* Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc
Chiều 23.4, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết mưa lớn, mưa đá, giông lốc xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên... gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Qua thống kê ban đầu, thiên tai đã làm 3 người chết ở Hà Giang, Yên Bái và Sơn La; 3 người bị thương, ở Lào Cai (1 người) và Điện Biên (2 người).
Mưa giông làm 243 nhà sập đổ, hỏng nặng, trong đó nặng nhất là Điện Biên 162 căn; 1.847 nhà bị tốc mái, trên 795 ha lúa bị thiệt hại, hư hỏng nặng...
Tổng thiệt hại về kinh tế gần 42 tỉ đồng; trong đó Lào Cai thiệt hại nặng nhất với 15 tỉ đồng, Điện Biên thiệt hại 13 tỉ đồng, Yên Bái thiệt hại trên 8,5 tỉ đồng, Hà Giang thiệt hại 3 tỉ đồng, Sơn La thiệt hại trên 2,2 tỉ đồng...
Rạng sáng 23.4, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, giông lốc đã xảy ra tại nhiều xã của 2 huyện miền núi Kỳ Sơn và Tương Dương (Nghệ An) khiến hàng trăm nhà dân, trường học, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng nặng. Gió lốc với cường độ rất mạnh đã làm sập nhà khiến anh Ốc Văn Bun và vợ là chị Ốc Thị Lưu (ở xã Lượng Minh, H.Tương Dương) bị thương nặng.
Trước đó, chiều 21.3, một trận lốc kèm mưa đá đã xảy ra tại xã Lượng Minh khiến 60 nhà dân và nhiều diện tích hoa màu bị hư hại. Ngày 22.3, lốc và mưa đá cũng xảy ra tại một số xã của 2 huyện này khiến nhiều nhà cửa bị tốc mái, hư hại nặng. Chính quyền các huyện đang thống kê thiệt hại và huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của giông lốc và mưa đá.
Chiều cùng ngày, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh kết hợp với vùng hội tụ gió, các tỉnh Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa giông diện rộng.
Ở khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 40 - 80 mm/24 giờ, có nơi trên 120 mm/24 giờ. Đặc biệt, các tỉnh vùng núi Bắc bộ có mưa kéo dài đến ngày 26.4. Theo đó, các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Thái Nguyên có nguy cơ cao xả lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại khu vực đô thị, vùng trũng thấp.
Bình luận (0)