Antony là cầu thủ Brazil thứ 100 xuất hiện ở Premier League, và là cầu thủ Brazil trẻ nhất xưa nay (22 tuổi, 192 ngày) ghi bàn ngay trong trận ra mắt ở giải đấu này. Ngay cả Cristiano Ronaldo bên ngoài cũng phải đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Ở khu giữa sân, Christian Eriksen phối hợp tuyệt vời với Bruno Fernandes, tham gia vào cả ba pha bóng dẫn đến bàn thắng cho M.U. Hàng thủ thì vẫn như các trận trước: chắc chắn, nhất là ở cặp trung vệ, và là giá trị nền tảng trong cuộc hồi sinh của M.U. Nhưng, điều quan trọng nhất giúp M.U thắng đội đầu bảng Arsenal 3-1, cũng là thách thức khó nhất đối với HLV Erik Ten Hag, để ông có thể biến M.U thành một thế lực thật sự đáng gờm như xưa, là phong độ của Marcus Rashford nói riêng cũng như sức mạnh của hàng tiền đạo nói chung.
Hàng thủ tốt chỉ bảo đảm cho sự ổn định. Tiền vệ giỏi chỉ là vấn đề lối chơi. Còn muốn chiến thắng, gặt hái kết quả cụ thể, dứt khoát phải có sức ghi bàn. Đây có lẽ là cái “được” lớn nhất mà M.U của Ten Hag vừa thể hiện.
Rashford (phải) lập cú đúp trong chiến thắng 3-1 của M.U trước Arsenal |
AFP |
Rashford kiến tạo cơ hội cho Antony trong bàn mở tỷ số, rồi ghi 2 bàn đem về chiến thắng sau khi Bukayo Saka gỡ hòa cho Arsenal. Ở các trận trước, anh cũng đã ghi bàn vào lưới Liverpool hoặc chuyền thành bàn trước Leicester. Khoảng 2 - 3 năm nay, hiếm khi Rashford vừa có phong độ xuất sắc, vừa tỏ rõ sự tự tin như trong trận này. Rashford có thể giải thích, rằng bản thân anh cũng hiếm khi “miễn nhiễm” với tình trạng chấn thương trong vài năm qua. Nhưng ở đây, cách dụng quân của Ten Hag là đáng chú ý hơn. Một mặt, giới thạo tin cho biết HLV này quản lý ngôi sao khá hay, rất biết cách chấn chỉnh, trấn an hoặc động viên những cá nhân quan trọng. Mặt khác, rõ ràng là hàng công M.U chơi thoáng hẳn, đặc biệt trong các pha phản công, với khoảng trống lớn để Rashford tự do di chuyển. Tình trạng này xuất hiện sau khi Ten Hag đưa Cristiano Ronaldo vào thay Antony ở phút 58.
Cũng liên quan cách dùng người, Ten Hag còn thành công với việc đưa Fred vào thay Jadon Sancho, ngay khi M.U vừa dẫn 2-1. Để bảo toàn chiến thắng, M.U thủ nhiều hơn công. Ưu điểm rõ ràng nhất của Fred là “tính chiến đấu” ở khu giữa sân được phát huy. Cơ hội phản công cũng xuất hiện nhiều hơn cho M.U nhờ Fred luôn tích cực pressing khiến đối phương mất bóng.
Từ vị trí chót bảng sau 2 vòng đầu, M.U giờ đã thắng liền 4 trận, nhanh chóng vươn lên, chỉ còn kém 3 điểm so với vị trí đầu bảng. “Bại tướng” của họ ở hai trong bốn trận vừa qua là Liverpool và Arsenal. Nhưng HLV Ten Hag thừa nhận: vẫn còn khoảng cách để M.U san lấp trước các đội mạnh thật sự. Đây chưa bao giờ là một M.U hoàn hảo.
Làm sao để M.U ổn định những gì họ vừa thể hiện trong 4 vòng đấu vừa qua là điều còn phải chờ xem trong khoảng thời gian sắp tới. Một trong những chi tiết mấu chốt là khâu phối hợp giữa Eriksen và Fernandes ở khu giữa sân. Cần lưu ý: Eriksen từng đá trung phong trong trận đầu tiên. Có nghĩa Ten Hag vẫn đang thử nghiệm các phương án khác nhau đối với tiền vệ này, hoặc dù ông đã xác định được một công thức, thì đây cũng chỉ mới là thành công bước đầu, còn chờ kiểm chứng. Dưới hàng thủ, hậu vệ trái Tyrell Malacia sau khi chiếm chỗ trong đội hình chính và chơi rất hay trước Trent Alexander-Arnold và Mohamed Salah (Liverpool), thì giờ lại khá vất vả trước Bukayo Saka của Arsenal. Bài học rút ra: Premier League có thể không dễ như Malacia tưởng!
Cuối cùng, M.U thắng Arsenal 3-1 trong hoàn cảnh họ chơi trên sân nhà mà “tỷ số” sút bóng chỉ là 13 - 17; tỷ lệ giữ bóng là 29,5% - 70,5%; và tỷ lệ chuyền chính xác là 66% - 84%. Đội chủ sân Old Trafford thắng bằng đòn phản công và thắng nhờ hơn hẳn về hiệu quả. Giới hâm mộ có thể băn khoăn: “đường dài” sẽ như thế nào, khi triết lý của Ten Hag (đến từ Ajax Amsterdam) là giữ bóng, chơi bóng từ hàng thủ và luôn nắm thế chủ động?
Bình luận (0)