Mũ trùm đầu chống chụp lén

14/09/2012 09:36 GMT+7

Một nghệ sĩ người Đức đã tạo ra mũ trùm đầu khiến camera giám sát phải “bối rối” trong bối cảnh các thiết bị theo dõi ngày càng phổ biến ở nước này

Sự ra đời của chiếc mũ trùm đầu này đã dấy lên cuộc tranh luận về sự riêng tư.

Thời trang hiện đại

Ông Martin Backes, một nghệ sĩ trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số, hào hứng tuyên bố đã thiết kế thành công “vật ngụy trang kỹ thuật số trong thời đại internet” và là giải pháp cho những ai “phát ốm vì hình ảnh bị đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook hay lo lắng về chuyện bị theo dõi bởi dịch vụ Street View (khung cảnh đường phố) của Google”.

Chiếc mũ trùm đầu Pixelhead được làm từ loại vải co dãn, chỉ để lộ hai mắt, miệng của người đội; phần bị che khuất khiến người ta nghĩ đến hình ảnh bị bể pixel (điểm ảnh). Đó là ý đồ của nhà thiết kế vì ông muốn “con người nhận thức được mọi hành xử trên mạng”. Theo nhận xét của ông Backes, mũ trùm đầu này không chỉ giúp che giấu khuôn mặt của người đeo một cách đơn thuần mà còn là kiểu ngụy trang rất hợp mốt.

Để tạo ra mũ trùm đầu, ông Backes đã mượn khuôn mặt của Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich, người chịu trách nhiệm quản lý một lượng lớn camera an ninh ở nước này. Ông Backes cho biết từng ao ước có được một chiếc mũ trùm đầu như vậy vì quá mệt mỏi trước sự theo dõi của các dịch vụ mạng như Street View của Google hay hệ thống camera an ninh.

Đến nay, nghệ sĩ này nhận được hơn 100 đơn đặt hàng qua email và đã làm ra 333 chiếc mũ trùm đầu. Tất cả chúng đều làm thủ công, có kích thước 34 x 26 cm với giá bán 150 euro/chiếc. Chiếc mũ trùm đầu đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong một cuộc triển lãm ở Berlin hồi đầu tháng 9. Theo website tin tức The Local của Đức, ông Backes, 34 tuổi, sinh trưởng ở bang Bavaria, sau đó chuyển đến thủ đô Berlin để theo học tại một trường nghệ thuật.

Tuyên ngôn về sự riêng tư

Pixelhead có thể được xem là sự phản ứng trước thuật ngữ “bước đi tức là lộ diện” thường được nhiều nghệ sĩ nói đến, nghĩa là bất cứ hành động nào của bất kỳ ai đều có thể bị camera “chộp lấy”. “Tôi chỉ cố gắng nghĩ ra cách thức tốt nhất để truyền tải thông điệp này. Thông điệp đó không mang tính giáo dục mà chỉ là tuyên ngôn về sự riêng tư” - ông Backes nói. Nhiều người cho rằng mũ trùm đầu này thật quái dị, song ông Backes lên tiếng phản bác nhận xét đó ngay tức thì.

Theo nghệ sĩ này, có lẽ điều không giống ai chính là việc các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… làm thay đổi nhận thức về sự riêng tư của con người. “Nặc danh ngày càng khó khi ngày càng xuất hiện nhiều loại thiết bị giám sát như điện thoại thông minh hay internet. Mặc dù thế hệ điện thoại này và internet rất tuyệt vời nhưng con người cần nhận biết nhược điểm của chúng”.

Những người phản đối cho rằng Pixelhead sẽ giúp bọn tội phạm khó bị phát hiện. “Camera an ninh được lắp đặt vì sự an toàn của người dân. Không có lý do gì mà người dân phải che giấu mặt của mình nếu bản thân không làm điều sai trái” - một người nhận định.

Yêu cầu bảo mật trên internet

Vấn đề bảo mật trên internet được nhiều người quan tâm, nhất là sau khi Facebook công bố tính năng tự động nhận dạng người sử dụng trong hình ảnh chia sẻ trên trang mạng xã hội này. Trước đây, nhiều người đã lên tiếng phản đối dự án INDECT của Liên hiệp châu u, dùng công nghệ giám sát để theo dõi thông tin cá nhân từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có mạng xã hội, với mong muốn sớm phát hiện những mối đe dọa.

Theo Gia Hòa \ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.