Tôi tích cóp được ít tiền, muốn mua vàng để tích trữ đề phòng lạm phát. Vừa qua tôi thấy báo chí thông tin có 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bắt đầu bán vàng giá bình ổn trực tiếp cho người dân. Vậy tôi mua bán vàng miếng ở những nơi khác thì có bị xử phạt hành chính không? Pháp luật quy định sao về việc mua bán vàng?
Bạn đọc Võ Phong.
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Bảo Anh (Trưởng văn phòng luật sư Bảo Anh) tư vấn, theo khoản 2 điều 3 Nghị định 24 năm 2012 của Chính Phủ quy định, vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất, hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Tại điều 10 Nghị định 24, thì chỉ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng mới được phép thực hiện hoạt động mua, bán vàng miếng với các tổ chức, cá nhân.
Do đó, chỉ có các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng (ngân hàng) được cấp giấy phép kinh doanh thì mới được phép mua, bán vàng miếng. Đồng thời các cá nhân, tổ chức mua, bán vàng miếng tại các địa điểm không có giấy phép kinh doanh cũng sẽ bị xử phạt theo điều 24 Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ.
Agribank bán vàng trực tuyến từ 17.6
Cụ thể, việc người dân mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị phạt cảnh cáo. Trong trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Riêng đối với tổ chức ngoài bị xử phạt cảnh cáo, nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.
Căn cứ khoản 8 điều 24 Nghị định 88 năm 2019, trường hợp doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh mua bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh vàng miếng thì có thể bị xử phạt từ 300 - 400 triệu đồng, và bị phạt bổ sung là tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm.
Bình luận (0)