Mùa chơi ở Hoàng Su Phì: Thăm lúa trổ vàng, uống trà cổ thụ

27/09/2019 20:05 GMT+7

Khi những nương lúa trổ vàng trên thửa ruộng thang cũng là lúc những cây trà shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi vào mùa đơm hoa, du khách phương xa lại về Hoàng Su Phì trải nghiệm mùa chơi... tới bến.

Từ miền xuôi lên mạn ngược Hà Giang, vào được Hoàng Su Phì, khách thuộc dạng lì đòn lắm thì nín khe, ngậm ngùi thở dốc, non tơ yếu đuối hơn thì thất thần, ba hồn bảy vía phiêu diêu đâu mất. Hoàng Su Phì bao giờ cũng đón tiếp người dưới xuôi với thái độ... vô duyên như thế.
Cũng phải, là cái xứ miền núi chốn thâm sơn, sở hữu món “cua” đặc sản thuộc vào hàng bậc tổ của cả nước.
Chưa kịp diện kiến danh thắng của ruộng thang, chưa kịp làm quen với văn hóa bản địa của người Dao đỏ, chưa chạm mặt rừng trà cổ thụ trăm năm tuổi... đã phải ăn món “cua” trứ danh - chính là những khúc quanh lật mặt nơi cung đường đèo dốc, hiểm trở.

Thăm lúa

Tháng 9 ở miền cao Hà Giang, đích thị là mùa đẹp, siêu đẹp nữa là khác. Bởi khi ấy, những thửa ruộng thang trổ vàng, vẽ lên núi đồi một miền tiên cảnh hư thực đầy ảo diệu.
Một chuyến đi thăm lúa, luôn là hành trình được khách xuôi kỳ vọng, háo hức nhập cuộc, và cũng để gỡ gạc, mong phục hồi sớm sau màn thưởng thức đặc sản đầy nôn nao trên cung đường... “cua” núi.
Ruộng thang ở Hà Giang nhiều vô khối, ngút ngàn trên non cao từ Chiêu Lầu Thi qua Tây Côn Lĩnh. Mỗi chốn mỗi dị biệt, Bản Phùng - Bản Luốc thì nên thơ, ngút ngàn có Thông Nguyên, Nậm Ty, quyến rũ có Tả Sử Chóng, Hồ Thầu... chỉ đơn giản là ruộng lúa, nhưng ẩn trong đó là vẻ đẹp khác lạ.
 
 Nhảy lửa
Chuyến làm khách trong bản người Dao đỏ ở Hồ Thầu, dưới chân đỉnh Chiêu Lầu Thi, đúng dịp cộng đồng của làng đang rộn ràng chuẩn bị cho lễ nhảy lửa chúc phúc, cầu bình an.
Mặt trời khuất núi, đống củi to được đám trai làng sắp xếp ngay góc sân rộng, lên lửa, ngay cạnh đó là vị thầy cúng uy nghiêm, đứng trước mâm cúng đơn sơ với gà, chén rượu, nén hương, túi gạo nhỏ, và xấp tiền giấy được làm từ rơm rạ, bắt đầu khấn vái, xin thần linh giá ngự.
Mất hơn một giờ rì rầm khấn nguyện, thầy cúng liên tục gieo quẻ, gồm hai thanh tre đấu vào nhau, gieo xuống đất xin phép sự đồng thuận của thần, của tổ tiên về dự lễ.
Đống lửa cháy tàn củi, chỉ còn than, văn cúng kết thúc cũng là lúc âm thanh từ mõ tre, chiêng, xập xõa, hòa cùng nhịp trống mang âm điệu dồn dập, tăng dần.
Đám trai làng tham gia nhảy lửa ngồi trên bộ ghế ngựa đặt cạnh mâm cúng, chân tay đu đưa, mắt nhắm tịt. Trống càng dồn dập, cơ thể những người nhảy lửa như bị ma nhập, rung lắc dữ dội, và vụt một người mang bước nhảy giống động tác muông thú tự nhiên phóng ra khoảng sân, thi triển vài đường nhào lộn rồi bất thần lao vào đống lửa, tung tóe than hồng lên không trung.
Người xem nín thở, hồi hộp, xen trong đó chút ít sợ hãi khi diện kiến những chàng trai Dao đỏ đùa với lửa mà chẳng hề hấn gì.

Hái trà

Hoàng Su Phì mùa thu, còn có những gốc trà shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi vào vụ. Hà Giang có diện tích trà shan lớn nhất cả nước với hơn 20.600 ha. Hoàng Su Phì lại là địa bàn sở hữu trà cổ thụ nhiều nhất Hà Giang với hơn 4.500 ha, là cây trồng tạo thu nhập chính sau cây lúa.
Ở Hoàng Su Phì, quanh co núi đồi, đâu cũng thấy trà shan tuyết cổ thụ, ngay cả trên nương lúa cũng hiện hữu cây trà.
Gốc trà cổ thụ lâu năm nhất của Hoàng Su Phì hiện ở Nậm Piên, khoa học xác định hơn 600 năm tuổi, được tôn vinh là cây di sản. Phải qua một chuyến hành xác, với đủ các phương tiện, từ bốn bánh, qua hai bánh, đến cuốc bộ mới có cửa chạm mặt gốc trà tổ thân to ba người ôm ở Nậm Piên.
Vụ trà mùa thu 2019 là lần đầu tiên Hoàng Su Phì tiếp đón 15 chuyên gia và các nhà nghiên cứu trà đẳng cấp thế giới về tham dự, đồng giám khảo cho cuộc thi Vua pha trà VN 2019 với 25 thí sinh VN tham gia, nhằm tuyển chọn người xứng đáng đại diện VN tham dự cuộc thi Vua pha trà thế giới 2020 diễn ra tại Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.