Múa cùng lục bát

01/01/2017 07:38 GMT+7

Lục bát là thể thơ không có tuổi. Lục bát ngắn hay dài? Điều đó là tùy duyên. Duyên ấy là cái đẹp của lục bát, là lượng bao dung của lục bát.

Lục bát còn là tình. Câu lục bát trông như đôi tình nhân: nàng cao thước sáu còn chàng cao thước tám. Yêu vận: họ ôm nhau nơi eo lưng mà dạo chơi. Lục bát có thể cười, lục bát có thể khóc. Có thể lả lướt thướt tha. Có thể khúc kha khúc khuỷu. Có thể bình lặng mặt hồ. Có thể sóng cuồng giông tố. Có thể tỉnh tỉnh, có thể điên điên. Có thể nằm dài. Có thể nhảy múa.
Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh. Trong tập thơ Lục bát múa, ngôn từ muốn làm ngọn gió, bay theo một vòng tròn, ra đi rồi lại trở về trên tụ điểm quen thuộc, thân thiết. Cứ thế, ngọn gió ấy tự nhân mình lên, tự là nhân duyên cho mình.
Ở đây, viết như là tự động, viết như là tự múa:
sương run run cỏ run run luân hồi ngọn cỏ trùng trùng nhân duyên
Ở đấy, “cởi” và “mặc” là động tác múa của thời gian:
trời mây chải chuốt điệu đà
cởi đi mặc lại, giặt là thiên thu
Như vậy, thiên thu được cởi, được mặc, được giặt, được là trong cuộc làm đẹp, cuộc chơi của trời mây. Như vậy, cái thiên thu là cái bao giờ cũng cũ và bao giờ cũng mới. Nó là nó nhưng cũng có thể làm cho khác đi. Cũng như một cô gái, cởi và mặc là hai thời khác nhau, đi và múa là hai thời khác nhau.
Và cái khác đó, trong điệu luân vũ của lục bát ở đây lại trở về với cái giống nhau:
ai là kiếp trước của ai
giống nhau chiếc bóng đổ dài từ chân
bóng người đổ xuống từ chân
nhấc lên có thấy bần thần kiếp sau
Cũng như ta là ta mà cũng là kẻ khác, ta là kiếp này mà cũng là kiếp khác. Đó chỉ là những chiếc bóng trong một điệu luân vũ. Hãy múa, đừng để chiếc bóng bất động và đừng đóng đinh chiếc bóng vào một thân phận. Hãy múa, để có một cái bóng trong nắng? Và để có một hạt nắng? Thì cần cả tam thiên thế giới chứ sao!
em vén làn gió lên mai
tam thiên bừng hạt nắng cài tóc mây
Ai có thể vén một làn gió lên “mai”? Và “mai” là gì - tóc mai? Ban mai? Ngày mai? Đó cũng là điệu múa của ngôn từ.
Hay là ngọn gió của ngôn từ. Gió không chỉ bay. Mà nó thổi bay nhiều thứ khác trên đời.
người đi bỏ lại bầu trời
ai đem kim chỉ khâu lời gió bay
mũi nào đau nhói đêm nay
chẻ đôi tiếng sét bên này
mưa tuôn
Bầu trời có thể bị bỏ lại, rơi rớt trước niềm vô vọng, vì nó là hư không, là trống rỗng. Nó cũng là chân trời, nơi không có đâu, không có điểm nào để đến. Chính vì cái trống rỗng đó mà sấm sét và mưa tuôn dồn đến, dồn lại. Chính vì trống rỗng đó, hoang vu đó mà dấu chân con người mới hiện ra trong hình dáng “ngửa mặt” nhìn trời mây, nhìn hư không.
nàng thu ngủ sấp trên mây
dấu chân ngửa mặt nơi này hoang vu.
Cả dấu chân ngửa mặt ở đây cũng là điệu múa. Múa giữa hoang vu.
Và Khánh múa cùng lục bát. Chơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.