"Hạnh phúc vợ chồng là quan trọng nhất"
Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng cho biết, nghi thức trong đám cưới là những tập tục được hình thành trong quá trình phát triển của xã hội. Vì vậy, không thể xóa bỏ những nghi thức trang trọng đó ngày một ngày hai. Các cặp đôi cần phải có sự kết hợp hài hòa khi thực hiện những nghi lễ truyền thống với xu thế mới phù hợp với cuộc sống ngày nay.
Người Việt Nam luôn coi trọng đám cưới bởi đây là việc quan trọng của cả một đời người. Vậy nên trước kia, khi một đám cưới được tổ chức có rất nhiều nghi lễ và thủ tục. Theo dòng chảy thời gian, giờ đây những lễ nghi ấy được đơn giản hóa đi nhiều.
Thách cưới là một trong những phong tục đẹp, mang ý nghĩa tích cực. Thời xưa điều kiện kinh tế khó khăn, khi các con dựng vợ, gả chồng, cha mẹ thường tặng của hồi môn để các con có vốn làm ăn. Trong đó có việc nhà gái thách cưới, nhà trai thực hiện trong hôm đưa sính lễ sang ăn hỏi.
TS Hồng nói rằng, việc thách cưới cũng có ý nghĩa đề cao người con gái, như một nghi thức "luật bất thành văn" với nhiều gia đình. Việc thách cưới vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng với ý nghĩa nối tiếp truyền thống. Nhiều địa phương giữ tục thách cưới cho có hình thức vì sau đó số tiền cũng được trao lại cho hai con. Vì vậy, tiền thách cưới có ý nghĩa mang lại sự may mắn, phúc lộc cho cô dâu, chú rể.
"Bên cạnh những gia đình giữ tục thách cưới với ý nghĩa tích cực một số nơi còn có sự lạm dụng, biến ý nghĩa của tục lệ này dần mất đi. Nhà gái thách cưới quá cao với mục đích thu hồi vốn nuôi con là những ví dụ cho điều đó. Để "gạn đục khơi trong", chúng ta nên giữ lại phong tục nhưng không tạo ra những áp lực, tổn hại đến hạnh phúc của hai con trong ngày quan trọng nhất của cuộc đời", vị TS bày tỏ.
TS Hồng nói thêm, ngày nay có nhiều đám cưới chú trọng đến hình thức nên tổ chức ở những nhà hàng, khách sạn cao cấp, cỗ bàn bày biện linh đình. Một vài đám cưới còn mang ý nghĩa "rửa tiền", làm đẹp các mối quan hệ, thu về hàng tỉ đồng…
"Con gà tức nhau tiếng gáy", đó là những điều không nên, làm cho phong tục đám cưới của người Việt mất đi truyền thống tốt đẹp", vị TS nói.
Kế thừa có chọn lọc
Ngoài ra, những nghi thức có trong lễ thành hôn như cắt bánh kem, uống rượu giao bôi, trao nhẫn cưới, thuê nghệ sĩ biểu diễn… là những điều mọi người tiếp nhận từ văn hóa phương Tây. Những nghi thức này có chút rườm rà nhưng với nhiều người trẻ đó là cách để có tạo ra những dấu ấn, kỷ niệm đáng nhớ trong ngày cưới.
"Tôi đã từng dự những đám cưới mà khách đến chỉ ngồi xem giống như một chương trình biểu diễn nghệ thuật, ăn uống trong tiếng nhạc ầm ĩ. Điều này cũng làm mất đi không khí đầm ấm, trang trọng. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự cân đối, hài hòa giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại. Kế thừa có chọn lọc, sáng tạo thay vì bê y nguyên cách thực hiện có trong đám cưới phương Tây", vị TS chia sẻ.
Với suy nghĩ "đời người chỉ cưới một lần" nên nhiều cặp đôi dù không có điều kiện nhưng vẫn sẵn sàng vay mượn để tổ chức đám cưới hoành tráng, phô trương. TS Hồng cho hay đó là điều hoàn toàn không nên và sau này cặp đôi có thể sẽ phải làm việc cật lực để trả nợ, không có thời gian chăm chút tổ ấm.
Bên cạnh đó, việc đeo vàng cưới "khủng" nhận được nhiều sự quan tâm khi đăng tải lên mạng xã hội. Bà Hồng bày tỏ, may mắn đó chỉ là hiện tượng cá biệt, chưa phổ biến. Các cặp đôi không nên đeo quá nhiều vàng cưới, dùng vật chất làm thước đo cho giá trị của hạnh phúc. Hạnh phúc của hôn nhân chính là được sống trong sự yêu thương, bình yên, tình cảm chân thành.
Các cặp đôi khi tổ chức đám cưới cần phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, không nên phô trương quá mức dẫn đến việc lệch ra những chuẩn mực giá trị văn hóa", bà Hồng nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thời xưa đám cưới thường được tổ chức có đầy đủ các nghi thức như dạm hỏi, dạm ngõ, ăn hỏi, ăn cưới… Điều này cũng là sợi dây kết nối tình cảm gia đình, hai bên thông gia. Ngày nay, nhiều đám cưới đã rút bớt các nghi thức, có thể tổ chức với hình thức 3 trong 1 hoặc 2 trong 1.
"Để đám cưới được tổ chức văn minh, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, các cặp đôi cần phải cân đối, căn cứ vào điều kiện kinh tế, chuẩn mực văn hóa xã hội. Khi có sự kết hợp hài hòa đó, đám cưới sẽ có sự trang trọng, thiêng liêng trong ngày cặp đôi nên duyên vợ chồng", PGS.TS Lê Quý Đức bày tỏ.
Bình luận (0)