Biển Đông sắp đón áp thấp nhiệt đới
Sáng sớm 15.9, tại TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ xuất hiện nhiều đợt mưa giông. Tại TP.HCM, có lúc trời giảm mây, nắng nhẹ nhưng gió vẫn xuất hiện thường xuyên với cường độ mạnh khiến nhiều hộ dân sống ở các tòa nhà cao tầng lo lắng, người đi đường cảm thấy bất an. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tính đến 15 giờ ngày 15.9, lượng mưa đo được trong 24 giờ ở TP.Thủ Đức là 45 mm, Hóc Môn (TP.HCM) là 64,2 mm, Cái Nước và U Minh (Cà Mau) lần lượt là 54,2 và 51,4 mm, An Minh (Kiên Giang) là 84 mm… Ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to và giông với lượng mưa phổ biến 40 - 80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật: Dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14 - 17 độ vĩ bắc nối với một áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi phía đông của Philippines; kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh đang gây mưa rào và giông ở khu vực giữa và nam Biển Đông bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan. Mưa giông, lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 9. Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía tây của Nam bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.
[CẬP NHẬT] Bão số 4 dự báo sẽ giật cấp 10, vẫn rất phức tạp
ThS Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Thông thường, mùa mưa ở Nam bộ do ảnh hưởng của gió mùa tây nam cường độ trung bình và kiểu thời tiết đặc trưng là sáng nắng chiều mưa, cục bộ có mưa to. Như ngày 15.9, mưa giông xuất hiện từ sáng sớm và tối hôm trước có cả mưa đêm, nguyên nhân là do xuất hiện tổ hợp của gió mùa tây nam mạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới. Hiện tại, dải hội tụ nhiệt đới này đang có xu hướng mạnh lên và theo mô hình dự báo của Nhật Bản sẽ xuất hiện 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); một trên vùng biển phía đông của Philippines (ATNĐ-1) và một ở ngoài khơi phía đông Philippines (ATNĐ-2). Chúng sẽ tạo thành hiện tượng bão đôi khiến thời tiết trong những ngày tới trên vùng biển phía tây bắc Thái Bình Dương rất phức tạp.
Đối với ATNĐ-1, khả năng sẽ vào Biển Đông khoảng ngày 18 - 19.9 và có thể phát triển thành bão số 4 theo mô hình dự báo của Mỹ. Khoảng ngày 22.9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thành khu vực miền Trung. Còn ATNĐ-2 sẽ áp sát vùng biển Philippines và đi dọc đảo Luzon.
"Thời tiết đang diễn biến phức tạp và chúng ta cần tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến trên và đặc biệt đề cao tinh thần cảnh giác, nhất là với ngư dân, phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển. Hiện tại, miền Trung đang bước vào mùa mưa, với khả năng thời tiết đang chuyển sang trạng thái La Nina thì tình hình mưa bão sắp tới sẽ còn nhiều bất ngờ thậm chí nghiêm trọng tương đương như mùa mưa bão năm 1999 - 2000. Người dân nên chủ động và đề cao tinh thần chuẩn bị ứng phó với các tình huống nguy hiểm, bất ngờ", bà Lan khuyến cáo.
Vụ sạt lở vùi lấp xe khách ở Cao Bằng: Còn 5 người đang mất tích
Nam bộ triều cường gây ngập nhiều nơi
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) vừa phát đi bản tin cảnh báo về nguy cơ mưa lũ kết hợp triều cường ở Nam bộ. Do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) khiến mực nước lũ sông Mê Kông ở Lào và Thái Lan đang lên nhanh. Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước có xu hướng tăng trong 1 - 2 tuần tới. Do lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường cao và lượng mưa lớn gây ngập cho các khu vực vùng giữa và ven biển ĐBSCL, mực nước nhiều nơi có khả năng vượt báo động 3. Từ nay đến cuối năm 2024, Nam bộ có 6 đợt triều cường và đợt gần nhất xảy ra từ ngày 19 - 22.9. Mực nước lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05 - 2,15 m cao hơn báo động 3 từ 0,05 - 0,15 m. Đỉnh lũ tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 1,95 - 2,05 m cao hơn báo động 3 là 0,15 - 0,25 m. Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể lên cao hơn so với nhận định ở trên từ 5 - 10 cm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong giai đoạn từ tháng 10 - 12 có khả năng xuất hiện La Nina với xác suất 60 - 70%. Vì thế, số lượng bão và bao gồm cả ATNĐ trên Biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình các năm (trung bình nhiều năm là 4,5 cơn); số bão đổ bộ vào đất liền nước ta khoảng 2 cơn. Khoảng thời gian này cũng là giai đoạn mùa mưa ở khu vực miền Trung và cao điểm tập trung vào tháng 10 - 11. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Trị, tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm cao hơn trung bình nhiều năm 10 - 15 mm, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 500 mm, cao hơn trung bình nhiều năm 30 - 60 mm.
Những nơi có nguy cơ ngập cao vì lũ và triều cường
Theo SIWRP, những nơi có nguy cơ ngập cao gồm TP.Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, các huyện ven sông và giữa 2 sông Tiền và sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp, các khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang, các huyện Phước Long, Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu, TX.Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng, các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và một số khu vực trên địa bàn vùng đầu nguồn ĐBSCL như TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.
La Nina ảnh hưởng thế nào đến thời tiết nước ta ?
La Nina có khả năng kéo dài đến tháng 3.2025, khiến thời tiết diễn biến phức tạp đặc biệt là không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 1 - 2.2025 gây nên hiện tượng rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 - 12, hiện tượng rét đậm có thể xuất hiện ở Bắc bộ từ nửa cuối tháng 12.
Mùa mưa ở Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ có thể kết thúc vào nửa cuối tháng 12.2024, muộn hơn so với bình thường.
Đáng chú ý, từ nửa cuối tháng 9 đến đầu tháng 12, khu vực Nam bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường. Đợt đầu tiên xuất hiện từ 18 - 22.9, gây ngập úng ở nhiều vùng trũng thấp trên khu vực Nam bộ. Cần lưu ý tình trạng mưa lớn kết hợp triều cường cao gây ngập ở các đô thị lớn.
Bình luận (0)