Ảnh: Mỹ Tuyết |
Đây là loại cây thân gỗ cao, lá to. Tùy theo tuổi mà mức độ to lớn của cây cũng khác nhau. Thông thường, gốc cây to bằng đầu gối người lớn, cao chừng
5 m thì ra hoa. Mùa trái đỏ bắt đầu từ tháng giêng âm lịch. Đó là sau những ngày trời lất phất mưa xuân, thân cây nhú lên từng chùm hoa từ gốc đến khắp các cành. Vài hôm sau, hoa nở trắng một màu tuyệt đẹp. Sau vài ngày nở, từng chùm hoa bắt đầu kết trái.
Lúc đầu quả non nhỏ có hình màu xanh rồi hồng hồng trông giống như những viên bi. Theo thời gian, trái lớn dần và chuyển sang màu đỏ tươi. Có lẽ loại cây này phù hợp với thời tiết, ít sâu bệnh nên trái nhiều và ít hư rụng như những loại trái khác. Khi trái lớn, nhìn toàn thân cây chỉ thấy một màu đỏ với bao nhiêu là trái, trái từ gốc đến ngọn, đến cành trông như một bức tranh.
Trái đỏ còn non, vị chua nhiều nhưng ăn được. Vì vậy mà những người đi làm đồng, những đứa trẻ chăn bò như chúng tôi ngày ấy thường hái về chấm muối ớt rồi cả đám bạn vừa ăn vừa nhăn mặt hít hà khoái chí. Vì trái chua nên có người ở quê thường hái về để nấu canh chua với các loại cá suối. Vị chua thanh ngọt, dịu nhẹ nên hương vị nồi canh cũng ngon không kém những thứ rau rừng khác.
Khi trời lập thu cũng là lúc trái đỏ bắt đầu chín, và đến khoảng nửa tháng 8 âm lịch thì chín rộ. Trái đỏ chín màu vỏ bên ngoài chuyển sang hồng nhạt một tí nhưng cơ bản vẫn là màu đỏ lúc xanh non. Từng chùm đỏ chín tròn treo lủng lẳng chi chít từ gốc tới ngọn nhìn rất đẹp mắt. Khác với lúc còn xanh, trái đỏ chín mỏng vỏ. Bóc lớp vỏ bên ngoài, phần ruột bên trong có nhiều múi màu hồng đỏ căng mọng nằm xếp thành hình tròn đều nhau. Người ăn cho múi đỏ vào miệng sẽ cảm nhận đủ vị thanh ngọt nhẹ nhàng.
Một đặc điểm nữa của trái đỏ là chín tự nhiên trên cây chứ không phải hái về ủ nên bất cứ lúc nào trái cũng tươi ngon, an toàn. Ngày nay trái đỏ ở vùng quê vẫn còn nhiều. Khi mùa đỏ rộ, người ở quê đi rừng hái về gửi tặng hoặc đem ra chợ bán. Nhìn những chùm đỏ tươi giữa phố phường, tôi biết rằng bây giờ trời đã sang thu...
Mỹ Tuyết
Bình luận (0)