phát âm - tiếng nói có sự tương đồng liên quan đến chữ LẠC. Người phía Bắc, vốn phát âm lẫn lộn giữa chữ L và N, như làm và nàm chẳng hạn, người xưa xem việc nói chữ A và ƯƠ tương tự, như nói một lạng vàng hay lượng vàng như nhau, lên đàng như lên đường, tràng và trường,… phát âm từ C và K cũng như nhau. Dấu sắc (‘) và dấu nặng (.) trong phát âm vùng miền Bắc, miền Trung hay pha trộn nhau. Kết quả là L # N, A # ƯƠ và C # C/K nên phát âm chữ LẠC tương đồng chữ NƯỚC.
Nếu giải thích trên đây là chấp nhận thì “chim lạc” chính là “chim nước”, nghĩa là tập hợp các loại chim sống ở vùng nước, từ chim diệc, vạc, cò, hồng hoàng… phù hợp với nếp sống của tộc người Việt cổ. Suy ra như thế, những từ được ghi lại khi bắt đầu có chữ viết: Lạc Việt sẽ hiểu như là nước Việt, Lạc Vương là vua của nước, Lạc hầu là quan của nước, Lạc tướng là tướng của nước, các từ cổ xưa như Lạc điền là ruộng nước, Lạc thôn là làng nước. Ở vùng đất miền Trung từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế người dân có phương ngữ “nác”, có nghĩa là nước, như "đọi nác" là "bát nước". Ở Nghệ An, người dân nói “nác su” có nghĩa là “nước sâu”, có câu ca xưa “Trăm rác lấy nác làm sạch”. Ở Tây Nguyên có hồ nước gọi là hồ Lak (tỉnh Đắk Lắk), có thể coi chữ C và K tương đồng.
|
Tiếng Việt chúng ta có cái hay là chữ nước và chữ quốc gia, đất nước có cùng nghĩa. Nước ngoài nghĩa là một dạng tài nguyên thiên nhiên, còn là nguồn sống, là đất nước quê hương. Các nước khác khi đặt tên quốc gia thường dùng chữ đất (Land) như Thailand (Thái Lan), The Netherlands (Hà Lan), Finland (Phần Lan)…, nhưng người Việt dùng chữ Lạc Việt, là nước Việt, thì thật độc đáo. Người Việt đi xa thường nói nhớ “nước” hơn là nhớ đất.
Bà Huyện Thanh Quan có câu thơ rất hay: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”. Việc truy tìm nguồn gốc tên nước Lạc Việt, chim lạc là điều thú vị. Có lẽ giả định nguồn gốc chữ lạc sẽ có những đồng tình hay bài bác, có thể sẽ không dẫn đến một kết luận chắc chắn nhưng sẽ giúp chúng ta thêm yêu đất nước và ngôn ngữ dân tộc.
Bình luận (0)