Mũ đâu mâu gài móng rồng là có thật hay truyền thuyết?

Trong lịch sử Việt Nam có ghi lại một số chuyện mang tính truyền thuyết xảy ra cách ngày nay cả hàng nghìn năm. Chuyện được nêu ở đây là Chử Đồng Tử trao cho vua Triệu Việt Vương chiếc móng rồng để gài trên mũ mà đánh giặc. Thực hư chuyện này như thế nào?

Văn hóa tâm linh về rùa và rồng

Ở những thế kỷ trước và đầu công nguyên, nước ta đã xuất hiện một loại hình móng thiêng được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại: “Vua An Dương Vương sau khi thôn tính được nước Văn Lang liền đổi quốc hiệu là Âu Lạc (258 - 208 trước công nguyên), vua cho xây dựng thành Cổ Loa nhưng nhiều lần không thành, bởi cứ xây gần xong rồi lại bị sụt lở, thế rồi được rùa vàng giúp… Khi thành xây xong vua còn được rùa vàng cho chiếc móng và dặn: “Nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhắm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì” (tập 1, trang 136 - 137).

Mũ đấu giá ở Tây Ban Nha 22 tỉ đồng

T.L VŨ KIM LỘC

Tiếp đến những thế kỷ đầu công nguyên là thời kỳ Bắc thuộc. Ở thời Triệu Việt Vương (548 - 570) khởi nghĩa cũng được Đại Việt sử ký toàn thư ghi như sau: “Kỷ Tỵ, năm thứ 2 (549). Vua ở trong đầm thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo với trời đất, thế rồi có điềm lành được mũ đâu mâu móng rồng dùng để đánh giặc. Từ đó quân thanh lừng lẫy, đến đâu không ai địch nổi (tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc)” (tập 1, trang 182 - 183).

Mũ trên tượng Hộ pháp thời Lê sơ. Bảo tàng Mỹ thuật VN

VŨ THỊ HẰNG

Như vậy, qua những ghi chép của chính sử nêu trên mặc dù mang đậm tính truyền thuyết, nhưng nó cũng chỉ ra cốt lõi của vấn đề là thời An Dương Vương đã có một văn hóa tâm linh về rùa, và đã được tượng trưng bằng hình thức móng của rùa làm lẫy nỏ để đánh giặc. Tiếp đến thời kỳ Bắc thuộc, như thời Triệu Việt Vương đã có sự chuyển biến đó là văn hóa tâm linh về rồng, và cũng được tượng trưng bằng hình thức móng của rồng được gắn trên mũ đâu mâu để đánh giặc.

Mũ trên tượng Hộ pháp thời Lý

HIẾU TRẦN

Trong thời gian gần đây với sự phát hiện loại cúc Móng Rồng (cúc Hoàng Long Trảo) được sử dụng làm biểu tượng của vương quyền, và trang trí trên toàn bộ hệ thống mũ miện của nhà Nguyễn. Như vậy, giữa móng rồng và cúc Móng Rồng có liên quan gì với nhau hay không, hay đây là một sự tiếp nối kế thừa? Nhận thấy đây là vấn đề rất thú vị bị khuất lấp trong lịch sử và chúng ta cần phải có trách nhiệm nghiên cứu với hy vọng giải mã được vấn đề.

Về mũ đâu mâu, được biết sớm nhất qua sử sách nêu trên là vào thế kỷ 5 “năm 485… vua nhà Tề sai Thủy Hưng đi đánh Lý Thúc Hiến. Thúc Hiến sai sứ xin bãi binh, dâng 20 cỗ mũ đâu mâu toàn bằng bạc cùng giải tua bằng lông công…” (sđd, tập 1, trang 177). Nhìn chung, đây là loại mũ trụ đi cùng với giáp phục, và đến thời kỳ ở buổi đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ của nước ta loại mũ này vẫn được sử dụng. Cụ thể, nhà Lê - Đại Hành hoàng đế, Ứng Thiên năm thứ 9 (1002) đã xuống chiếu làm mấy nghìn mũ đâu mâu, ban cho sáu quân.

Móng rồng gắn trên mũ đâu mâu là gì?

Qua những chi tiết lịch sử nêu trên đã cho biết mũ đâu mâu được sử dụng trong quân đội của cả chính quyền đô hộ (Trung Hoa) và chính quyền nổi dậy (Việt Nam), với khoảng thời gian hơn 500 năm. Nhưng mũ đâu mâu được gắn móng rồng thì chỉ được nói đến vào thời Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục), tức là phía Việt Nam. Rất tiếc là tư liệu quá ít không biết mấy nghìn mũ mà hoàng đế Đại Hành cho làm có được gắn móng rồng hay không?

Thực ra, vấn đề mấu chốt cần được giải mã ở đây là rồng, một loại linh thú không có thật. Vậy móng rồng được gắn trên mũ đâu mâu là gì, hoặc tượng trưng là gì, nhưng chắc chắn là một loại hình linh thiêng theo quan niệm thời bấy giờ. Tuy nhiên, đến thời nhà Lý (1010 - 1225) đã xuất hiện bằng hình thức là một loại hoa có tên là cúc Móng Rồng trên mũ tượng Hộ pháp ở chùa Long Đọi, rồi tiếp đến là trên mũ tượng Hộ pháp ở thời Lê sơ (đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), và đến thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn thì cúc Móng Rồng đã phủ kín trên hệ thống mũ miện của triều đình.

Về cúc Móng Rồng, quả là không thể xác định được cái tên Móng Rồng được con người đặt cho loại hoa cúc này có từ bao giờ, chỉ biết rằng với đặc điểm của hoa là các cánh nhỏ, dài, ở đầu cánh cong quặp như hình tượng của móng rồng được con người tạo ra. Ngoài ra còn được biết hình ảnh của hoa cúc đã xuất hiện trong mỹ thuật cổ ở các thế kỷ trước công nguyên, như ở các nền văn minh cổ đại Lưỡng Hà, Ai Cập, Đông Sơn của Việt Nam. Nhìn chung, khi mà loại thực vật này được gán ghép với rồng cũng đã chỉ ra rằng: Cúc là một loại hoa thiêng có liên quan với rồng.

Như vậy, từ móng rùa làm lẫy nỏ chuyển qua móng rồng gài trên mũ, và cuối cùng là cúc Móng Rồng gắn trên mũ. Diễn biến này rất có thể là sự tiếp nối, kế thừa từ nhà nước Âu Lạc cho đến hết vương triều Nguyễn, mà điểm xuất phát được bắt nguồn từ công cuộc chống giặc ngoại xâm lừng lẫy của nước ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.