Mù mờ chuyện thủy điện tự 'thỏa thuận đền bù'

28/09/2018 07:20 GMT+7

Có đất sản xuất bị ảnh hưởng khi dự án thủy điện Sông Tranh 3 (Quảng Nam) triển khai, hàng chục hộ dân tỏ ra bức xúc trước khâu áp giá đền bù còn mù mờ, chưa thỏa đáng.

Ký "hợp đồng" để nhận tiền
Họ không cho xem giấy tờ và “bắt” ký cả đống giấy luôn. Phía thủy điện còn dọa không lấy tiền thì nhà nước sẽ... thu hồi lại đất (?!)
Anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ thôn 5, xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My, Quảng Nam)
Gia đình ông Lê Quang Hiền (49 tuổi, ở thôn 5, xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) có hơn 8,3 ha đất canh tác hợp pháp được chính quyền địa phương công nhận, nhưng chỉ được áp giá đền bù 3 ha với hơn 2 tỉ đồng (kể cả tài sản trên đất) liên quan đến dự án thủy điện Sông Tranh 3. Ông Hiền cho biết, khi nhận tiền, phía Công ty thủy điện Sông Tranh 3 đề nghị ông ký vào “hợp đồng mua bán và chuyển nhượng các thửa đất cùng tài sản trên đất”.
Theo “hợp đồng” này, ông Hiền sẽ phải bàn giao đất và tài sản trên đất cho bên mua là một người khác, như cách đã áp dụng đối với 50 hộ đồng bào thiểu số khác. “Chủ đầu tư hợp thức hóa việc thỏa thuận đền bù này bằng hình thức cho cá nhân đứng tên, thực hiện việc chuyển nhượng, mua lại đất dự án với giá thấp hơn gấp nhiều lần so với giá trị thật”, ông Hiền bức xúc.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (38 tuổi, ở thôn 5) cũng có gần 3,5 ha đất bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3, được đền bù 450 triệu đồng. “Họ không cho xem giấy tờ và “bắt” ký cả đống giấy luôn. Phía thủy điện còn dọa không lấy tiền thì nhà nước sẽ... thu hồi lại đất (?!)”, anh Tiến bức xúc.
Theo tìm hiểu, không chỉ hàng chục hộ dân ở H.Bắc Trà My mà nhiều trường hợp khác cũng bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 ở H.Hiệp Đức, H.Tiên Phước “được” đền bù tương tự.
Chính quyền không hay biết ?
Trong khi đó, ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, cho biết việc chi trả do phía thủy điện Sông Tranh 3 tự đi thỏa thuận, tự làm chứ không thông qua xã. Mới đây, xã chỉ biết có 65 hộ dân ở địa phương bị ảnh hưởng, trong đó còn 1 hộ chưa được nhận tiền đền bù.
“Khi thỏa thuận chi tiền cho người dân, về nguyên tắc họ phải làm việc với huyện, xã rồi sau đó cung cấp danh sách bao nhiêu hộ ảnh hưởng, số tiền chi trả như thế nào. Ở đây người ta tự đi thực hiện, nên xã không nắm”, ông Lợi nói.
Ông Nguyễn Nhuần, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, cũng khẳng định “không biết chủ trương ở đâu”, mà phía thủy điện Sông Tranh 3 tự đi làm việc rồi thỏa thuận, thanh toán đền bù trực tiếp cho từng hộ dân mà không thông qua chính quyền địa phương. Theo ông Nhuần, việc công ty thủy điện thỏa thuận đền bù cho người dân là không đúng theo quy định của pháp luật, vì khi đền bù hỗ trợ phải dựa trên cơ sở phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam), cho biết theo quyết định phê duyệt năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Nam, tại H.Bắc Trà My có 56 hộ, H.Tiên Phước có 63 hộ và 1 tổ chức có đất bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Sông Tranh 3. Đến năm 2013, khi chủ đầu tư chi trả đền bù cho 51 hộ và 1 tổ chức tại H.Tiên Phước thì dự án tạm dừng. Năm 2016, dự án được khởi động lại, chủ đầu tư tiếp tục tiến hành chi trả bồi thường thì gặp vướng mắc do các hộ phản ứng về mức giá.
“Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh một công văn yêu cầu chủ đầu tư chi trả theo giá trị được phê duyệt trước năm 2009, tuy nhiên tự cân đối nguồn ngân sách riêng của công ty để tự hỗ trợ cho phù hợp, không phát sinh những vấn đề khởi kiện”, ông Thiện nói về nguyên do “thỏa thuận đền bù” của thủy điện Sông Tranh 3.
Hôm qua 27.9, PV Thanh Niên nhiều lần liên lạc với ông Lê Huy Tiệp, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Tranh 3, để làm rõ thông tin về chuyện người dân bị "dọa" thu hồi đất, về phản ứng của địa phương khi chủ đầu tư thỏa thuận đền bù riêng... Tuy nhiên, ông Tiệp đã không nghe điện thoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.