Hằng năm, cứ vào lễ Vu Lan những bầy dơi quạ không biết từ phương trời nào bay vần vũ như đám mây rồi kéo về hội trên những cành cây cao tại ngôi chùa nhỏ trên cù lao Ông Hổ.
|
10 năm bay đi bay về
Chùa Hưng Long trên cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, An Giang) nằm bên bờ sông Hậu rất ồn ào khi vào mùa dơi hội. Phía hậu viên chùa, thân cây nào cao trên 20 m đều có dơi. Dơi hội tại đây hầu hết là dơi quạ, có con nặng gần 1,5 kg, 2 sải cánh bung ra dài trên 1 m. Khách đến viếng chùa vào mùa này sẽ hứng thú với tiếng kêu lít chít xen lẫn tiếng đập cánh loạn xạ của lũ dơi. Giữa khung cảnh yên ả, vi vu gió sông, tiếng dơi kêu hòa cùng tiếng chuông chùa ngân lên làm lòng người nhẹ bớt ưu phiền.
Sư Võ Thị Lên, Trụ trì chùa Hưng Long, nhớ lại: “Vào một đêm tháng 7 cách đây khoảng 10 năm, tôi đang ngủ bỗng nghe tiếng văng vẳng như heo con kêu từ trên cao. Tôi ngạc nhiên lắm vì đâu có ai nuôi heo trên cao. Hôm sau ra xem thấy bầy dơi to đậu trên các thân cây cao. Lúc đó tôi đếm độ có vài trăm con, vài ngày sau có thêm lũ dơi mới đến nhập bầy nâng tổng số lên cả ngàn con”. Sư Lên cho biết lũ dơi trú ẩn trong chùa gần hết năm mới bay đi.
Từ đó sư để ý, cứ vào tháng 6 âm lịch, dơi xuất hiện lác đác và đến rằm tháng 7 lên đến cả ngàn con. Như biết tránh người, chúng chỉ lựa các cây cao trong sân chùa đậu suốt ngày, ban đêm túa đi kiếm ăn. Dơi rất khôn, không bay vào vườn của người dân phá cây trái nên từ đó tới nay chưa ai phiền hà gì. Sư Lên cho biết vùng cù lao này còn nhiều cây gáo vàng và gáo trắng, chắc chúng ăn trái gáo đủ no nên không phá phách.
Đàn dơi biết... tu
Bao năm bảo vệ và quan sát, vị trụ trì chùa nắm rõ tập tính của đàn dơi. Sư Lên nói đàn dơi gồm nhiều bầy, trong mỗi bầy có một con dơi đầu đàn bảo vệ các thành viên. Bằng chứng khi có con dơi lạ nào bay đến đậu vào bầy liền bị con dơi lớn bay ra cắn, đuổi con dơi kia đi.
Sư Lên nhớ lại lúc bầy dơi xuất hiện, nhiều người đã mang nạng thung, súng săn đến sân chùa rình bắn làm lũ dơi hoảng loạn, có con bị thương nhưng bấu dính chặt thân cây cho đến chết khô mới rơi xác xuống. Các vị sư trong chùa phải năn nỉ, thuyết phục các thợ săn rằng trời đất bao la nhưng lũ dơi lại chọn cù lao này chứng tỏ “đất lành dơi đậu”. Chúng chọn chùa náu thân có lẽ chúng cũng biết tu, chúng không ăn phá cây trái, không phá phách ai thì sát sinh chúng trong sân chùa sẽ tội và bất nhẫn. Các sư năn nỉ riết các thợ săn cũng sợ mang oán nghiệp nên không bắn dơi. Nhờ vậy, mỗi năm số dơi lại tăng.
Sư Lên kể tiếp: “Có lần một con dơi lớn nặng trên 1,2 kg bị thương rơi từ trên cây xuống, các vị trong chùa định bắt nó băng vết thương nơi cánh nhưng nó dữ quá, cắn cào lại. Răng và vuốt dơi rất bén nên nhiều người bị chảy máu, chúng tôi bèn cho dơi nằm đó, lấy chuối, trái cây cho dơi ăn. Chứng kiến cảnh dơi ăn thú vị lắm, nó dùng răng, móng vuốt lột vỏ chuối rồi mới ăn như người”.
Miền Tây với vườn tược, cây rừng bát ngát nhưng vì sao dơi quạ chỉ chọn chùa này để hội là điều rất kỳ lạ. Ban đầu sư Lên đoán lũ dơi ấy có thể từ chùa Dơi ở Sóc Trăng - nơi nổi tiếng có rất nhiều dơi di cư đến. Nhưng có dịp qua chùa Dơi, sư Lên tìm hiểu thì dơi nơi đây nhỏ hơn và chúng ở cố định không di cư. Người ta lại đoán có thể chúng đến từ núi Cấm (H.Tịnh Biên, An Giang) hay miệt rừng U Minh hoặc Phú Quốc... Ngoài ra, bầy dơi hội ở chùa sớm hay muộn còn liên quan đến thời tiết, như năm nào biển động hay bão to dơi về sớm hơn. Sư Lên nói mong ngành chức năng gắn con chíp vào dơi để theo dõi hành trình bay, nếu biết được chúng từ đâu đến sẽ rất thú vị.
Thanh Dũng
Bình luận (0)