Thế nhưng, đám cưới năm 2024 có khác gì 10-20-30 năm trước khi phong bì, rượu bia y vậy nhưng tinh thần chia vui liệu có giảm mấy phần?
Chỉ một tháng ngắn ngủi từ (12.2023 vắt sang 1.2024), có người nhận 4 cái thiệp mời đám cưới. Đám cưới con cháu, đám cưới đồng nghiệp, đám cưới con sếp, đám cưới bạn học (không quá thân).
Đi đám cưới cả 4, đi đám nào, bỏ phong bì đám nào cũng là câu hỏi mà nghĩ thôi đã thấy mệt. Lương tháng 8 triệu, tết sát bên, đi đám cưới cả 4 đám thì chắc cũng "đau bao tử" chứ không đùa, chưa kể nhà hàng, đám tiệc mấy sao, bỏ sao cho vừa, để cô dâu - chú rể đỡ lỗ?
Bao tử xong đến cái đầu, nữ thì đỡ khổ hơn chút ở khoản nhậu mừng chứ đàn ông chẳng lẽ không "1-2-3 dô- dô". Đi xong về say ngắc ngứ, mở mắt ra lại đến tất niên, họp hành, báo cáo. Nghĩ thôi cũng thấy ê ẩm.
Có nhiều người lúc đó chỉ ước, phải có cái đám cưới không bỏ phong bì, hay không rượu bia nhỉ?
Mong là thế nhưng thỉnh thoảng nhiều cặp đôi cũng tổ chức đám cưới "phá cách" đơn giản, chủ yếu đong đầy tình cảm yêu thương. Không rượu bia, không phong bì.
Thực tế, không ít trường hợp các cặp đôi sau khi làm lễ thành hôn phải "còng lưng" trả nợ do đã trót "vung tay" trong đám cưới. Vì vậy đám cưới với cách thức thể hiện đơn giản, văn minh nhưng không kém phần sang trọng ít nhiều đã được lựa chọn.
Thăm dò ý kiến
Bạn ngại gì nhất khi đi đám cưới?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Vui không nhất thiết phải rượu bia
Ngày 31.12.2023, cô dâu Quỳnh An và chú rể Dương Quang tổ chức đám cưới ở Quảng Nam. Một đám cưới đơn giản, ấm áp nhưng vẫn sang trọng tinh tế. Bà con, họ hàng, bạn bè có tổng khoảng 300 người, vừa vặn với số bàn đã đặt. Nữ MC nói chuyện chừng mực, nhẹ nhàng, bàn tiệc không có rượu bia, không gian không có mùi thuốc lá, nhạc vừa đủ nghe.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Quỳnh An cho biết, đám cưới là ngày vui nên sẽ không ngăn cản được việc có người sẽ quá chén. Vì vậy, chị có chủ trương không đãi bia rượu mà chú trọng vào món ăn trong bữa tiệc. Điều này cũng tạo nên không khí ấm áp, mọi người có cơ hội trò chuyện với nhau nhiều hơn.
"Nếu không có rượu bia hiển nhiên sẽ không có những sự cố do chuyện "rượu vào lời ra" hay lên hát hò trong khi đã say ngà ngà. Đám cưới diễn ra một cách nhẹ nhàng và chúng tôi rất vui vì sự đón tiếp của gia đình được làm mọi người thích thú", cô dâu chia sẻ.
Ngay từ khi lên ý tưởng cho tiệc cưới, gia đình chị đã kiên định với ý tưởng này. Chị nghĩ niềm vui có thể đến từ việc bản thân lập gia đình, ba mẹ vui vì con cái thành gia lập thất, mọi người vui vì được gặp nhau…
"Nếu nói vì không có rượu bia, thuốc lá mà tiệc không vui có lẽ chúng ta đánh giá hơi cao vai trò của những thức uống đó. Chọn đãi rượu bia hay không tùy thuộc vào cách nhìn, quan điểm của mỗi gia đình. Tôi ưu tiên cho những niềm vui khác. Đám cưới vẫn diễn ra một cách trọn vẹn, đong đầy cảm xúc", chị An bày tỏ.
Vì không đãi bia rượu nên trong khâu trang trí, gia đình cũng không làm tháp rượu. Do đó thay cho việc mời rượu, ba chồng chị đã bảo nên thay thế một hành động khác để bày tỏ sự biết ơn đó là chọn cách tặng hoa. Chị thấy nhiều bạn bè cũng chọn cách trồng cây, đổ tranh cát thay cho các nghi thức cũ và thấy thích thú với điều đó.
Tiết kiệm, tránh lãng phí
Trước đó, chú rể Chính Trương (28 tuổi) và cô dâu Thu Hường (27 tuổi), ở H.Hoài Đức, Hà Nội cũng quyết định rót trà sữa thay cho rượu sâm panh, bánh bông lan trứng muối thay cho bánh kem trong lễ cưới của mình.
Chú rể cho biết, đó là ý tưởng của cả vợ chồng để tiết kiệm chi phí và tránh lãng phí. Họ quyết định rót trà sữa thay cho rượu sâm panh để mọi người cùng tận hưởng niềm vui và uống được thay vì bỏ đi. Ở phía dưới tháp trà sữa lớn, cặp đôi đã chia ra từng ly nhỏ để mọi người dễ uống.
Anh cũng để ý chiếc bánh kem có trong tiệc cưới cũng không được sử dụng vì lớp kem quá dày, rất ngấy. Vì vậy họ chuyển sang dùng bánh bông lan trứng muối.
"Tôi chỉ mời họ hàng, bạn bè thân thiết tới dự đám cưới và họ cũng hiểu rõ tính cách của hai vợ chồng nên hoàn toàn nhất trí với ý tưởng đó. Dù có một vài ý kiến trái chiều nhưng chúng tôi vẫn kiên định với suy nghĩ ban đầu", chú rể bày tỏ.
Anh còn định sẽ có phần tưới cây với ý nghĩa lan tỏa tinh thần yêu thiên nhiên. Nhưng vì không kịp chuẩn bị nên ý tưởng đó chưa được thực hiện. Việc sử dụng trà sữa, bánh bông lan trứng muối vẫn đảm bảo được những nghi lễ hình thức và có tính ứng dụng cao.
Phát huy vai trò xung kích, tiên phong của thanh niên trong công tác chuyển đổi số, chị Nguyễn Thị Huyền (29 tuổi, ở TP.Hưng Yên) đã tổ chức in và đặt mã QR tài khoản ngân hàng tại bàn mừng cưới với thông điệp "chúc mừng hạnh phúc – xin mời quét mã". Khi đến đám cưới không phong bì này, khách mời chỉ cần mở ứng dụng ngân hàng trên điện thoại và thực hiện thao tác quét mã đơn giản để gửi quà tặng cho cô dâu, chú rể.
"Tôi muốn tạo một điểm nhấn trong đám cưới của mình để lan tỏa được các hoạt động gắn với công tác chuyển đổi số. Tôi có gửi thiệp mời trực tiếp và online trong đó cũng có mã QR để khách mời biết được thông tin đám cưới, ảnh cưới, địa chỉ…", chị nói.
Cũng theo chị Huyền, bản thân cũng nghĩ đến việc nhiều người không biết biết cách quét mã hay sẽ nghe các ý kiến cho rằng đặt nặng chuyện mừng cưới. Tuy nhiên, khách mời của chị đa phần là thanh niên, họ cũng hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này.
Bình luận (0)