‘Mùa biến ảo’ - Lặng nghe tiếng của những mảnh chữ va chạm

30/05/2021 14:00 GMT+7

Tập thơ Mùa biến ảo của tác giả Nguyễn Quang Hưng (NXB Hội Nhà văn, 2021) với bìa được thiết kế có nền là những trang bản thảo thật thú vị. Chỉ riêng những chữ viết tay đó, mà tôi mặc định là của chính tác giả, cũng đã rất thơ rồi.

Mỗi một chữ người thơ này viết ra, thật đáng trân trọng. Tôi chú ý đến tên tuổi Nguyễn Quang Hưng, từ hồi anh được giải Nhì cuộc thi thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2015-2016. Còn trước đó, chúng tôi ở cùng Ban văn trẻ với nhau, từng cùng đi thực tế, và ấn tượng của tôi với Hưng khi ấy, chỉ là một người có vẻ hiền, ít nói, lẳng lặng đi, lẳng lặng viết. Theo kinh nghiệm của tôi, người ít ồn ào nhất lại hay làm ta sửng sốt nhất với hiệu quả làm việc hoặc sức sáng tạo. Khi biết anh được giải cao trong một cuộc thi thơ uy tín, đọc thơ anh cùng những bài bình luận, tôi càng khẳng định những cảm nhận của mình về anh ngay lúc ban đầu là đúng. Cho đến nay, Nguyễn Quang Hưng đã xuất bản 12 tập thơ, có trong tay 4 giải thưởng thơ, và Mùa biến ảo là tập mới nhất của anh.
Với tập thơ Mùa biến ảo, tôi khá kỳ vọng vào sự đổi mới không chỉ của chính anh, mà còn cho lứa làm thơ 8X nữa, cho tất cả bạn đọc yêu thơ. Quả nhiên, trong tập thơ này, Nguyễn Quang Hưng không còn bị trói buộc bởi vần điệu ỉ ôi. Anh để mặc cho dòng chảy thơ tự nhiên, khi ào ạt, khi lững lờ, khi khắc khoải ngập ngừng, khi nghẹn ứ dồn nén. Chúng tự do như gió, như nước, như ánh nắng, như mây trời ngoài kia, tưởng như thế cả triệu năm, nhưng lại mới và bất ngờ mỗi thời khắc.
Điều khiến tôi chú ý ở vẻ ngoài, đó là những chữ được lặp lại cố ý trong các câu thơ. Chúng có thể là hai từ riêng biệt, cố tình đứng cạnh nhau để tạo nên va chạm âm thanh khiến ta chú ý, nhưng chúng cũng có thể là từ láy toàn bộ nhằm mang đến một cảm giác, hoặc nghĩa mới. Có lẽ đây là cách mà tác giả tạo nên một biến ảo mới cho chữ thơ.
Chắc ai đó cũng phải nghe tiếng mình kêu yếu yếu/ Thật thật thô thô những chục năm trầy tay cơm nước nuôi con/Thằng bé ôm hình phố đằng đẵng các nhà ở chung chật chật đi trong văng vắng thị xã quê quê/Như dính da thịt vào gạch ngói cũ rêu rêu khói cổ thụ/ Phố đông đông ùn lên chật dần/ Đầu ngày chậm chậm đến nhanh thế/ Vệt vệt vệt Vu Lan sập đến/ Thấm rùng mình cả đêm qua lạnh lạnh/ Vệt nước mắt bố nhảy tâng tâng
Khi gặp những câu thơ có chữ lặp lại/ láy toàn bộ như thế, tôi thường dừng lại vì có cảm giác thật thú vị. Tôi nhắm mắt lại và để âm thanh của chữ vang lên trong tâm trí, và tưởng tượng ra những ngữ cảnh cùng cảm xúc mà chúng gợi lên, rất rõ nét. Nó giống như một trò chơi của đứa bé con, cầm những mảnh gỗ nhỏ, đập vào nhau lúc nhẹ lúc mạnh và lắng nghe tiếng vang thay đổi.
Ngoài hình thức thu hút sự chú ý đó của tôi, thì một cảm nhận rõ ràng trong tập thơ này, đó là từng câu thơ không hề dễ đọc, không xuôi chiều suôn sẻ trong thanh âm lúc đọc lên, mà chúng mắc níu ta lại, bắt ta phải đọc thật chậm rãi, rồi từ từ cảm nhận, tìm ra dòng chảy xuyên suốt trong sự gập ghềnh của suy tưởng và bộn bề sự việc, hình ảnh, biến cố ở từng câu, từng khổ thơ, từng bài thơ. Lúc đó như ta đã có thể nhập vào hồn thơ này, để đi cùng anh, nhìn cùng sự việc, cùng trăn trở nghĩ suy, dằn vặt, tự vấn, tự giải đáp và giải thoát.
Một người thơ đi nhiều, ngẫm ngợi nhiều và anh trải tất cả những vấn đề nóng của thời đại, của con người, đất nước trong từng câu thơ mình. Năm 2020, năm anh bước vào tuổi 40, cái tuổi mà anh thấy rõ rằng: “Người ta bảo bốn mươi tuổi không gì lạ nữa”, nhưng trước đại dịch Covid-19 leo thang, và thiên tai bão lụt nghiêm trọng tại khúc ruột miền Trung, thì Nguyễn Quang Hưng lại thảng thốt:
Ngay trong khoảnh khắc hào hứng truy diệt nhất/ Kẻ giả chạy tung chiêu đà dao/ Hay từ lúc nào bệnh dịch giả làm ai trong chúng ta/ Bí mật trộn thấm chuyển màu máu chảy về phổi/ Hay lúc nào người đã đội lốt người/ Truyền vi khuẩn chủng mới hình vương miện/ Khiến ai nấy nghĩ mình là người duy nhất được quyền quan trọng?/ Hay chính chúng ta đã đeo mặt nạ mình/ Trong cuộc tự thân gây chiến với bản thân tiến dần đến tàn lụi?
Cho đến khi không phải tôi bị chúng đuổi đi/ Mà chính tôi đã hóa thành con vi khuẩn lớn!
Những dòng thơ ấy, không chỉ là lời than thảng thốt của một người thơ bước vào tuổi quan trọng của đời mình, lại chứng kiến những biến cố của nhân loại, của thời đại, còn là lời cảnh tỉnh, khiến độc giả phải dừng lại, suy ngẫm và tự vấn về lẽ sống, về hậu quả chúng ta để lại từ cách sống của mình, về trách nhiệm đổi thay, sửa chữa.
Cứ như vậy, trong 5 phần của tập thơ (Chuyển hóa gián điệp, Gương nước những mặt người, Vọng gió, Dấu sáng truyền đời, Hoa phòng viết), người đọc được trải nghiệm, đồng thời bị truy vấn trước những điều trong cuộc sống mà nhà thơ đặt ra, từ tình yêu với quê hương, tình cảm của con với mẹ, sự nuối tiếc người cha đã đi xa qua từng hoài niệm căng nhức, tới mối quan hệ nhân sinh trong công việc, tôn giáo, cộng đồng, với tự nhiên… Tập thơ Mùa biến ảo của Nguyễn Quang Hưng nặng suy tưởng từ thực tế đầy biến cố, biến ảo trong xã hội và tự nhiên đã góp phần thức tỉnh mỗi chúng ta về trách nhiệm làm người trong mỗi giây phút sống của chính mình, để đừng biến mất tăm tích trong sự lụi tàn chung này.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.