6 điểm sau 3 trận chưa phải cú "đề pa" lý tưởng, dù M.U đã chơi tốt hơn so với giai đoạn đầu mùa trước, khi HLV Erik ten Hag lần đầu đến Ngoại hạng Anh. Sau một mùa giải, nhà cầm quân người Hà Lan đã nhìn được bức tranh toàn cảnh về những thiếu sót ngăn cản M.U trở lại đỉnh cao. Đó là hàng phòng ngự lỏng lẻo, tuyến giữa phụ thuộc vào Bruno Fernandes, cùng hàng tiền đạo trồi sụt phong độ.
Những điểm yếu này xuất hiện trở lại trong 3 vòng đầu, khi "Quỷ đỏ" để lại nhiều nỗi lo. Trong 4 bàn ghi được từ đầu giải của M.U, đóng góp của hàng tiền đạo là con số 0. M.U thắng Wolverhampton ở vòng mở màn bằng pha làm bàn của trung vệ Raphael Varane, đánh bại Nottingham Forest bằng 3 bàn thắng của các tiền vệ Christian Eriksen, Casemiro và Bruno Fernandes. Các chân sút M.U như Marcus Rashford, Anthony Martial, Antony đều mờ nhạt.
Trong bối cảnh bóng đá hiện đại đề cao pressing cùng lối chơi linh hoạt giữa các tuyến, việc các đội bóng cần một tiền đạo thực thụ không còn là điều hiển nhiên. Dù vậy, không phải ngẫu nhiên Man.City là cỗ máy tiệm cận hoàn hảo, nhưng HLV Pep Guardiola vẫn cần Erling Haaland, hay Bayern Munich, Real Madrid trong giai đoạn thịnh trị đều có những tiền đạo điển hình như Robert Lewandowski, Karim Benzema. Đó không chỉ là những chân sút cự phách, mà còn đóng vai trò đầu tàu ở hàng công, với khả năng xử lý nhạy bén trong vòng cấm, di chuyển hút người để mở khoảng trống, hỗ trợ phát triển bóng và vẫn đảm bảo hiệu suất ghi bàn.
M.U hiện không có một tiền đạo như thế, khi Rashford, Martial, Antony hay Alejandro Garnacho đều thuộc mẫu chạy cánh và xâm nhập vòng cấm từ hành lang biên, với sở trường "mở tốc" trước vùng không gian rộng lớn, khi hàng phòng ngự đối thủ dâng cao. Bởi thiếu những trung phong thực thụ biết cách xử lý gọn gàng và trực diện, hàng công M.U cũng vì thế mà thiếu ý tưởng.
Trong trận đại chiến với Arsenal, thứ M.U cần là một số 9 đúng nghĩa. Rasmus Hojlund, bản hợp đồng trị giá 72 triệu bảng (đắt giá thứ 6 trong lịch sử CLB) từ Atalanta có thể mang tới sự mới mẻ. Chiều cao 1,94 m, mái tóc vàng cùng xuất xứ Bắc Âu (Đan Mạch) khiến Hojlund được so sánh với Haaland. Lối chơi của cả hai có điểm tương đồng, khi Hojlund cũng nhanh, khỏe, giữ thăng bằng tốt và có cái chân trái khéo léo. Khác biệt ở chỗ, nếu Haaland thiên về chạy chỗ tìm kiếm khoảng trống và mỗi cú chạm là một bàn thắng, thì Hojlund lại ưa thích rê dắt, cầm bóng hỗ trợ lối chơi.
Tất nhiên, 9 bàn thắng ở Serie A mùa trước chưa phải con số ấn tượng với Hojlund. Ở tuổi 20, Hojlund còn non kinh nghiệm. Tốc độ thi đấu ở Ngoại hạng Anh cũng rất khác Serie A, khi các cầu thủ nhanh, mạnh và tổ chức lối chơi tốt hơn. Dù vậy, thứ Hojlund có là sự khó lường, cùng khát khao thể hiện của cầu thủ trẻ lần đầu vươn mình đến sân khấu lớn hàng đầu châu Âu. Mùa trước, M.U đã thua 7 trong 10 trận gần nhất làm khách trên sân của các đội ở nửa trên bảng xếp hạng. Nhưng với một chân sút trẻ giàu khát vọng, HLV Erik ten Hag có thể xoay chiều cục diện.
Ông Erik ten Hag khẳng định Hojlund đã sẵn sàng cho trận gặp Arsenal. 7 năm trước, Marcus Rashford ra mắt Ngoại hạng Anh ở tuổi 19, bằng một cú đúp cũng vào lưới… Arsenal. Lịch sử liệu có lặp lại?
Bình luận (0)